Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters. |
"Vụ nổ xảy ra tại khu vực nhà máy điện hạt nhân (Zaporizhzhia) là hoàn toàn không thể chấp nhận được. (Những người) đứng sau vụ nổ này phải dừng lại ngay lập tức. Như tôi đã nói nhiều lần, họ đang đùa với lửa!", Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi nhấn mạnh trong một tuyên bố, theo Reuters.
IAEA cho biết hơn 10 vụ nổ đã làm rung chuyển nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu vào tối 19 và sáng 20/11. Ông Grossi khẳng định tin tức này rất đáng lo ngại.
Hiện chưa có bên nào nhận trách nhiệm với các vụ tấn công ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Moscow và Kyiv đều đổ lỗi cho nhau về vụ pháo kích.
Bộ Quốc phòng Nga cho hay Ukraine đã bắn đạn pháo vào các đường dây cung cấp điện cho nhà máy. TASS cũng dẫn lời ông Renat Karchaa, cố vấn cơ quan điều hành năng lượng hạt nhân Nga Rosenergoatom, cho biết một số kho chứa đã bị trúng đạn pháo của Ukraine.
"Họ không chỉ pháo kích vào ngày hôm qua (19/11), mà còn cả hôm nay (20/11). Khoảng 15 vụ pháo kích vào các cơ sở của nhà máy điện hạt nhân đã được ghi nhận. Bất kỳ cuộc pháo kích nào nhắm vào nhà máy điện hạt nhân đều có thể dẫn đến rủi ro", ông nói.
Về phía Ukraine, công ty năng lượng hạt nhân Energoatom cáo buộc quân đội Nga đã pháo kích vào khu vực này, trong đó ít nhất 12 vụ pháo kích nhắm vào cơ sở hạ tầng của nhà máy.
Energoatom cho biết Nga đã nhắm mục tiêu vào những cơ sở hạ tầng cần thiết để khởi động lại các bộ phận của nhà máy nhằm hạn chế hơn nữa nguồn cung cấp điện của Ukraine.
Trước xung đột, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia cung cấp khoảng 1/5 sản lượng điện cho Ukraine. Nhà máy này do lực lượng Nga kiểm soát từ tháng 3 nhưng vẫn tiếp tục được vận hành bởi các nhân viên Ukraine.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.