Tổng cục thống kê ngày 24/12 đã công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn quốc tháng 12 năm 2014 với mức giảm 0,24% so với tháng 11/2014. Như vậy, CPI cả nước đã có 2 tháng cuối năm giảm liên tiếp.
Tính chung cả năm 2014 so với năm 2013, CPI cả nước đã tăng 4,09%. Ở một góc so sánh khác, so với tháng 12/2013, CPI cả nước chỉ tăng 1,84%. Như vậy, CPI cả nước năm 2014 mới chỉ ở mức 1,84%. Đây là mức thấp nhất hơn một thập niên vừa qua.
Đóng góp vào mức giảm chung của chỉ số giá tiêu dùng cả nước trong tháng này chỉ có 2/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng trước. Ở nhóm hàng tăng giá, hầu hết các nhóm hàng có mức tăng giá không đáng kể: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,08%. May mặc, mũ nón, giầy dép tăng và nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình cùng tăng 0,18%. Thuốc và dịch vụ y tế và Giáo dục tăng 0,03%. Văn hóa, giải thích và du lịch tăng 0,07%... 2 nhóm hàng không được tính vào rổ hàng hóa tính CPI là chỉ số giá vàng giảm 0,05%, và chỉ số đô la Mỹ tăng khoảng 0,35% so với tháng trước.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tiếp tục giảm kéo theo CPI cả năm tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. |
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khẳng định, lạm phát giảm là tín hiệu đáng mừng với người dân và doanh nghiệp. Người dân được lợi khi mua được hàng hóa rẻ hoặc không tăng. Điển hình là việc giá xăng dầu trong nước liên tục giảm là tín hiệu tốt cho sản xuất và nền kinh tế.
Ngoài ra, việc lạm phát giảm còn là yếu tố khiến mặt bằng lãi suất liên tục giảm trong suốt năm 2014. Hiện tại, lãi suất đã xuống thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội để người dân đầu tư vào doanh nghiệp tạo ra của cải vật chất.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính – Học viện Tài chính, những tháng cuối năm 2014 chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng rất thấp. Điều này phần nào thể hiện tổng cầu xã hội còn yếu.
Đối với khu vực doanh nghiệp, mức tiêu thụ giảm, tỷ lệ tồn kho lớn, giá cả hàng hóa thấp làm giảm doanh thu và tăng gánh nặng nợ thực. Doanh nghiệp khó khăn tìm nguồn thu để trả nợ nên sẽ hạn chế đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Những yếu tố này cũng gây cản trở tăng trưởng kinh tế.
Theo nhận định của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), năm 2015 vẫn tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao do tác động theo độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh năm 2014, tình hình thiên tai, bão lũ và việc tiếp tục thực hiện chủ trương điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với một số hàng hóa, dịch vụ chiến lược, quan trọng thiết yếu (điện, than cho sản xuất điện, dịch vụ khám chữa bệnh, học phí...).
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ quản lý chuyên ngành; UBND cấp tỉnh trong năm 2015 cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với hàng hóa dịch vụ chuyên ngành thuộc bộ và tại địa phương. Đồng thời, thực hiện giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước...
Trường hợp điều chỉnh giá phải xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm để hạn chế thấp nhất tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân, cũng như việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Trước mắt, từ nay đến cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt việc bảo đảm cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, nhất là dịp Tết; tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý... góp phần bình ổn giá cả thị trường.