Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giới đầu cơ là nguyên nhân chính dẫn tới sốt đất

Đây là nhận định của ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - tại họp báo Chính phủ thường kỳ tối 31/3.

Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì vào chiều tối 31/3, ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - nhận định thị trường bất động sản cả nước gần đây trở nên tương đối nóng ở nhiều địa phương, giá cả bất động sản có chiều hướng tăng.

Ông Đào Minh Tú khẳng định có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thị trường bất động sản nóng lên, tuy nhiên nguyên nhân chính đến từ một số đối tượng đầu cơ.

Nhóm người này tung những thông tin không chính xác về các hoạt động trong công tác điều hành giá cả, thuế đất, thông tin quy hoạch để kiếm tiền chênh lệch và lợi nhuận từ việc đầu cơ bất động sản.

Về phía ngành ngân hàng, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định tín dụng trong bất động sản là một trong những lĩnh vực được Ngân hàng Nhà nước quản lý rất sát sao, chặt chẽ trong nhiều năm qua.

Câu chuyện dịch chuyển giữa dòng vốn từ thị trường tiền tệ sang thị thường bất động sản là một trong những nội dung được quán xuyến và quan tâm trong điều hành quản lý hoạt động tiền tệ ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.

Gioi dau co la nguyen nhan chinh gay ra sot dat anh 1

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định giới đầu cơ là nguyên nhân chính gây nên sốt đất ở nhiều địa phương trong thời gian qua. Ảnh: TL.

"Chúng tôi cũng thường xuyên cảnh báo các tổ chức tín dụng khi có những dấu hiệu không ổn định, rủi ro trong lĩnh vực đầu tư quá lớn, trong trường hợp không kiểm soát được", ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước từ tính đến 15/3, dư nợ cho vay bất động sản của ngành ngân hàng tăng khoảng 2,13%. Con số này cao hơn mức tăng của tín dụng hiện nay là 2,04%. So với năm ngoái, tín dụng đang có chiều hướng thay đổi tích cực.

Trong đó, tín dụng bất động sản có 2 lĩnh vực. Một là tín dụng vào những chủ thể kinh doanh bất động sản (giới đầu cơ) ở những phân khúc thị trường cao cấp như các dự án nghỉ dưỡng, biệt thự, dự án đầu tư với khả năng thanh khoản và hiệu quả đầu tư trong tương lai không cao.

Đây là những đối tượng đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ, hạn chế, đồng thời có những chế tài trực tiếp và gián tiếp đối với các tổ chức tín dụng.

Đối với lĩnh vực tín dụng đầu tư vào sản phẩm hàng hóa, tiêu dùng bất động sản như nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở giá rẻ phục vụ cho nhu cầu của đông đảo người dân, Ngân hàng Nhà nước đang giao cho các ngân hàng thương mại quan tâm và triển khai.

Chính vì vậy, ông Đào Minh Tú khẳng định trong thời gian qua, khi thị trường bất động sản nóng lên, Ngân hàng Nhà nước đã giám sát và có những cảnh báo với các tổ chức tín dụng.

Về vấn đề lãi suất, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết so với thời điểm năm 2016, lãi suất huy động giảm 2,3%, lãi suất cho vay bình quân giảm 3,6%. Đến nay, lãi suất cho vay tối đa đối với các đối tượng ưu tiên ở mức 4,5%, giảm khoảng 2,5% so với năm 2016.

"Mức lãi suất cho vay bình quân của Việt Nam hiện nay thấp hơn mức lãi suất bình quân của nhóm ASEAN+4. Đây được xem là một chỉ số rất tích cực trong thời gian vừa qua", ông Tú nói.

Về chỉ số tích cực của nền kinh tế, Phó thống đốc khẳng định việc điều hành chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện trên quan điểm tạo sự ổn định. "Việc điều hành lãi suất hiện nay đang được xem là ổn định, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định này đối với cả lãi suất huy động và cho vay", ông Tú nói.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước cần phải cảnh giác với những vấn đề như giá nhiên liệu dự báo tăng 30%, sự dịch chuyển của dòng vốn từ thị trường tiền tệ sang trái phiếu, vốn, chứng khoán, bất động sản... để điều hành lãi suất một cách hợp lý.

"Nếu các chỉ số diễn biến tích cực, chúng tôi sẽ tiếp tục giảm cả lãi suất huy động và cho vay. Chúng tôi vẫn yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung, hạn chế chi phí, từ đó giảm bớt lãi suất cho doanh nghiệp và người dân", ông nói thêm.

‘Cơn sốt’ đất từ Bắc đến Nam

“Sốt đất” đang xảy ra ở khắp nơi khi giá tăng vọt, nhiều người đổ tiền mua đi bán lại, trong khi mục đích sử dụng thực tế không nhiều.

'Đánh thuế thật mạnh để kiểm soát sốt đất'

Các đại biểu Quốc hội cho rằng cần có công cụ thuế để điều tiết thị trường bất động sản, tránh xảy ra sốt đất, gây hệ luỵ lớn đến kinh tế - xã hội.

Hà Bùi

Bạn có thể quan tâm