Cuối năm 2014, theo thống kê, CPI thấp chỉ bằng 1/4 CPI bình quân trong thời kỳ 2002 – 2013 và đây cũng là năm thứ 3 CPI liên tiếp tăng chậm cho thấy chỉ số giá tiêu dùng đã thoát ra khỏi chu kỳ “một năm thấp hai năm cao” lặp đi lặp lại trong giai đoạn 2004 – 2011. Tốc độ tăng CPI năm nay thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP. Đây là kết quả kép hiếm có mà Việt Nam đạt được trong 10 năm trở lại đây bởi 2 chỉ tiêu lạm phát và tăng trưởng hiếm khi nào đồng hành với nhau.
Với việc chỉ số CPI thấp như hiện nay (1,84%) đây là điều kiện tốt cho việc điều hành lãi suất đầu vào, đầu ra của ngân hàng theo xu hướng giảm dần, nó sẽ có tác động tích cực cho việc thúc đẩy sản xuất và kích cầu tiêu dùng xã hội.
Lạm phát thấp cũng khuyến khích lượng tiền nhàn rỗi của xã hội, như thế, sẽ có một phần tiền lớn được đưa vào đầu tư từ đó thúc đẩy phát triển việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động…
Ảnh minh họa. |
Đã có nhiều lý giải cho việc CPI năm nay giảm mạnh mà chủ yếu xoay xung quanh câu chuyện giá nguyên liệu đầu vào thấp, giá dầu thế giới giảm mạnh khiến xăng dầu trong nước cũng đồng loạt giảm theo hay thiên tai năm nay ít hơn các năm trước… Nhưng, ngoài những nguyên nhân nêu trên, còn có một nguyên nhân khác được ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hội Siêu thị TP. Hà Nội nhấn mạnh là không thể loại bỏ yếu tố tổng cầu thấp khiến CPI sụt giảm như vậy.
Theo ông, trong nhiều năm nay, hàng hoá khi đến được tay người tiêu dùng thì nó đang ở một mức giá “cao đến vô lý”, giá cả của mỗi hàng hoá đã bị đội lên đến 40 – 50%, thậm chí là 100 - 200%.
Ông dẫn ra ví dụ cụ thể như một quả trứng khi được thương lái thu mua có giá là 1.600 đồng nhưng khi bán ra thị trường lại có giá đến tận 2.700 đồng (trứng gà công nghiệp) hoặc 4.700 đồng (trứng gà ta). Tức là ở người sản xuất và người mua đã làm lợi cho bên trung gian khi họ được hưởng hơn 60% lợi nhuận. Chưa hết, hiện chúng ta còn đang phải mua hàng hoá trong nước với giá cao hơn hàng hoá chúng ta mang đi xuất khẩu.
Giá cao vô lý như thế cộng với sức mua còn yếu ớt do thu nhập thực tế của người lao động (phổ biến trong khoảng 3 triệu đồng/tháng) số lượng doanh nghiệp giải thể lớn trong năm 2014 đã đem lại bức tranh không mấy tươi sáng cho thị trường tiêu thụ nội địa. Tốc độ tăng bán lẻ cả năm 2014 mới đạt 6,5% chưa nói lên sức mua xã hội. Hàng hoá tồn kho cao khiến giá cả dậm chân tại chỗ nên CPI không tăng được mạnh mẽ trong năm qua.
Năm 2015, theo dự đoán, giá cả thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục biến động và gắn kết chặt chẽ hơn vào giá của nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới. Trong khi đó, kinh tế thế giới năm 2015 được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan nhưng còn gặp nhiều khó khăn do những bất ổn chính trị, tranh chấp khủng bố ở nhiều nơi.
Diễn biến giá cả phụ thuộc nhiều vào các quan điểm quyết sách thực hiện điều chỉnh một số mặt hàng của nhà nước như điện than xăng dầu, y tế giáo dục… Năm 2015 nhiều khả năng sẽ điều chỉnh giá điện, viện phí, học phí theo cơ chế giá thị trường…
Tình hình kinh tế thế giới cũng sẽ có nhiều chuyển biến ảnh hưởng nhiều đến giá cả trong nước. Ngoài ra, nếu Chính phủ thực hiện những quyết sách mạnh mẽ về điều chỉnh giá một số hàng hoá quan trọng và nhạy cảm hoặc nới lỏng chính sách tiền tệ để tạo động lực cho tăng trưởng cao hơn thì CPI của Việt Nam tháng 12/2015 so với tháng 12/2014 sẽ còn tăng cao hơn nữa.