Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gieo mầm qua những trang sách

Nghề dạy học là nghề “ươm mầm” những “hạt giống” hữu ích cho cuộc đời. Các trang sách đã góp phần làm nảy nở những “hạt giống” yêu thương, làm xuất hiện những suy nghĩ tích cực.

Cô giáo Phạm Thị Hệ Ngân cùng học sinh đọc sách trong giờ nghỉ.

“Giấc mơ của các con được bắt đầu từ những trang sách mà tôi đã dày công chuẩn bị, cùng mong muốn có thể ươm mầm tình yêu sách cho các con. Cứ thế, sách nhẹ nhàng đưa các con vào giấc ngủ ban trưa êm ả, ngọt ngào để rồi những tâm hồn trẻ thơ trong trẻo ấy được lớn theo từng trang sách”, đó là tâm sự của cô giáo Phạm Thị Hệ Ngân, giáo viên chủ nhiệm Lớp 5A3, trường Tiểu học Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân, Hà Nội).

“Trái ngọt” hạnh phúc ấy chính là sự gieo mầm tình yêu với văn hóa đọc cho các em học sinh. Quá trình “dụ” các em đến với sách của cô Ngân cũng khá đặc biệt. Thông thường, sau giờ ăn trưa, học sinh sẽ nghỉ ngơi ít phút trước khi ngủ. Để cạnh tranh với sự hấp dẫn của mạng xã hội, kéo các em đến với sách, cô dùng “chiêu” đọc truyện, sách cho các em nghe trước giờ ngủ trưa.

Bằng giọng đọc truyền cảm, cô Ngân khiến các em cảm thấy cuốn hút vào câu chuyện mình dẫn dắt. Ðúng lúc gay cấn nhất, cô dừng lại để... hồi sau sẽ rõ. Chiêu thức này kích thích trí tò mò của các em nên nhanh chóng phát huy tác dụng. Khi các em nóng lòng muốn biết diễn biến tiếp theo, cô Ngân giới thiệu “muốn biết diễn biến câu chuyện thì các em hãy đến giá sách”. Nhờ cách làm ấy, không chỉ trước giờ ngủ trưa mà cả giờ ra chơi, trước giờ ra về, học sinh thường tranh thủ đọc sách. Nhiều em đã có thói quen đọc vài trang sách trước khi đi ngủ ở nhà.

Cô Ngân luôn tâm niệm, để học trò có thêm nhiều niềm vui trong học tập, thêm quyết tâm, hoàn thiện bản thân mà không thấy mệt mỏi thì mỗi thầy, cô giáo phải không ngừng nỗ lực mang tới những bài học thật hay và bổ ích, luôn đổi mới cách tiếp cận. Cô Ngân tâm sự: “Nghề dạy học là nghề “ươm mầm” những “hạt giống” hữu ích cho cuộc đời. Các trang sách đã góp phần làm nảy nở những “hạt giống” yêu thương, làm xuất hiện những suy nghĩ tích cực”.

Nói về những ngày đầu ý tưởng “Gieo mầm từ những trang sách” được triển khai, cô Ngân kể: “Thư viện của trường có rất nhiều sách nhưng học sinh toàn trường rất đông. Vì vậy, từ đầu năm học 2020-2021 tôi đã xây dựng giá sách nhỏ cho lớp 5A3 cùng niềm tin sẽ được các trò đón nhận.

Giá sách nhỏ của lớp ban đầu là một giá gỗ nhỏ chứa những cuốn sách, truyện... phù hợp với độ tuổi thiếu niên, nhi đồng tôi mang từ nhà đến. Sự xuất hiện của giá sách khiến đám học trò không khỏi tò mò, dò xét. Tôi nói với học trò những cuốn sách này dành cho các con, lúc nào rảnh hãy khám phá chúng. Nếu như những buổi đầu có vài ba đứa rụt rè, ngó nghiêng tìm sách thì đến giờ ra chơi sau cả đám đã ùa đến, nhiều lúc chúng còn tranh cãi vì một cuốn sách có nhiều bạn cùng muốn đọc”.

Trống báo giờ nghỉ trưa là lúc các trò nhanh chân ào đến giá sách được kê ngay ngắn sát tường trong lớp. Em thì chọn truyện cổ tích, em lại đọc truyện lịch sử, có em lại thích sách văn học... Cứ thế lớp học rực rỡ sắc màu. Sau khi chọn được cuốn sách ưng ý, ai vào chỗ nấy để bắt đầu rì rầm, thì thào, khúc khích... Đôi khi có em bỗng bật cười khanh khách khiến cả lớp lao xao.

“Đấy cũng là lúc tôi thư thái lặng ngắm những gương mặt học trò khi được lật giở từng trang sách, trang truyện, trang báo sao mà đáng yêu, sao mà tươi sáng, sao mà rạng rỡ... đến thế”, cô Ngân chia sẻ.

Phần thưởng xứng đáng cho sự say mê của cô Phạm Thị Hệ Ngân không chỉ là học sinh đã yêu thích đọc sách mà cô còn được Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" năm 2021. Trong suốt 12 năm đứng trên bục giảng, có rất nhiều kỷ niệm với học sinh của mình. Điều cô thấy ấm áp là sự trưởng thành của các em. Điều đó như tiếp thêm sức mạnh để cô có thêm niềm tin, động lực tiếp tục sự nghiệp "trồng người" cao cả.

Lan tỏa thói quen đọc sách đến học sinh

Theo ông Phạm Quốc Hùng, việc đọc sách giúp học sinh củng cố kiến thức đã học, phát triển kỹ năng sống, năng lực cảm thụ và hình thành thói quen tự nghiên cứu.

Nhiều giáo viên đề xuất đưa tiết đọc sách vào giờ học chính khóa

"Tôi kiến nghị có tiết đọc sách trong thời khóa biểu chính khóa để giáo viên giúp học sinh hình thành thói quen đọc sách", cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (quận 10, TP.HCM) nói.

https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/ha-noi-hao-hoa-thanh-lich-gieo-mam-qua-nhung-trang-sach-706990

Hà Thu / Quân đội nhân dân

Bạn có thể quan tâm