Số liệu thống kê tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, tính đến ngày 20/12, cả nước có 24.748 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 318,72 tỷ USD.
Trong năm 2017, tổng số vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam đạt 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với năm 2016.
Năm nay, các nhà đầu tư ngoại đã rót thêm 3,05 tỷ USD vào thị trường bất động sản Việt Nam, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo với 15,87 tỷ USD, chiếm 44,2% tổng vốn. Xếp thứ 2 là sản xuất, phân phối điện với 8,37 tỷ USD vốn đầu tư.
Đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành, lĩnh vực tại Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực nhận nguồn vốn nhiều nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, lũy kế đạt 186,1 tỷ USD, tương đương 58,4% tổng vốn đầu tư.
Xếp thứ 2 trong danh mục thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, đạt 53,1 tỷ USD. Tiếp theo đó là sản xuất, phân phối điện, khí nước với 20,8 tỷ USD.
Trong năm qua, hàng loạt dự án hạ tầng BOT cũng được các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư, như dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (vốn 2,79 tỷ USD) và Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (vốn 2,58 tỷ USD) đều do doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư.
Các dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 (vốn 2,07 tỷ USD) và dự án đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn (vốn 1,27 tỷ USD) cũng có sự hiện diện của các doanh nghiệp đến từ Singapore và liên doanh Nhật Bản-PVN-PVGAS Việt Nam đầu tư. Hay dự án khu phức hợp thông minh tại Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM cũng được doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký 885,85 triệu USD...
Năm 2017, Nhật Bản là quốc gia có số vốn đầu tư vào Việt Nam lớn nhất, với 9,11 tỷ USD, chiếm 25,4%. Hàn Quốc xếp thứ 2 với 8,49 tỷ USD, chiếm 23,7% và xếp thứ 3 là Singapore, với 5,3 tỷ USD.
Cũng theo thống kê này, hàng loạt dự án bất động sản tại Việt Nam đang nằm trong tay các đại gia nước ngoài, như siêu dự án Casino Nam Hội An trị giá 4 tỷ USD, do Tập đoàn Chow Tai Fook, một tập đoàn chuyên kinh doanh vàng bạc, đá quý và Sun City đến từ Hong Kong đầu tư xây dựng.
Tháng 4 vừa qua, Tập đoàn China Fortune Land Development cũng chi hàng chục triệu USD mua lại toàn bộ cổ phần trong dự án Đại Phước Lotus từ hai quỹ đầu tư VinaLand Limited và VinaCapital Việt Nam Opportunity Fund Limited - VOF (thuộc VinaCapital).
Tiếp đến tháng 5, P.H Group, doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc), đã mua Khu công nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương) từ Tập đoàn Becamex, đồng thời thâu tóm thêm dự án khách sạn Future Otis tại Nha Trang.
Tập đoàn Sunwah (Hong Kong - Trung Quốc) cũng đang âm thầm triển khai dự án cao cấp tại đường Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thanh, TP.HCM) với tổng vốn khoảng 200 triệu USD.