Em học sinh ở quần đảo Trường Sa. |
Đứng giữa trùng trùng mây, trời, nước hoà quyện với nhau lại làm một, tôi mới thấm hiểu hết nỗi khó khăn, gian truân, vất vả của những người lính hải quân đang ngày đêm trừng mắt sa trường canh giữ biển đảo, giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.
Hải trình ra Trường Sa đầy sóng gió, trắc trở, tôi lênh đênh trên tàu gần một tháng mới lên được đảo Song Tử Tây, vì chuyến đi lần này gặp mấy cơn bão và áp thấp liên tiếp.
Nhiều sóng cao đánh thẳng, tràn lên boong tàu, bọt tung trắng xoá. Nhưng cơn sóng cấp 7, cấp 8, có khi giật cấp 9, trong đầu tôi nhiều khi quay như chong chóng, thân thể rã rời, mệt lả vì say sóng.
Khi những cơn sóng dịu lại xuống còn cấp 4 thì trong đảo đưa xuồng CQ ra chở chúng tôi vào đảo, sóng lúc này mặc dù chỉ cấp 4 nhưng việc đưa tôi từ tàu xuống xuồng cũng lắm gian nan, khó khăn.
Các con sóng làm chiếc xuồng dội ngược dội xuôi, các anh em chiến sĩ nắm giằng dây quần thảo với sóng để giữ xuồng. Có chiến sĩ bị bong tróc da tay đến chảy máu vì giữ dây cho chúng tôi xuống xuồng lên đảo. Khi tôi hỏi, các anh vui cười và trả lời “không sao cả, chuyện bình thường vào những mùa biển động, có khi còn hơn thế nữa”.
Sách Mây trắng bay qua bục giảng. Ảnh Q.M. |
Khi đặt chân lên đảo, chúng tôi được anh em cán bộ, chiến sĩ và người dân đón tiếp rất chân tình. Người thì rót cốc nước mời, người hỏi thăm về sức khỏe vì biết tôi đi tàu dài ngày trên biển gặp nhiều sóng gió, người thì phụ giúp tôi mang đồ đến tận trường học.
Khi các em được bố mẹ cho biết rằng tôi là thầy giáo mới của chúng, các em đứng vòng tay lễ phép chào hỏi và liền sau đó các em nắm lấy tay tôi một cách vô tư, hồn nhiên y như tôi đã dạy học chúng đã từ lâu lắm rồi. Lúc đó tự dưng nơi khoé mắt tôi thấy cay cay, nhoè đi.
Những ngày đầu tiên sống trên đảo của tôi đầm ấm trong cái tình của bà con và anh em cán bộ, chiến sĩ. Họ biết tôi lần đầu tiên đi xa nhà ra nơi đầu sóng ngọn gió dạy học thế nào cũng nhớ nhà, nhớ quê, nhớ gia đình vì ai đi xa quê hương mà không nhớ.
Đặc biệt là ra nơi hải đảo xa xôi, nơi tiền tiêu của Tổ quốc, đâu phải muốn về thăm nhà khi nào cũng được. Hầu như hôm nào anh em hộ dân, như hộ số 1 của anh Khai, hộ số 4 của anh Cường hay nhà hộ số 7 của anh Đoạn cũng mang cà phê, bánh kẹo đến trường uống nước trà, hàn huyên tâm sự đến khuya mới về.
Rồi thì hôm nhà hộ dân số 2 của anh Lương, hộ số 3 của anh Được lại thân tình mời tôi dùng cơm với gia đình cho đầm ấm. Có khi nhà hộ số 5 chỗ anh Toàn hay hộ số 6 chỗ anh Tri còn làm đĩa gỏi ốc bưng qua trường chúng tôi.
Còn các anh em cán bộ, chiến sĩ vào những ngày nghỉ thường xuyên lui tới chia sẻ, tâm sự hoàn cảnh gia đình, bạn bè. Mọi người kể cho nhau nghe những vui buồn nơi biển đảo.
Khi mới dạy học ở đảo Song Tử Tây, điều làm tôi bỡ ngỡ, lúng túng là chọn phương pháp dạy thế nào cho phù hợp và hiệu quả. Vì dạy ngoài đảo không giống như trong đất liền.
Những học sinh ở quần đảo Trường Sa. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Dạy ở đất liền mỗi lớp một trình độ, còn dạy ở ngoài đảo xa này tôi phải dạy lớp ghép, nghĩa là trong một lớp có nhiều trình độ khác nhau.
Trong cùng một lớp, lớp 1 có, lớp 2 có, lớp 4 có và cả độ tuổi... mẫu giáo cũng ngồi ê a. Việc dạy lớp ghép mất rất nhiều thời gian và khác hẳn phương pháp mà tôi được đào tạo chuyên ngành Sư phạm Tiểu học. Việc đầu tiên là tôi phân bố thời gian biểu sao cho hợp lý.
Ví như vừa vào lớp, tôi gọi học sinh lớp 4 lên bảng làm bài cũ, tiếp theo hướng dẫn các em mẫu giáo tô màu, sau đó lại quay sang kiểm tra phần đọc môn tiếng Việt của các em lớp 1 hoặc lớp 2.
Chính vì thế, giáo viên di chuyển trong lớp rất nhiều và luôn miệng nói với các em. Thậm chí, mấy ngày đầu, tôi còn chóng mặt như say sóng vì cứ quay chong chóng trong lớp. Mọi sự chưa vào nề nếp nên việc dạy rất khó. Tuy nhiên, nhờ các em biết vâng lời và chăm học, tôi đỡ vất vả dần.
Chưa đầy hai tháng, thầy và trò đã gắn bó với nhau như người trong gia đình. Rất vui vì hầu hết học sinh của tôi đều khá, giỏi. Mà có lẽ ngoài tư chất còn có lý do các em ở đảo không có điều kiện để chơi và phân tâm như trong đất liền.
Tôi rất ấn tượng với em Thiên Lân, con của hộ dân số 3 nhà anh chị Được - Lan. Em Thiên Lân rất sáng dạ, mới 5 tuổi mà học đến đâu nhớ đến đó, qua nhiều ngày kiểm tra lại vẫn còn nhớ như vừa mới học xong.
Bài thơ 5 chữ Song Tử Tây quê em hay bài Mùa xuân ở Trường Sa và còn nhiều bài thơ khác nữa do chính tôi sáng tác dài đến 5 hoặc 6 khổ, tôi đọc cho em đọc theo.
Và chỉ chưa đầy 10 phút, em đã thuộc lòng. Trong khi đó, chính tôi viết mà cũng chưa thuộc giống như em. Còn các em khác cũng “một tám, một mười”, bé nào cũng làm thầy vui và ấn tượng khó quên.
Học sinh nơi đây rất dễ thương, ngoan hiền và đặc biệt là rất chăm học. Chiều chiều các em hay lon ton chạy qua trường, ghé nội trú của thầy để cùng chơi đùa. Có khi các em rủ thầy đi bộ tập thể dục. Các em rất biết tiết kiệm điện nước và tuy còn nhỏ nhưng hoàn toàn ý thức học hành.
Nhiều lần tâm sự, tôi hỏi sau này các em muốn làm gì? Có bạn nói muốn làm hải quân để canh giữ đảo yên bình, có bạn nói muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho các chú lính, có bạn lại nói muốn làm kĩ sư nông nghiệp để giúp các chú bộ đội trồng rau xanh tốt hơn.
Những món quà mà các em dành cho thầy giáo của chúng tôi là các viên đá cuội, san hô hay những bông hoa bàng vuông rụng vào mỗi buổi sáng.
Nhà văn Nguyễn Hữu Phú sinh năm 1982 tại Vạn Ninh, Khánh Hòa. Hiện nay, anh dạy tại trường Tiểu học xã đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa. Tác giả Nguyễn Hữu Phú cộng tác thường xuyên cho các tạp chí văn học và báo ngành giáo dục.