Một binh sĩ mặc quân phục mang cờ Nga canh gác tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters. |
“Nhà máy đang đứng trước nguy cơ xảy ra sự cố hạt nhân. Chúng tôi đã đàm phán với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) suốt cả đêm”, ông Likhachev cho biết.
Trước đó, hơn 10 vụ nổ đã làm rung chuyển nhà máy Zaporizhzhia - cơ sở điện hạt nhân lớn nhất châu Âu - vào tối 19/11 và sáng 20/11 - theo IAEA.
"Vụ nổ xảy ra tại khu vực nhà máy điện hạt nhân (Zaporizhzhia) là hoàn toàn không thể chấp nhận được. (Những người) đứng sau vụ nổ này phải dừng lại ngay lập tức. Như tôi đã nói nhiều lần, họ đang đùa với lửa", Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi tuyên bố.
Hiện chưa có bên nào nhận trách nhiệm với các vụ tấn công ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Moscow và Kyiv đều đổ lỗi cho nhau về vụ pháo kích.
Theo ông Grossi, dù lực lượng nào đã pháo kích nhà máy, họ cũng đang “đánh cược với tính mạng con người”.
“May mắn rằng một sự cố hạt nhân nghiêm trọng tiềm tàng đã không xảy ra. Trong lần sau, chúng ta có thể không còn may mắn như vậy”, người đứng đầu IAEA nói.
Sau khi sáp nhập bốn tỉnh của Ukraine, Nga đã nắm quyền điều hành nhà máy điện Zaporizhzhia. Quyền quản lý thuộc về một chi nhánh của Rosatom. Trước đó, khu vực nhà máy này đã bị Nga kiểm soát từ giai đoạn đầu của “chiến dịch quân sự đặc biệt” mà Moscow phát động tại Ukraine.
IAEA đã kêu gọi thiết lập một khu vực an ninh xung quanh nhà máy. Tuy vậy, ông Likhachev tuyên bố sáng kiến này chỉ có thể trở thành hiện thực nếu được Mỹ chấp thuận, Reuters đưa tin.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.