Góa phụ Razia Shaikh kể về nỗi đau mất con và hành trình đi tìm công lý. Ảnh: AFP |
Razia Shaikh nhìn lên bầu trời, đôi mắt ngấn lệ. Cầm cuốn kinh Koran trong tay, bà đang kiếm tìm công lý cho một cô con gái mất tích và một cô con gái bị giết bởi hủ tục “giết người danh dự” tồn tại trong nhiều thế kỷ qua tại Pakistan, AFP đưa tin.
Góa phụ 40 tuổi lật giở lại những tấm ảnh của hai cô con gái. Một cô có đôi mắt trong hoạt bát và một cô nằm trong tấm vải khâm liệm trắng.
Shaikh là một trong vô số các bà mẹ phải chịu đựng những đau khổ do “Karo – kari” - tiếng địa phương dùng để nói về hủ tục “giết người danh dự” - gây ra. Theo truyền thống, người ta dùng nó để xử phạt phụ nữ phạm tội hoặc ngoại tình nhằm bảo vệ danh dự gia đình. Còn giờ đây, nó trở thành công cụ để người ta trả thù những tranh chấp diễn ra hằng ngày.
Quỹ Aurat, tổ chức phát động chiến dịch giúp phụ nữ Pakistan khỏi hủ tục giết người vì danh dự, cho biết, từ năm 2008 đến nay, khoảng 3.000 phụ nữ trên khắp cả nước chết oan.
Hôn nhân và giết người
Ngồi trên một tấm phản ọp ẹp bên ngoài căn nhà tồi tàn trong làng Sachal Shah Miani, thuộc tỉnh Sindh, Shaikh bộc bạch về nỗi đau đớn tột cùng của bà với phóng viên AFP. Mọi chuyện bắt đầu từ khi con gái lớn của bà là Khalida mất tích tại nhà chồng ở Karachi cách đây 4 năm. Trong khi nỗi đau đớn vì con gái bỗng dưng bặt tăm chưa nguôi, chàng rể của bà đã đến nhà và đòi cưới em gái của vợ. Và sau khi bà từ chối, ba người đàn ông dùng súng tấn công bà và con gái giữa đêm khuya.
Ảnh hai cô con giá của bà Razia Shaikh. Một người mất tích trong khi người còn lại đã chết. Ảnh: AFP |
Cô con gái thứ hai mất mạng bởi những viên đạn bắn thẳng vào lưng. Những kẻ giết người thoát án, bởi chúng có quan hệ với các quan chức, trong khi những kẻ bất lương đổ tội quan hệ bất chính lên đầu cô con gái đã chết.
“Vì thánh Alla, tôi kêu gọi các Bộ trưởng, các thẩm phán và cảnh sát hay giúp tôi đòi lại công lý” Shaikh nói trong nước mắt.
Những nỗ lực của chính phủ Pakistan trong việc giảm thiểu các vụ “giết người danh dự” đã phát huy tác dụng song tại các vùng quê nghèo, đây vẫn còn là nỗi khiếp đảm của hàng triệu phụ nữ.
Bên cạnh đó, luật pháp Pakistan cho phép thân nhân của nạn nhân “tha thứ” cho kẻ giết người để lấy tiền bồi thường. Điều đó có nghĩa là nếu chính thân nhân của nạn nhân đứng ra dàn xếp, hung thủ sẽ không phải đối mặt với công lý.
Mối quan hệ phong kiến
Trong xã hội Pakistan hiện nay, không chỉ có phụ nữ mới là nạn nhân của hủ tục “giết người danh dự” và cũng không chỉ những việc liên quan đến tình yêu và hôn nhân mới dẫn đến các vụ giết người.
Phụ nữ và những người thấp cổ bé họng là nạn nhân của hủ tục "giết người vì danh dự" ở Pakistan. Ảnh: Flickr |
Công lý tại Pakistan vẫn đang sa lầy vì quyền lực tập trung trong tay các quan chức địa phương. Tình trạng đó thể hiện rõ tại các địa phương như tỉnh Sindh – nơi mà xã hội vẫn còn rất phong kiến với quyền sinh quyền sát nằm trong tay các chủ đất lớn. Và tại những nơi như thế, “giết người danh dự” còn là công cụ để giải quyết các mâu thuẫn hay thậm chí để cướp đất, cướp tiền trắng trợn từ những người nghèo.
Mohammed Hasan là một trong số các nạn nhân và hiện giờ anh phải sống chui lủi để tránh tên chủ đất trong làng. Hắn muốn anh phải từ bỏ mảnh ruộng duy nhất, hoặc phải trả khoảng 8.000 USD để thoát cái tội mà hắn tự bịa ra. Tội đó là anh nói chuyện với một phụ nữ đã có chồng.
Việc lạm dụng cả đàn ông và phụ nữ nghèo dưới vỏ bọc “danh dự” đã đeo bám người dân Pakistan trong nhiều thế kỷ qua tại quốc gia Nam Á . Nhưng dưới thời kỳ cai trị của thực dân Anh, hủ tục này lắng xuống một thời gian, khi những người có tội bị truy tố đến cùng. Tuy nhiên, giờ đây, chính quyền Pakistan dường như không thể học được cách bảo vệ người vô tội. Việc thực thi pháp luật đã trở nên suy yếu đến mức người nghèo luôn sai trong các vụ “giết người danh dự” đầy man rợ.
Và chỉ riêng tại tỉnh Sindh, trung bình mỗi ngày người dân báo cảnh sát từ 2 đến 3 vụ giết người vì danh dự và mỗi năm ít nhất khoảng 350 người mất mạng vì những vụ như vậy.