Betelgeuse - ngôi sao khổng lồ đỏ trong chòm sao Orion - nhiều khả năng sẽ nổ tung. Theo CNET, các nhà khoa học thuộc Đại học Villanova, Pennsylvania (Mỹ) cho biết độ sáng của ngôi sao này đang giảm dần trong vài tháng qua. Đây là biểu hiện của một ngôi sao ở cuối vòng đời.
Đầu tháng 12, các nhà khoa học cho biết độ sáng của sao Betelgeuse đã ở mức "thấp nhất từ trước tới nay". Ngày 23/12, nhóm nghiên cứu lại công bố độ sáng đang giảm dần trong 2 tuần qua. Betelgeuse từng là một trong 10 ngôi sao sáng nhất bầu trời khi quan sát từ Trái Đất, nhưng giờ đây nó đã rơi xuống vị trí thứ 21.
Khi một ngôi sao tắt dần, có hai khả năng xảy ra. Khả năng đầu tiên là ngôi sao này, vốn đã ở cuối vòng đời sao, đang tỏa năng lượng ở những mức khác nhau. Những chu kỳ thay đổi độ sáng kéo dài khoảng 50 năm, và Betelgeuse có thể chỉ đang ở mức thấp nhất trước khi sáng trở lại. Chu kỳ này, với một ngôi sao, chỉ như cái nháy mắt.
Hình minh họa sao Betelgeuse và khu vực xung quanh ngôi sao này. Ảnh: L. Calcada. |
"Những ngôi sao ở cuối vòng đời thường thay đổi độ sáng khá nhiều mà chúng ta chưa giải thích được. Nó có thể sẽ còn tồn tại trong 10.000 hoặc 100.000 năm nữa", nhà thiên văn Yvette Cendes của Trung tâm Harvard-Smithsonian giải thích.
Khả năng thứ hai là Betelgeuse đã thực sự đi hết vòng đời và sắp nổ tung. Nếu vụ nổ như vậy xảy ra, con người sẽ được chứng kiến một vụ nổ sao, hiện tượng mà chúng ta mới chỉ quan sát được vài lần trong 1.000 năm qua.
Betelgeuse ở cách Trái Đất khoảng vài trăm năm ánh sáng. Đây là khoảng cách đủ lớn để Trái Đất an toàn trước vụ nổ của ngôi sao này. Theo nhà thiên văn Sten Odenwald, sẽ phải mất khoảng 10.000 năm các mảnh thiên thạch và tia X từ vụ nổ mới đi đến Trái Đất, và hành tinh của chúng ta cũng sẽ không bị ảnh hưởng nhờ vào từ trường.
Vụ nổ của Betelgeuse sẽ là một trong những vụ nổ sao sáng nhất mà con người từng thấy. Chúng ta có thể thấy vụ nổ ngay cả khi trời sáng. Vụ nổ sao gần đây nhất trong dải Ngân Hà là vụ nổ do nhà thiên văn học Johannes Kepler ghi chép lại, xảy ra vào năm 1604.
Ảnh chụp sao Betelgeuse từ kính thiên văn Hubble. Ảnh: NASA. |
Theo những ghi chép từ thời đó, con người có thể nhìn thấy vầng sáng trên trời trong khoảng thời gian 3 tuần. Ngôi sao SN 1604 cách Trái Đất khoảng 20.000 năm ánh sáng. Trong khi đó, khoảng cách từ Betelgeuse tới Trái Đất gần hơn 10 lần so với vụ nổ năm 1604.
Tuy nhiên, nhiều nhà thiên văn học cho rằng vụ nổ này sẽ không xảy ra trong tương lai gần. Theo nhà khoa học Eric Mamajek của NASA, chỉ có 0,1% khả năng vụ nổ sẽ xảy ra trong vài thập kỷ tới.
Nhà thiên văn Heloise Stavance cũng chỉ ra rằng trong chu kỳ này của Betelgeuse, ngôi sao tối hơn không đáng kể so với những chu kỳ quá khứ.
"Betelgeuse thậm chí còn không phải ngôi sao có khả năng nổ tung sớm nhất. Vị trí đó thuộc về sao Eta Carinae. Tuy nhiên Betelgeuse nằm về phía bắc bán cầu, do vậy vụ nổ của nó sẽ được nhiều người chứng kiến hơn. Chúng ta không thể dự đoán được chính xác 100% khi nào thì một vụ nổ sao sẽ xảy ra", chuyên gia Yvette Cendes kết luận.