Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giới chức Australia sốc với tiết lộ của điệp viên Trung Quốc đào ngũ

Người đàn ông tự nhận là điệp viên Trung Quốc đã tiết lộ cho giới chức Australia về những can thiệp của Bắc Kinh tại nước này, cũng như ở Hong Kong và Đài Loan.

Truyền thông Australia ngày 23/11 tiết lộ một người điệp viên Trung Quốc tên Wang "William" Liqiang đã có nhiều cuộc gặp với Cơ quan Tình báo An ninh Australia (ASIO) và đề nghị được ở lại tị nạn chính trị. Đây có thể là điệp viên đầu tiên của Trung Quốc từ bỏ vỏ bọc, đào ngũ và hợp tác với Australia, theo Guardian.

Những tiết lộ "gây bất an rất lớn"

Phản ứng trước thông tin về điệp viên Trung Quốc đào tẩu, lãnh đạo đảng Lao động Anthony Albanese nói Wang có "lý do chính đáng để xin tị nạn". Ông đánh giá những tiết lộ từ điệp viên Trung Quốc là "rất đáng quan ngại" và sẽ yêu cầu cơ quan an ninh báo cáo chi tiết.

"Chúng ta cần đảm bảo chủ quyền quốc gia được bảo vệ. Tôi sẽ chờ làm việc cùng chính phủ. Một trong những công việc dự kiến cho tuần tới là nhận báo cáo từ các cơ quan có liên quan về vấn đề này", ông nói.

Ông Albanese không công khai phản đối hay ủng hộ trao quyền tị nạn chính trị cho điệp viên Trung Quốc, cho rằng điều này tùy vào quyết định của chính phủ Australia. Tuy nhiên, ông thừa nhận Wang đã tiết lộ nhiều vấn đề, "đặt bản thân vào tình huống mà rõ ràng việc xin tị nạn là chính đáng".

Bộ trưởng Tài chính Australia Jossh Frydenberg nhận định những tiết lộ của điệp viên Trung Quốc là "gây bất an rất lớn". Theo Frydenberg, chính phủ Australia đã hành động đúng khi mạnh tay đưa ra luật chống nước ngoài can thiệp.

diep vien TQ dao ngu anh 1
Wang "William" Liqiang tự nhận mình là điệp viên Trung Quốc, đào ngũ và cung cấp nhiều thông tin cho tình báo Australia. Ảnh: The Age.

Wang đã cung cấp nhiều thông tin cho ASIO, trong đó bao gồm những chiến dịch tình báo trong lãnh thổ Australia và tên tuổi các sĩ quan tình báo quân sự Trung Quốc tại Hong Kong. Wang cũng tiết lộ cách Trung Quốc rót tiền và tổ chức các hoạt động can thiệp chính trị ở Hong Kong, Đài Loan, Australia.

Đài Loan cảnh giác

Theo nhật báo The Age Sydney Morning Herald, điệp viên Trung Quốc cung cấp lời khai cho ASIO từ tháng 10, thừa nhận cá nhân ông đã tham gia vào một số chiến dịch tình báo. Lời khai còn nhắc đến các nỗ lực xâm nhập phong trào dân chủ ở Hong Kong, bầu cử tại Đài Loan.

Phản ứng với diễn biến này, Lee Yen-jong, người phát ngôn đảng Dân Tiến ở Đài Loan cho rằng những thông tin Wang tiết lộ là hồi chuông nhắc nhở Trung Quốc đại lục có thể can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020 tại hòn đảo. Giới lãnh đạo Bắc Kinh giữ lập trường xem Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để thống nhất.

"Chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi công chúng Đài Loan đối diện thực tế: đội quân Internet lẫn chính phủ Trung Quốc đại lục đều có thể sử dụng hệ thống dân chủ tại Đài Loan để xâm phạm nền dân chủ của chúng ta", Lee nhấn mạnh.

Theo truyền thông Australia, Wang nói mình chắc chắn sẽ phải ngồi tù và nhiều khả năng nhận án tử hình nếu quay trở lại Trung Quốc. Người này đang ẩn náu tại Sydney, sử dụng visa du lịch và đang đề nghị chính phủ Australia bảo vệ mình. Ông đã nhiều lần xin được bảo vệ trong các cuộc gặp cùng đại diện ASIO.

ASIO từ chối bình luận về tiết lộ của truyền thông Australia ngày 23/11. Trong khi đó, Bộ Nội vụ Australia cũng không đưa ra phản ứng về trường hợp của Wang, chỉ khẳng định mục đích của "visa bảo vệ nhằm đảm bảo an toàn cho những người không thể trở về nước vì nỗi lo sợ chính đáng rằng họ có thể bị bắt tù hoặc làm hại".

Tiết lộ vỏ bọc tại Hong Kong

Trong lời khai cung cấp với ASIO, Wang nói vỏ bọc của mình là nhân viên tại hãng đầu tư China Innovation Investment Limited (CIIL) đặt ở Hong Kong. Theo cổng thông tin của CIIL, công ty được thành lập ở đảo quốc Cayman vào tháng 2/2002 và niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong vào tháng 8 cùng năm.

Công ty đầu tư vào nhiều đối tác ở Hong Kong và Trung Quốc đại lục trong các lĩnh vực sản phẩm lưu trữ năng lượng, thắp sáng, tiết kiệm năng lượng và thiết bị truyền thông. Wang nói đây là bình phong cho các hoạt động do thám tình báo và chính trị của chính quyền đại lục ở đặc khu, bao gồm những nỗ lực gài người vào trường đại học, quấy rối trực tiếp hoặc tấn công mạng những đối tượng bất đồng.

diep vien TQ dao ngu anh 2
Người biểu tình dùng dù để che chắn ở Hong Kong. Ảnh: AP.

Wang còn thừa nhận từng tham gian can thiệp bầu cử địa phương ở Đài Loan năm 2018, sử dụng hộ chiếu của Hàn Quốc. Điệp viên khẳng định chính quyền đại lục có những kế hoạch can thiệp vào bầu cử Đài Loan năm 2020.

Truyền thông Australia tiết lộ về điệp viên Wang Liqiang không lâu sau khi cựu lãnh đạo ASIO, Duncan Lewis, ngày 22/11 bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với hệ thống chính trị Australia.

Tuần trước, các thành viên đảng Tự do là Thượng nghị sĩ James Paterson và Hạ nghị sĩ Andrew Hastie nói họ bị ngăn cản nhập cảnh vào Trung Quốc cho một chuyến giao lưu học thuật vì những chỉ trích nhắm vào chính phủ nước này.

Điệp viên TQ trốn sang Australia, lật mặt tình báo ở Hong Kong

Công dân Trung Quốc Wang Liqiang xin tị nạn ở Australia, tuyên bố nắm giữ thông tin mật về các chiến dịch can thiệp chính trị của Trung Quốc ở Hong Kong, Đài Loan và các nơi khác.

19 năm tù phạt cựu sĩ quan CIA bán mình cho Trung Quốc

Thẩm phán liên bang ở Virgninia kết án cựu sĩ quan CIA Jerrry Chuan Shing Lee, 55 tuổi, 19 năm tù sau khi người này thừa nhận đã trở thành điệp viên cho Trung Quốc.


Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm