Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Giờ giới nghiêm' với hàng quán lúc 21h có thể phản tác dụng

Quy định hàng quán đóng cửa trước 21h có thể khiến người dân tập trung ăn uống ở khung giờ sớm hơn do đây là nhu cầu thiết yếu, từ đó làm tăng mật độ tiếp xúc và nguy cơ lây bệnh.

Là chủ một cơ sở kinh doanh cà phê ở quận Ba Đình (Hà Nội), Nguyễn Nhật Minh cho biết cửa hàng của anh đến nay vẫn chưa thể có lượng khách ổn định trở lại do yêu cầu đóng cửa trước 21h.

Theo Nhật Minh, khách hàng chủ yếu tìm đến quán của anh để nghe nhạc sau khi đã ăn tối xong, tức là rơi vào khoảng 20h-20h30 hàng ngày. Với quy định "giờ giới nghiêm" đang áp dụng, anh buộc phải cắt chương trình nhạc sống vốn là đặc trưng của quán để tối ưu chi phí vận hành. Từ đó, lượng khách cũng giảm hẳn.

"Quán của tôi hiện chỉ đón lượng khách bằng khoảng 50% so với trước khi có dịch. Quy định đóng cửa trước 21h thực sự gây khó cho chúng tôi vì khách hàng hầu như chỉ có nhu cầu đi uống nước sau giờ ăn tối. Thời gian ngồi cà phê còn lại rất ngắn khiến nhiều người không ghé quán nữa", anh Minh nói.

Tương tự, nhiều chủ kinh doanh hàng ăn uống và người dân ở Hà Nội cảm thấy khó hiểu trước yêu cầu đóng cửa hàng quán trước 21h. Trong khi các cửa hàng vắng khách, khu vực vỉa hè ở trung tâm hồ Gươm, hồ Tây... vẫn đông người vui chơi đến khuya.

Quy định gây khó

Vũ Ngọc Mai (25 tuổi, trú tại Đống Đa, Hà Nội) cho biết trước quy định hàng quán đóng cửa lúc 21h, cô và bạn bè thường tập trung ăn uống sớm hơn để có thời gian đi cà phê.

Nữ nhân viên ngân hàng thường tranh thủ hẹn bạn bè đi ăn ngay sau giờ làm việc, khoảng 18h30-19h tối. Thời gian ăn tối khoảng một tiếng, sau đó cả nhóm sẽ đi uống nước để nói chuyện hoặc chơi boardgame (các trò chơi dạng cờ bàn, tương tác trực tiếp giữa hai hay nhiều người - PV).

"Nhiều lúc đang nói chuyện dở thì quán cà phê đóng cửa, chúng mình lại ra địa điểm khác như bờ hồ, vỉa hè trước các cửa hàng tiện lợi để ngồi nói chuyện tiếp", Mai nói và cho biết nhóm bạn của cô tìm được nhiều cách để ứng phó với quy định hàng quán đóng cửa trước 21h.

Ha Noi dong cua hang an truoc 21h anh 1

Tối 8/3, nhiều khách ngồi cà phê ở khu vực Hoàn Kiếm (Hà Nội) phải ra về sớm dù là ngày lễ, do quy định đóng cửa hàng quán trước 21h. Ảnh: Hồng Quang.

Tương tự Ngọc Mai, việc thực hiện theo "giờ giới nghiêm" với nhiều người chỉ mang tính hình thức. Nếu không sử dụng dịch vụ ăn uống ở hàng quán, người dân có thể mua đồ ăn, đồ uống mang về sau đó mang ra nơi công cộng có ghế đá, vỉa hè để tiếp tục tụ tập, vui chơi.

Thực tế, sau hơn 4 tháng áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có việc yêu cầu "giờ giới nghiêm" với cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống tại chỗ, số ca nhiễm của Hà Nội vẫn tăng cao và đạt đỉnh lên mức trên 32.000 ca vào ngày 8/3, cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.

Theo các chuyên gia, việc này cho thấy các biện pháp chống dịch mà thành phố đang áp dụng không còn ý nghĩa trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt. Hà Nội nên điều chỉnh một số quy định để vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa giảm mật độ tiếp xúc, trong đó cần bỏ yêu cầu hàng quán đóng cửa trước 21h hàng ngày.

Người dân sẽ tập trung ăn uống đông hơn trước 21h

Nói về việc Hà Nội yêu cầu cơ sở kinh doanh dịch vụ đóng cửa hàng quán trước 21h, PGS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho biết có thể do sau khoảng thời gian này, cơ quan giám sát hoặc lực lượng chức năng khó quản lý việc vi phạm trật tự, tụ tập đông người.

Dù vậy, ông cho rằng nếu xét về yếu tố dịch tễ, việc hàng quán bán hàng sau 21h không làm tăng độc lực của virus SARS-CoV-2 hay khả năng lây nhiễm dịch bệnh. Ngược lại, quy định này có thể khiến người dân tập trung ăn uống vào những khung giờ sớm hơn do đây là nhu cầu thiết yếu, từ đó làm tăng mật độ tiếp xúc và nguy cơ lây nhiễm.

"Việc yêu cầu hàng quán đóng cửa lúc 21h ở Hà Nội ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các chủ cửa hàng và khó đáp ứng nhu cầu chung, do đây là khung giờ quá sớm đối với người dân sống ở thành phố lớn", ông Hùng nói thêm.

Theo chuyên gia, phòng chống dịch phải là công tác thường xuyên cả ngày lẫn đêm chứ không chỉ trước 21h. Địa phương cần cân nhắc các yếu tố để thay đổi quy định. Nếu khó quản lý, chính quyền có thể giao trách nhiệm cho chủ cửa hàng, đồng thời tăng giám sát đột xuất trong khung giờ cao điểm.

Ha Noi dong cua hang an truoc 21h anh 2

Hàng quán ở Hà Nội vắng khách trong những ngày gần đây khi số ca mắc Covid-19 liên tục tăng nhanh. Ảnh: Nhật Sinh.

Cùng quan điểm, PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng chính quyền Hà Nội nên xem xét nới lỏng thời gian hoạt động của hàng quán thêm 1-2 giờ nhằm đảm bảo nhu cầu chính đáng của người dân và góp phần phục hồi hoạt động kinh doanh, tiêu dùng.

Chuyên gia cũng lưu ý người dân khi đi ăn, uống, cần tránh tiếp xúc quá gần với người lạ. Hàng quán cần đảm bảo thông thoáng, sát khuẩn và phòng dịch cho nhân viên đầy đủ. Dù vaccine đã được phủ rộng, ý thức của người dân vẫn là điều quan trọng trong phòng, chống dịch.

Đồng thời, ông Nga khuyến cáo Hà Nội cân nhắc nới các quy định đối với phường, xã vùng cam bởi việc "đánh số", "tô màu" hiện không còn nhiều ý nghĩa. Nếu không ăn được ở phường này, người dân sẽ sang những nơi khác. Như vậy nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh còn lớn hơn do các hàng ăn ở vùng vàng, vùng xanh tập trung đông người.

"Thành phố phân chia vùng để hạn chế các hoạt động nhưng số ca nhiễm vẫn tăng rất nhanh. Như vậy, các biện pháp này không còn phát huy tác dụng và cũng rất ít giá trị thực tiễn", chuyên gia nhận định.

Ở góc độ khác, PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho rằng chính quyền thành phố cần có sự linh hoạt trong việc điều chỉnh theo từng địa phương. Các địa bàn có thể xem xét nới "giờ giới nghiêm" nếu có lực lượng quản lý tốt để hàng quán đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Tại TP.HCM, sau một thời gian yêu cầu cửa hàng kinh doanh dịch vụ tại chỗ phải đóng cửa trước 22h và gặp nhiều ý kiến phản biện từ chuyên gia, địa phương đã bỏ quy định này từ ngày 3/12.

Hiện, các cơ sở ăn uống tại TP.HCM hoạt động không giới hạn thời gian. Đồng thời, phường/xã thuộc vùng cam hạn chế hoạt động đối với đám cưới, đám tang, lễ hội, cơ sở massage, spa, làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, cơ sở làm tóc, rạp chiếu phim...

Ngoài ra, TP.HCM yêu cầu quán bar, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, karaoke ở vùng cam không được hoạt động. Cơ sở massage, spa, làm đẹp hoạt động tối đa 25% công suất tại cùng một thời điểm.

Hàng quán đóng cửa lúc 21h - khách bức xúc, nhân viên khó xử

Chủ quán và khách hàng ở Hà Nội hụt hẫng khi phải đóng cửa trước 21h. Trong khi đó chuyên gia cho rằng virus không hoạt động theo giờ nên việc đóng cửa sớm không có nhiều ý nghĩa.

Ca mắc Covid-19 tăng cao, Hà Nội vắng như ngày Tết

Số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tục tăng cao nhiều ngày qua khiến đường phố vắng vẻ, nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng ảm đạm, vắng khách.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm