Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giới lập pháp Mỹ chật vật đi học về công nghệ

Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo khiến các nhà lập pháp ở Washington phải nghiêm túc tìm hiểu kỹ lưỡng về những công nghệ mới.

Trong những tuần gần đây, hai thành viên của Quốc hội Mỹ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của trí tuệ nhân tạo (AI).

Hạ nghị sĩ Ted Lieu, đảng viên Dân chủ của California đã viết trong một bài luận của khách mời trên tờ The New York Times vào tháng 1 rằng ông cảm thấy “hoảng sợ” trước khả năng bắt chước văn phong của con người từ ChatGPT.

Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Jake Auchincloss từ bang Massachusetts, đã có bài phát biểu dài một phút được viết bởi một chatbot nhằm kêu gọi lập ra những quy định cho AI.

AI anh 1

Giới lập pháp nước Mỹ đã bắt đầu quan tâm đến sự nguy hiểm của trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Shutterstock.

Tuy nhiên ngay cả khi các nhà lập pháp nước Mỹ đã bắt đầu chú ý đến công nghệ này, thực tế vẫn có rất ít người dám hành động. Hiện vẫn chưa có dự luật nào được đề xuất để bảo vệ cá nhân hoặc cản trở sự phát triển của các khía cạnh nguy hiểm tiềm tàng mà AI có thể mang lại.

Khoảng trống pháp lý với công nghệ

Thậm chí trong những năm gần đây, một số luật nhằm hạn chế ứng dụng AI như nhận dạng khuôn mặt đã bị Quốc hội Mỹ bác bỏ.

Bên cạnh đó, vấn đề nghiêm trọng hơn là các nhà lập pháp nước Mỹ thậm chí còn không biết AI là gì, theo lời Hạ nghị sĩ Jay Obernolte, đảng viên Cộng hòa của California và cũng là thành viên duy nhất của Quốc hội Mỹ có bằng thạc sĩ về trí tuệ nhân tạo cho biết.

“Trước khi đưa ra quy định cần phải có sự thống nhất về mối nguy hiểm đó là gì. Điều đó đòi hỏi các nhà lập pháp phải sự hiểu biết sâu sắc về AI. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết tôi đã phải dành bao nhiêu thời gian chỉ để giải thích với các đồng nghiệp của mình rằng mối nguy hiểm chính của AI không đến từ những con robot độc ác với tia laze đỏ phát ra từ mắt”, Obernolte nói.

AI anh 2

Vấn đề nghiêm trọng là các nhà lập pháp nước Mỹ thậm chí còn không biết AI là gì. Ảnh: Vox.

Những động thái chậm chạp với AI dường như là một phần của mô hình quen thuộc, trong đó công nghệ một lần nữa vượt xa khả năng xây dựng bộ quy tắc và quy định của Mỹ.

Các nhà lập pháp từ lâu đã phải vật lộn để có thể hiểu những cải tiến mới của thế giới công nghệ. Trong một thời gian dài, các công ty thậm chí còn tác động để làm chậm việc ra các quy định, với lập luận rằng ngành công nghiệp này cần sự tự do trong bối cảnh Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc để giành vị trí dẫn đầu về công nghệ.

Carly Kind, giám đốc của Viện Ada Lovelace, một tổ chức ở London tập trung vào việc sử dụng công nghệ có trách nhiệm, cho rằng việc thiếu đi những quy định đã khuyến khích các công ty đặt lợi ích tài chính và thương mại lên trên tính an toàn.

"Các nhà hoạch định chính sách đang tạo điều kiện cho một cuộc chạy đua về trí tuệ nhân tạo vô trách nhiệm khi không có bất kỳ rào cản nào", bà Kind cho biết.

Khoảng trống về pháp lý khiến Liên minh châu Âu phải đóng vai trò lãnh đạo. Năm 2021, các nhà hoạch định chính sách của EU đã đề xuất một đạo luật tập trung vào việc điều chỉnh các công nghệ AI rủi ro cao như nhận dạng khuôn mặt hoặc các ứng dụng liên kết với cơ sở hạ tầng công cộng quan trọng.

AI anh 3

Những công nghệ ứng dụng AI như nhận dạng khuôn mặt cần có chế tài nghiêm ngặt từ chính phủ. Ảnh: Financial Times.

Biện pháp dự kiến ​ được thông qua ngay trong năm nay, với mục đích chính là yêu cầu các nhà sản xuất AI tiến hành đánh giá rủi ro về cách ứng dụng của họ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn và quyền cá nhân, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận.

Các công ty vi phạm luật có thể bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu. Với các nền tảng công nghệ lớn nhất thế giới, tổng số tiền có thể lên tới hàng tỷ USD.

Theo các nhà hoạch định chính sách của EU, đạo luật này là rất cần thiết để tối đa hóa lợi ích của trí tuệ nhân tạo đồng thời giảm thiểu rủi ro đối với xã hội của nó.

Khi giới lập pháp cũng phải đi học về công nghệ

Giới lập pháp nước Mỹ cũng đã có những động thái đầu tiên để nắm rõ hơn về công nghệ mới. Nói với New York Times, Hạ nghị sĩ Donald Beyer Jr, đảng viên Dân chủ của Virginia tiết lộ ông đã bắt đầu tham gia các lớp học buổi tối về AI.

AI anh 4

Hạ nghị sĩ Donald Beyer Jr, đảng viên Dân chủ của Virginia tiết lộ ông đã bắt đầu tham gia các lớp học buổi tối về AI. Ảnh: Washington Post.

“Chúng tôi đang ở giai đoạn đầu tìm hiểu về công nghệ này và cân nhắc những lợi ích to lớn cũng như những nguy cơ tiềm ẩn của nó. Tuy nhiên, việc này sẽ mất thời gian”, ông Beyer nói.

Một số quan chức chính phủ Mỹ đã cố gắng thu hẹp khoảng cách kiến thức xung quanh công nghệ và AI. Vào tháng 1 vừa qua, có đến khoảng 150 nhà lập pháp và nhân viên đã tổ chức một cuộc họp với sự chủ trì của Jack Clark, người sáng lập công ty AI Anthropic.

Hành động của giới lập pháp, dù muộn, đã có những tác động đáng kể lên các cơ quan liên bang. Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã đưa ra các lệnh thực thi đối với những công ty sử dụng AI vi phạm quy tắc bảo vệ người tiêu dùng. Cục Bảo vệ Người tiêu dùng cũng đã cảnh báo rằng AI trên các hệ thống được sử dụng bởi những cơ quan tín dụng có thể vi phạm luật chống phân biệt đối xử.

Trên thực tế, chính phủ liên bang Mỹ đã tham gia vào AI trong hơn 6 thập kỷ qua. Từ những năm 1960, DARPA - cơ quan quốc phòng bí mật phụ trách phát triển công nghệ tiên tiến đã bắt đầu tài trợ cho nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Nguồn vốn hỗ trợ này sau đó đã góp phần dẫn đến các ứng dụng quân sự tiên tiến ngày nay như máy bay không người lái và những công cụ an ninh mạng.

Những lời chỉ trích về AI phần lớn đã bị dập tắt ở Washington. Mãi cho đến năm 2015, thiên tài vật lý Stephen Hawking và Elon Musk, CEO Tesla lần đầu đưa ra cảnh báo rằng AI đang trở nên thông minh một cách nguy hiểm và khẳng định AI có thể kết liễu loài người.

AI anh 5

Elon Musk cảnh báo về sự nguy hiểm của trí tuệ nhân tạo, nói rằng nó thậm chí còn nguy hiểm hơn các chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: Vanity Fair.

Tháng 11/2016, Ủy ban Thương mại, Khoa học và Vận tải của Thượng viện Mỹ đã tổ chức phiên điều trần quốc hội đầu tiên về AI. Những lời cảnh báo của ông Musk và Hawking đã được các nhà lập pháp trích dẫn đến hai lần.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nỗ lực nào dẫn đến một bộ luật nghiêm khắc về AI ở nước Mỹ. Hạ nghị sĩ Ted Lieu, người từng đích thân gặp CEO OpenAI Sam Altman, "cha đẻ" ChatGPT đình đám thời gian gần đây cho biết chính phủ không thể dựa vào các công ty riêng lẻ để bảo vệ người dùng.

Ông Lieu dự định giới thiệu một dự luật trong năm nay, với một ủy ban chuyên nghiên cứu AI và một cơ quan mới để điều chỉnh công nghệ này.

“OpenAI đã quyết định đưa các biện pháp kiểm soát vào công nghệ của mình. Tuy nhiên, điều gì có thể đảm bảo rằng một công ty khác cũng sẽ làm như vậy?”, Hạ nghị sĩ Ted Lieu chất vấn.

Nhân loại sẽ đối đầu với trí tuệ nhân tạo như thế nào

Trong cuốn sách "Framers - Nhân loại đối đầu nhân tạo", các tác giả nhận định con người vẫn có lợi thế trong thời đại công nghệ.

Tại sao con người sợ AI?

Những bộ phim khoa học viễn tưởng về các cỗ máy AI hủy diệt nhân loại khiến con người mất niềm tin vào chúng và lo sợ sẽ bị AI thống trị.

Anh Tuấn

Bạn có thể quan tâm