Theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với năm 2013.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 2 nhóm chỉ số giá giảm khá mạnh là nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,94%, giao thông giảm 3,09%. Đây là nhóm có mức giảm nhiều nhất trong 11 nhóm hàng chính.
Tác động từ việc giảm giá xăng dầu
Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 12 chủ yếu giảm ở mặt hàng xăng dầu và dịch vụ giao thông công cộng. Mức giảm 3,09% của nhóm giao thông đã đóng góp 0,27% vào mức giảm chung của CPI tháng 12.
Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân khiến nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,99% là do giá gas bình quân tháng 12 giảm 6,48%; giá dầu hỏa được điều chỉnh giảm 2 đợt; giá điện sinh hoạt giảm 0,07% so với tháng trước; giá phôi thép nhập khẩu giảm 5-10USD/tấn và nhu cầu chững lại do vào mùa mưa; mặt hàng xi măng có giá ổn định,...
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,08%, trong đó giá một số mặt hàng ít tăng hoặc giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào. Nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 0,18%, chủ yếu ở mặt hàng rượu mạnh (tăng 0,49%) do nhu cầu bắt đầu tăng và thuốc lá (tăng 0,14%).
Nhóm may mặc và giầy dép tăng 0,51%, do thời tiết mùa lạnh và nhu cầu chuẩn bị cho các dịp lễ, Tết nên giá một số mặt hàng quần áo mùa Đông tăng 3-5%. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,18%.
Tổng cục Thống kê phân tích, CPI tháng 12 giảm chủ yếu do giá xăng, dầu trong nước giảm 2 lần nên dẫn đến chỉ số giá nhóm giao thông giảm, đóng góp 0,27% vào mức giảm chung của CPI. Bên cạnh đó giá gas thế giới giảm mạnh, nên giá gas trong nước được điều chỉnh giảm 13.000 đồng/bình, càng góp phần cho CPI tháng 12 giảm hơn so với tháng trước.
CPI tăng thấp nhưng không đáng ngại
Ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, CPI năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây. Năm 2014, CPI bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,15%. Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đặt ra đã được thực hiện thành công.
Khi CPI giữ được ở mức ổn định, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào và giảm giá thành…
Khi lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều giảm sẽ khuyến khích người dân tiêu dùng nhiều hơn, từ đó có tác động tích cực đến sản xuất và tăng trưởng kinh tế. Đối với người tiêu dùng khi lạm phát thấp, chi phí sinh hoạt không tăng nhiều, khoản tiền thực từ gửi tiết kiệm sẽ có ý nghĩa hơn.
Cũng theo đại diện Tổng cục Thống kê, một số ý kiến cho rằng CPI tăng thấp do sức cầu của nền kinh tế yếu. Tuy nhiên, lo ngại này là không có cơ sở.
Nếu nhìn vào số liệu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội sau khi loại trừ yếu tố giá, tốc độ tăng về lượng vẫn cao hơn các năm trước. Cụ thể năm 2014 ước tăng 6,5%, trong khi đó các năm 2011, 2012 và 2013 lần lượt tăng là 4,7%, 6,2% và 5,6%, lạm phát của các năm này lần lượt là 18,13%, 6,81% và 6,04%. Như vậy CPI năm 2014 tăng thấp không phải do nhu cầu tiêu dùng.
Năm 2013 và 2014, CPI tăng thấp, ngoài các nguyên nhân như đã đề cập, còn có nguyên nhân quan trọng nữa là tâm lý bình tĩnh và thông minh hơn trong chi tiêu của người tiêu dùng, biểu hiện rõ nhất là người ta không mua hàng tích trữ vào các dịp lễ, Tết; việc chi tiêu được tính toán kỹ hơn, cân nhắc hơn.
Khi tâm lý, thái độ của người tiêu dùng có sự thay đổi, người cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng không dám tăng giá cao vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, hay các ngày lễ hội như những năm trước đây