Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giới nhà giàu ồ ạt mua nhà ở Dubai

Thị trường nhà ở xa xỉ tại Dubai đang rất sôi động. Giới nhà giàu từ châu Âu, Nga, Trung Quốc đến Ấn Độ đang đổ về thành phố, đẩy giá bất động sản tăng phi mã.

Bloomberg đưa tin theo công ty bất động sản Knight Frank, thị trường nhà ở cao cấp của Dubai vẫn đang tăng trưởng nóng. 176 căn nhà trị giá ít nhất 10 triệu USD đã được đổi chủ trong nửa đầu năm nay.

"Thị trường nhà ở cấp cao của Dubai vẫn đang thu hút sự chú ý của những người giàu trên thế giới. Các cá nhân với giá trị tài sản ròng cao muốn mua ngôi nhà thứ 2 tại thành phố này", ông Faisal Durrani - Trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Đông của Knight Frank - cho biết.

Trong quý I, Dubai là thị trường nhộn nhịp nhất thế giới đối với các bất động sản trị giá trên 10 triệu USD, thậm chí vượt Hong Kong và New York. Nhu cầu ở phân khúc này vẫn ổn định. Tổng giá trị giao dịch đã lên tới 3,1 tỷ USD trong nửa đầu năm.

Giới tinh hoa đổ về Dubai

Theo Knight Frank, với mức giá trung bình dao động khoảng 6.900 dirham (tương đương 1.879 USD) mỗi m2, các bất động sản xa xỉ tại thành phố này vẫn tương đối phải chăng.

Giới nhà giàu từ châu Âu, Nga, Trung Quốc đến Ấn Độ đang đổ về Dubai. Nhiều khu phố đắt đỏ thậm chí không còn nhà để bán.

Từ một làng chài nhỏ, Dubai giờ đã là điểm đến hấp dẫn với giới nhà giàu nước ngoài. Mỗi tuần, một nhà hàng cao cấp mới sẽ mọc lên tại thành phố này.

Các quán bar ở trung tâm thành phố tập nập người mỗi tối. Theo dữ liệu của Cơ quan Quản lý Giao thông và Đường bộ, lưu lượng giao thông đường bộ và số lượt sử dụng phương tiện giao thông công cộng đã vọt lên mức kỷ lục trong năm ngoái.

Một phần nguyên nhân là cách Dubai đối phó với đại dịch Covid-19. "Năm 2020 và 2021 thật khó tin. Dubai là một trong những nơi kiểm soát dịch tốt. Điều đó khiến mọi người biết tới thành phố này", ông Philippe Zuber - Giám đốc điều hành của Kerzner International, chủ đầu tư dự án Atlantis The Royal - chia sẻ.

Người giàu châu Âu đang tìm kiếm cuộc sống tràn ngập ánh nắng mặt trời và thuế thấp. Các chuyên gia tài chính rời khỏi châu Á để tránh những hạn chế chống dịch nghiêm ngặt.

Người Ấn Độ bị thu hút bởi chương trình cư trú mới hấp dẫn. Còn giới nhà giàu Nga vẫn được Dubai chào đón sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra.

Tham vọng của Dubai

Trong khi đó, thành phố này cũng muốn thúc đẩy thương mại, đầu tư nước ngoài và nâng cao vị thế như một điểm đến toàn cầu.

“Dubai sẽ được xếp hạng là một trong 4 trung tâm tài chính toàn cầu hàng đầu với FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) tăng lên hơn 650 tỷ dirham (177 tỷ USD) trong thập kỷ tới", ông Sheikh Mohammed bin Rashid al Maktoum - Quốc vương Dubai, Phó tổng thống kiêm Thủ tướng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - tuyên bố hồi đầu năm.

"Hơn 300.000 nhà đầu tư toàn cầu đang giúp xây dựng Dubai thành thành phố toàn cầu phát triển nhanh nhất”, ông nhấn mạnh.

Kế hoạch của Dubai bao gồm thúc đẩy ngoại thương từ 14.200 tỷ dirham trong thập kỷ qua lên 25.600 tỷ dirham, tăng gần gấp đôi FDI lên 60 tỷ dirham mỗi năm.

Cùng với đó là nâng chi tiêu công từ 512 tỷ dirham 10 năm qua lên 700 tỷ dirham trong 10 năm tiếp theo.

Kế hoạch cũng hướng tới mục tiêu đưa đầu tư khu vực tư nhân từ 790 tỷ dirham trong thập kỷ qua lên 1.000 tỷ dirham 10 năm tới; cam kết đóng góp 100 tỷ dirham/năm cho nền kinh tế từ các dự án chuyển đổi kỹ thuật số.

Dubai tham vọng tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế trong 10 năm tới và trở thành một trong 3 thành phố kinh tế hàng đầu thế giới.

"Đó là một mục tiêu đầy tham vọng. Nhưng dựa trên lịch sử nền kinh tế và quá trình cải cách của Dubai, không có gì để nghi ngờ những mục tiêu đó", ông Tarek Fadlallah - CEO khu vực Trung Đông tại Nomura Asset Management - nói với CNBC.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Singapore là thành phố đắt đỏ nhất với giới nhà giàu

Singapore vừa vượt qua Thượng Hải và trở thành thành phố đắt đỏ nhất cho cuộc sống thượng lưu. Giá thuê nhà và chi phí sinh hoạt tại nước này đều ở mức cao.

Nghịch lý từ làn sóng sa thải vì AI

Ngày càng nhiều công ty công nghệ dẫn lý do "trí tuệ nhân tạo" để cắt giảm việc làm. Làn sóng sa thải bắt đầu từ chính ngành công nghiệp đã phát triển AI.

Thảo My

Bạn có thể quan tâm