Trong những ngày này, giới nhà giàu Trung Quốc khó có thể ngủ ngon.
Từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đẩy mạnh chiến dịch “thịnh vượng chung”, tái phân phối tài sản trong xã hội, họ bị đẩy vào thế phòng thủ. Nhiều người lựa chọn xóa tài khoản mạng xã hội hay tìm cách gửi tiền đi chỗ khác.
Trong nhiều năm qua, tầng lớp giàu có tại Trung Quốc đã hưởng lợi từ nền kinh tế phát triển nhanh chóng và thái độ nương nhẹ của chính quyền. Năm 2021, mỗi tuần Trung Quốc có một tỷ phú mới. Số lượng tỷ phú USD tại Trung Quốc đã vượt mốc 750, nhiều hơn Ấn Độ, Nga và Đức cộng lại.
Giờ đây, thời thế đã thay đổi. Dù giới chức Trung Quốc khẳng định “thịnh vượng chung” không có nghĩa là “lấy của người giàu”, nhiều người lo ngại chiến dịch thu hẹp khoảng cách giàu nghèo sẽ tác động tiêu cực đến những cá nhân có khối tài sản lớn.
Rời mạng xã hội, tăng chuyển tiền ngầm
Mối lo lớn nhất nằm ở sự không chắc chắn của giới nhà giàu: Họ không biết những tuyên bố hùng hồn về tái phân phối tài sản sẽ được triển khai trên thực tế thế nào. Giới chức Trung Quốc đang thảo luận một cách công khai về một biểu thuế thu nhập mới, dù làn sóng từ thiện (một hình thức tái phân phối tài sản) đang được đẩy mạnh.
“Vài năm trước đây, mọi người chỉ nghĩ đến việc phải đầu tư thế nào”, Echo Zhao, một chuyên gia cố vấn cho giới siêu giàu tại hãng luật SF Law tại Thượng Hải, nhận định. “Giờ đây, họ không còn hăng hái nắm bắt cơ hội như xưa”.
Nhiều người giàu có tại Trung Quốc lựa chọn rời xa mạng xã hội vì sợ vướng phải bê bối. Ảnh: Asian Journal. |
Để đối phó với tình hình mới, hành động đầu tiên của nhiều người là tránh sự chú ý của dư luận, đặc biệt là mạng xã hội. Nhiều người dùng mạng xã hội thường xuyên lục lại những bài đăng cũ để tấn công bất cứ ai được cho là “không toàn tâm toàn ý với Trung Quốc”, dù cho đó là nghệ sĩ hay một nhà khoa học danh tiếng.
Tỷ phú Wang Xing, người sáng lập ứng dụng giao đồ ăn Meituan, từng mất 2,5 tỷ USD khi một bài đăng trên mạng xã hội của ông bị cho là nhạy cảm. Cuộc điều tra đối với nữ diễn viên Trịnh Sảng cũng bắt đầu từ một vụ bê bối trên mạng xã hội.
Một nhà tư vấn cho giới siêu giàu cho biết ngoài “rời xa” các mạng xã hội, nhiều khách hàng của ông thường xuyên từ chối phỏng vấn và đóng góp tiền từ thiện qua công ty, thay vì với danh nghĩa cá nhân.
Từ nhiều năm trước đây, tình trạng người Trung Quốc chuyển tiền ra nước ngoài đã không phải là hiếm. Tình trạng này có nguồn gốc từ những biện pháp quản lý ngoại tệ chặt chẽ mà Trung Quốc áp đặt. Có câu chuyện vui rằng nhiều người giàu Trung Quốc biết chính xác một triệu nhân dân tệ nặng bao nhiêu, nếu đổi ra HKD.
Các quy định hạn chế di chuyển để phòng dịch Covid-19 khiến việc chuyển tiền ra nước ngoài trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, Bắc Kinh áp đặt lệnh cấm lên giao dịch tiền ảo, một phương pháp chuyển tiền ra nước ngoài đang dần trở nên phổ biến.
Do các vấn đề trên, nhu cầu “chuyển tiền ngầm” đang dần gia tăng, kéo chi phí tăng theo. Một số khách hàng phàn nàn về phí chuyển tiền lên đến 20%, thay vì ở mức một con số như trước.
Đẩy tiền ra nước ngoài
Giới nhà giàu cũng lo ngại Trung Quốc sẽ áp đặt thuế thừa kế trong tương lai gần. Nhiều gia đình đã lựa chọn gửi tài sản vào các quỹ tín thác để bảo vệ tối đa trước mức thuế có thể có trong thời gian tới.
Tuy có giá trị lên tới 1.600 tỷ USD, dịch vụ này vẫn còn khá mới ở Trung Quốc, khiến khả năng bảo vệ tài sản bị đặt dấu hỏi. Thay cho lựa chọn trên, một số người quyết định gửi tiền đến các “thiên đường thuế” như quần đảo Cayman, Bermuda hay quần đảo Virgin thuộc Anh.
Giới nhà giàu Trung Quốc đang tìm nhiều cách để giữ khối tài sản của mình. Ảnh: CNBC. |
“Đối với các nhà đầu tư nội địa, chiến dịch ‘thịnh vượng chung’ đem lại sự bất ổn”, ông Adrian Zuercher, chuyên gia tại quỹ quản lý tài sản UBS, nói. “Chúng tôi khuyên khách hàng xem xét các lĩnh vực như năng lượng tái tạo hay xe điện. Đây là các lĩnh vực sẽ được hưởng lợi, nếu xét đến chính sách chú trọng các phát minh và công nghệ xanh”.
Các đơn vị tư vấn cũng khuyên khách hàng từ Trung Quốc hướng đến thị trường nước ngoài. Hiện tại, các nhà đầu tư Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 10% giao dịch trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Họ bị đánh giá là “quá chú trọng” vào thị trường nội địa. Một ngân hàng ước tính người Trung Quốc giữ từ 30% đến 50% tài sản của bản thân ở trong nước.
“Đầu tư ra nước ngoài có thể coi là biện pháp phòng vệ nước đôi trước các cú sốc về kinh tế trong nước, cũng như những vấn đề của thị trường bất động sản”, các chuyên gia của tờ Bloomberg nhận định.