Trong chiếc áo jacket màu xanh xám, cổ tay đeo khuy măng séc bằng vàng, Gerard Araud, đại sứ Pháp ở Mỹ, là khách mời trong một buổi tọa đàm ở Viện Brookings đầu tháng 6. Ông bình thản phản biện điều mà vị khách mời khác, ông Thomas Wright của Viện Brookings, gọi là “khủng hoảng trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương” gây ra bởi ông Trump.
Araud nói ông không quá lo lắng. “Tôi tin vào bộ máy chính quyền ở Mỹ”, vị đại sứ giải thích và nói thêm rằng trong “những tháng sắp tới” ông hy vọng chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ bình thường hóa.
Ngay lập tức tiếng cười vang lên từ phía khán giả. Nhiều người cho rằng cách tổng thống Mỹ tiếp cận ngoại giao không “bình thường” chút nào, chí ít là theo cách hiểu về ngoại giao ở Viện Brookings, và họ cho rằng ông sẽ không thay đổi.
Dù vậy, họ vẫn hiểu ý ông Araud, và tại sao ông vẫn lạc quan về chính sách ngoại giao của Mỹ. Suy cho cùng, ông là một nhà ngoại giao. Như vị khách mời Robert Kagan, một nhà sử học, cũng nói “Nếu tôi là một đại sứ, tôi cũng sẽ nói y như vậy”
Trump không ngại căng thẳng
Giới ngoại giao là như vậy. Khi có mâu thuẫn, họ cố làm dịu vấn đề trước công chúng trong khi cố giải quyết đằng sau hậu trường. Nhưng trong những tuần qua, thủ đô Washington, nơi các đại sứ sống và làm việc, giống như điều mà BBC gọi là “bãi mìn ngoại giao”.
Các lãnh đạo ở Châu Âu đã phải tỏ ra mạnh mẽ. Chẳng hạn trong cuộc gặp gần đây ở Bỉ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt tay ông Trump chặt tới mức ngón tay ông chuyển màu trắng.
Để tỏ ra mạnh mẽ, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nắm tay chặt tới mức ngón tay họ chuyển màu trắng. Trong một cuộc gặp khác, ông Trump đã từ chối đề nghị bắt tay của Thủ tướng Đức Angela Merkel trước các phóng viên. Ảnh: Reuters. |
Sau đó ông Trump tuyên bố nước Mỹ sẽ rút khỏi hiệp định Paris, một hiệp định về biến đổi khí hậu và cũng là một thành công về ngoại giao của thời tổng thống Obama.
Trong tuyên bố của mình, ông nhắc đến việc “khẳng định lại chủ quyền của nước Mỹ” và nói: “Tôi được bầu để đại diện cho người dân ở Pittsburg, không phải Paris”.
Ông Trump đã không né tránh. Lời của ông thể hiện tinh thần của chính sách ngoại giao “nước Mỹ trên hết”. Như ông giải thích, ông muốn rút khỏi hiệp định vì cho rằng nó không có lợi cho nước Mỹ.
Đối với một số cố vấn ở Nhà Trắng, “lợi ích thứ hai” của việc rời khỏi hiệp ước, theo một quan chức cấp cao nói với báo Washington Post, là làm Châu Âu khó chịu.
Rồi ông còn táo bạo đả kích Thị trưởng London Sadiq Khan bằng một tweet mang tính lăng mạ ngay sau vụ tấn công khủng bố ở đó làm 8 người chết.
Ông Trump từng gọi biến đổi khí hậu là “trò lừa bịp” và nói hiệp định Paris sẽ làm giảm nhiệt độ toàn cầu “rất ít”. Ảnh: Reuters. |
Xung khắc giữa tổng thống Mỹ và các lãnh đạo Châu Âu cả ở cấp thành phố lẫn cấp quốc gia đã diễn ra trong bối cảnh ngành ngoại giao Mỹ cạn kiệt nhân lực và tinh thần.
Phó đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh David Rank đã từ chức để phản đối quyết định rút khỏi hiệp định Paris của ông Trump.
“Lương tâm không cho phép tôi tham gia vào việc rút khỏi hiệp định”, ông Rank nói với chương trình Newshour của đài PBS ở Mỹ. “Ngành chúng tôi có quy tắc rõ ràng. Hoặc là anh đồng ý thực hiện chính sách của tổng thống hoặc là anh bước sang một bên.”.
Giới ngoại giao không hiểu nổi Trump
Trong khi đó, việc bổ nhiệm nhân sự ở Bộ Ngoại giao Mỹ đã chậm lại và vài chục vị trí chưa có người. Chính quyền ông Trump chưa nộp cho Thượng viện tên của đại sứ các nước Bỉ, Đức, Áo và một số nước Châu Âu khác.
Thêm vào đó, nhiều cố vấn cao cấp của tổng thống còn không chắc về quan điểm của ông Trump trong các vấn đề chính trị và kinh tế: họ tưởng ông sẽ quyết định tham gia hiệp ước này, nhưng sau đó ông đã quyết định khác. Ông thích có nhiều thời gian, không muốn khẳng định lập trường, và thường đổi ý ở phút cuối.
Vì vậy các quan chức Mỹ nhiều khi không thể chuyển tải quan điểm của tổng thống trong các cuộc gặp với các nhà ngoại giao.
Các tweet của ông Trump khó hiểu, mâu thuẫn và thường hằn học, và các cố vấn thường không biết tiếp theo sẽ là gì – một Trump nhẹ nhàng cười nói với các lãnh đạo Châu Âu, hay một Trump lạnh lùng công kích họ trên mạng xã hội.
Nhiều người theo Đảng Cộng hòa ủng hộ tổng thống rút khỏi hiệp định Paris, và họ thích cách ông luôn đặt mọi phương án lên bàn cân trong việc đối ngoại. Matt Mackowiak, chuyên tư vấn cho Đảng Cộng Hòa ở Austin, Texas và Washington, DC, nói “Đây là tổng thống thích sự linh hoạt”.
“Nếu không sáng tạo thì có thể bị giới hạn trong các lựa chọn”, ông Mackowiak nói với BBC, và ông đồng tình với cách làm việc của tổng thống. “Ông ta không thích các lựa chọn của mình bị giới hạn”.
Trái lại, nhiều người theo Đảng Dân chủ phát hoảng vì cách tổng thống hình thành chính sách đối ngoại.
“Có hai cái khó”, theo Charles Kupchan, chuyên gia cao cấp phụ trách quan hệ Châu Âu trong chính quyền Obama. “Đó là chuyện nhân sự quá mỏng và sự mập mờ đang tồn tại trong Nhà Trắng”.
Thăm dò tín hiệu từ Nhà Trắng
Trong tình thế như vậy, các đại sứ đang cố hết sức bằng cách tiếp xúc với các nhân vật cao cấp trong Nhà Trắng, đồng thời vắt óc tìm xem ai thực sự ảnh hưởng và ai không. Có những buổi chiều, các nhà ngoại giao gặp ở quán cà phê và phân tích hình ảnh tổng thống cùng nội các của mình để xác định cơ cấu tổ chức của chính quyền.
“Chúng tôi xem ảnh từ Phòng Bầu Dục, rồi hỏi ‘Ai thế nhỉ?’”, một nhà ngoại giao Châu Âu nói với đồng nghiệp trong một quán cà phê ở khu Dupont Circle sang trọng ở Washington DC, mà BBC cũng nghe thấy.
“Có bao nhiêu người đằng sau ông ta”, nhà ngoại giao tiếp tục. “Rồi anh phải cố lọc ra những người quan trọng”.
Có thêm một mảng tối hơn xung quanh câu chuyện này. Một vài nhà ngoại giao cảm thấy bất an sau khi nói chuyện với một số người trong những bức ảnh. Chẳng hạn, các nhà ngoại giao nói với BBC một quan chức cao cấp khi nói chuyện đã nhắc lại lời của những tác giả người Pháp và Ý viết sách cổ súy chủ nghĩa phát xít mới”. Điều này làm các nhà ngoại giao sững sờ.
Tom Malinowski, trợ lý ngoại trưởng Mỹ dưới thời Obama, nói ông hiểu tại sao họ thấy lo ngại bởi những gì nghe được.
“Có những tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và chủ nghĩa dân túy (populism) ở trong chính quyền của Trump chưa từng thấy kể từ … thực ra là chưa bao giờ”, ông Malinowski nói.
“Cả người Mỹ lẫn các nước khác đều đang căng mắt để nhìn rõ những tư tưởng này bao gồm những gì và sẽ đi đến đâu”. Tuy vậy, ông nói có những điều đã rõ ràng.
“Chúng ta biết là – Donald Trump rút ra khỏi hiệp ước Paris”, ông Malinowski nói với BBC. “Và ông ta đang vu cho các đồng minh thân cận nhất là có ác ý”.
“Vậy bạn sẽ phản ứng thế nào nếu bạn là đại sứ Pháp? Bạn sẽ phải điều chỉnh. Bạn sẽ phải cài dây an toàn và hi vọng mọi thứ sẽ thay đổi càng sớm càng tốt”.
Và ông Araud cũng như vậy trong buổi nói chuyện ở Viện Brookings. Ông cười một cách lịch sự, và rảo bước ra về.