Theo South China Morning Post, ông Johann Christoph Michalski - CEO Vinda International - ngỡ ngàng khi thông tin Hong Kong sẽ cạn kiệt giấy vệ sinh được lan truyền trên các phương tiện truyền thông hồi đầu tháng 2.
Vài ngày sau đó, các kệ hàng trong nhiều siêu thị trên khắp thành phố rống trơn khi cư dân đổ xô đi mua giấy vệ sinh. Tất cả đều lo sợ dịch virus corona bùng phát từ Trung Quốc đại lục sẽ làm gián đoạn nguồn cung.
Nỗi lo sợ này cũng bùng lên ở nhiều nơi khác trên thế giới. Cảnh tượng khách hàng ồ ạt mua giấy vệ sinh xuất hiện ở Singapore và Sydney (Australia).
Trả lời South China Morning Post, ông Michalski nhấn mạnh: “Không có sự thiếu hụt nguồn cung ở Hong Kong hay Trung Quốc. Mọi người không nên tin mọi thứ trên mạng xã hội”.
Giấy vệ sinh được tiêu thụ cực nhanh tại Hong Kong. Ảnh: Getty Images. |
“Tình trạng thiếu hụt hàng hóa ở các cửa hàng hoàn toàn do hiện tượng mua hàng tích trữ, mà không phải do khả năng cung cấp hàng hóa của ngành công nghiệp này. Hiện tượng mua hàng tích trữ rất khó chịu đối với dịch vụ hậu cần, khách hàng và sản xuất của chúng tôi”, ông nói thêm.
Ngoài giấy vệ sinh, người dân nhiều thành phố châu Á cũng tích trữ khẩu trang y tế, găng tay cao su, chất khử trùng và các nhu yếu phẩm hàng ngày khác.
Dịch virus corona bùng phát khiến 50 triệu công nhân Trung Quốc phải nghỉ ở nhà khi chính phủ Bắc Kinh yêu cầu kéo dài Tết Nguyên Đán để ngăn ngừa mầm bệnh lây lan.
Trung Quốc là nước xuất khẩu giấy vệ sinh lớn nhất thế giới. Quốc gia này vận chuyển khoảng 2,8 tỷ USD giấy vệ sinh đến Mỹ mỗi năm, chiếm 12% thị trường xuất khẩu giấy vệ sinh toàn cầu.
Mạng lưới hậu cần của Trung Quốc đang dần hoạt động trở lại. Vấn đề là việc bán hàng ở Hong Kong có thể bị chậm lại trong những tháng tới bởi các hộ gia đình bị thừa giấy vệ sinh, theo ông Michalski.