Được xác định ở quần đảo Bắc Cực thuộc Canada, thế nhưng cực Bắc từ của Trái Đất đã dịch chuyển mỗi năm khoảng 55 km về phía Siberia trong 20 năm qua. Ngày 10/12, Trung tâm Quốc gia về Thông tin môi trường Mỹ và Cơ quan Khảo sát địa chất Anh đã công bố Mô hình Từ trường Thế giới, dự đoán cực Bắc sẽ tiếp tục dịch chuyển nhưng với tốc độ chậm hơn (40 km mỗi năm).
Liệu 2 cực từ của Trái Đất có đổi chỗ cho nhau? Ảnh: Shutterstock. |
Từ trường Trái Đất được tạo ra do sự chuyển động của lớp ngoài bằng sắt của lõi Trái Đất. Vì nhiều lý do chưa được giải thích rõ ràng, từ trường Trái Đất đang trong giai đoạn suy yếu khiến cực Bắc từ dịch chuyển.
Tính đến tháng 2, cực Bắc từ nằm ở vị trí 86,54 độ Bắc và 170,88 độ Đông trong vùng Bắc Băng Dương. Tương tự, cực Nam từ cũng không trùng với cực Nam địa lý, nằm ở 64,13 độ Nam và 136,02 độ Đông ngoài khơi biển Nam Cực.
Mô hình Từ trường Thế giới được cập nhật 5 năm một lần. Lẽ ra mô hình mới sẽ công bố vào năm 2020, song các nhà khoa học đã quyết định công bố sớm hơn do chuyển động của cực Bắc từ diễn ra quá nhanh.
Mô hình năm 2020 đã chỉ ra "vùng tối" xung quanh cực Bắc từ. Trong vùng này, la bàn không còn chính xác bởi cực Bắc từ đã di chuyển.
Mô hình cũng cho thấy cực Bắc từ đã dịch chuyển vượt qua phía Đông Bắc của kinh tuyến gốc vào tháng 9. Kinh tuyến gốc được quy ước là đường đánh dấu 0 độ, 0 giờ, 0 phút từ năm 1884, đi qua Đài quan sát Hoàng gia ở Greenwich (Anh).
Hiện chưa thể biết liệu cực Nam và Bắc của Trái Đất sẽ đổi chỗ nhau hay từ trường sẽ mạnh như trước. Cả 2 trường hợp đã xảy ra trong lịch sử và không ảnh hưởng nhiều đến các loài sinh vật. Tuy nhiên các hệ thống định vị hiện đại dựa trên 2 cực sẽ phải hiểu chỉnh lại nếu các cực tiếp tục trôi dạt. Các sân bay cũng cần đổi tên đường băng vốn được đặt theo hướng của la bàn.