Mở đầu phần chất vấn tại HĐND Hà Nội về nhóm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đại biểu Lê Văn Thành nêu hiện nay tội giết người thường bị kết án chung thân hoặc tử hình thì việc đưa chất độc hại vào thực phẩm là giết người thầm lặng lại không bị xử lý thích đáng.
Những năm qua thành phố đưa ra nhiều biện pháp, chế tài nhưng vi phạm vẫn tràn lan và không kiểm soát được. Nguyên nhân do chế tài quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Đại biểu Lê Văn Thành: Tội giết người thường bị kết án chung thân hoặc tử hình thì việc đưa chất độc hại vào thực phẩm là giết người thầm lặng lại không bị xử lý thích đáng. |
"Năm 2016, thành phố có biện pháp gì mạnh hơn để giảm tình trạng này?", đại biểu Thành nêu câu hỏi.
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Trung Hai quan tâm đến năng lực kiểm soát của Hà Nội về sản phẩm thức ăn chăn nuôi lưu thông trên thị trường hiện nay và cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm quảng cáo.
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền thừa nhận, dù đã có cố cố gắng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo ông Hiền, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Hà Nội thành lập thí điểm lực lượng thanh tra chuyên ngành về y tế tại 5 quận huyện trên địa bàn. Thành phố cũng đã ban hành chương trình truyền thông chung tay vì ATTP.
Rau muống từ nghĩa địa đến chợ. Ảnh: Lê Hiếu. |
Trong thời gian tới, với trách nhiệm của cơ quan tham mưu cho thành phố, Sở tiếp tục tập trung quyết liệt các nội dung, từ tuyên truyền cho người tiêu dùng về vệ sinh ATTP và kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật của các cơ sở kinh doanh, buôn bán thực phẩm.
Chia lửa với ông Hiền, Phó chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt tập trung vào chất lượng thức ăn chăn nuôi, bởi theo ông, nó đặc biệt ảnh hưởng đến giá thành và chất lượng sản phẩm.
Ông Việt cho biết, thành phố có 64 cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi và 400 cơ sở kinh doanh. Thành phố đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành các đợt kiểm tra với cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Mặc dù dư luận quan ngại, nhưng theo báo cáo từ mẫu kiểm tra (trung bình 1.000 mẫu mỗi năm), kết quả cho thấy một số chất cấm, không được khuyến khích sử dụng đều âm tính. Các đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp đã lấy 70 mẫu, cũng cho kết quả tương tự.
Gần đây, dư luận rộ lên về chất tạo nạc, nhưng thực tế không phải cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi trộn vào mà nhóm buôn bán nhỏ lẻ "rỉ tai" người sử dụng tự ý trộn vào nên rất khó kiểm soát.
Trước đó, trong phần báo cáo của mình, Phó chủ tịch Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho hay, ngay cả các trường hợp báo chí phản ánh, Hà Nội đi xác minh đều không phát hiện sai phạm.
Trong khi đó, theo ghi nhận và điều tra của Zing.vn và nhiều báo, tình trạng sai phạm trong vệ sinh an toàn thực phẩm khá thường xuyên, gây quan ngại cho người dân. Đây cũng là vấn đề làm nóng nghị trường trong kỳ chất vấn mới đây.
Hội trường Quốc hội đã xôn xao với phát biểu của ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) khi cho rằng "con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng thế".
Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho rằng phải đấu tranh với chất cấm trong chăn nuôi như với ma túy. Việc sử dụng chất cấm, theo Bộ trưởng Phát, là một tội ác.