Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giày Thượng Đình vang bóng một thời giờ ra sao?

Từng là nhà sản xuất giày có thị phần lớn nhất thị trường phía Bắc, Giày Thượng Đình nay chìm trong thua lỗ trước áp lực cạnh tranh của các thương hiệu trong và ngoài nước.

Mẫu giày Thượng Đình gắn bó với nhiều thế hệ khách hàng Việt Nam. Ảnh: GTD.

Nhiều thế hệ người Việt Nam đã gắn bó với đôi giày Thượng Đình đơn giản với họa tiết sọc xanh lam hoặc đỏ cùng phần đế cao su dẻo được bán với giá bình dân. Trải qua hơn 6 thập kỷ thăng trầm, Thượng Đình giờ là một trong số ít thương hiệu Việt vang bóng một thời còn hoạt động kinh doanh đến nay.

Hãng giày Việt gần 70 tuổi

Giày Thượng Đình hiện vẫn là sản phẩm sản xuất chủ lực của CTCP Giày Thượng Đình, tiền thân là xí nghiệp X30 thành lập tháng 1/1957, chịu sự quản lý của Cục quân nhu - Tổng cục hậu cần (Quân đội nhân dân Việt Nam). Nhà máy này có nhiệm vụ sản xuất mũ cứng và dép cao su phục vụ quân đội.

Trong giai đoạn đầu mới thành lập, sản phẩm giày Thượng Đình phổ biến trong nước, đặc biệt tại thị trường phía Bắc. Thậm chí, giày Thượng Đình còn từng được xuất khẩu sang một số thị trường như Liên Xô (cũ), Đông Âu, Pháp và Đức.

Ngày 8/6/2015, Công ty TNHH MTV Giày Thượng Đình thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 1,9 triệu cổ phần với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần, nhưng tổng khối lượng cổ phần đăng ký mua lên tới hơn 22 triệu đơn vị.

Năm 2016, công ty chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần và đưa 9,3 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM từ ngày 16/12 cùng năm với mã chứng khoán GTD, vốn hóa trên thị trường đạt hơn 400 tỷ đồng.

Từng là thương hiệu giày dép lớn tại Việt Nam, giống nhiều thương hiệu vang bóng một thời trong nước khác, Giày Thượng Đình cũng gặp rất nhiều khó khăn vì dây chuyền sản xuất cũ và không kịp sự thay đổi theo thị yếu người dùng. Các sản phẩm của công ty bị chê là kém thẩm mỹ và không được đầu tư bài bản dẫn tới đánh mất dần thị phần vào tay các doanh nghiệp dày dép trong và ngoài nước như Biti's, Nike, adidas...

Nay chìm trong thua lỗ

Hoạt động kinh doanh sau khi đăng ký giao dịch trên UPCoM năm 2016 đến nay của Giày Thượng Đình không mấy khởi sắc khi doanh thu và lợi nhuận liên tục suy giảm.

Trong đó, doanh thu của doanh nghiệp đã giảm từ mức gần 200 tỷ đồng của năm 2016 về mức 104 tỷ đồng trong năm 2020, tương đương giảm gần một nửa. Con số này sau đó tăng nhẹ lên mức 109 tỷ đồng trong năm 2021 và 2022 nhưng lại tiếp tục lao dốc về mức 80 tỷ đồng trong năm 2023 vừa qua.

GIÀY THƯỢNG ĐÌNH CHÌM TRONG KHÓ KHĂN NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY
Nguồn: BCTC DN.
Nhãn 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023
Doanh thu Tỷ đồng 197.8 174.2 165.8 104 108.5 108.5 80
Lợi nhuận
-17 -16.9 -13.2 -13.7 0 0.117 -5

Trong giai đoạn 2017-2023, thương hiệu này liên tục thua lỗ và chỉ có lãi duy nhất vào năm 2022 với khoản lợi nhuận 117 triệu đồng.

Các năm trước đó, công ty lỗ 13-17 tỷ đồng. Gần đây nhất vào năm 2023, Giày Thượng Đình tiếp tục báo lỗ hơn 5 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2023, tổng lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán của nhà sản xuất giày dép này đã là 54 tỷ đồng.

Giải trình về tình hình kinh doanh lao dốc, ban lãnh đạo công ty cho biết trong năm 2023, đơn vị đã tích cực tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình lạm phát và chiến tranh thế giới, một số khách đã ngừng đặt hàng khiến số lượng đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh.

Đối với thị trường nội địa, bên cạnh hình thức bán hàng truyền thống tại các cửa hàng đại lý, công ty đã triển khai việc quảng bá thương hiệu, mở rộng thêm các kênh bán hàng trên mạng, phát triển thêm mẫu mã mới.

Chuyên gia đánh giá giày Thượng Đình không có nhiều lợi thế để cạnh tranh với các thương hiệu toàn cầu đang hiện diện tại Việt Nam như Nike, adidas đồng thời chưa có những bước chuyển mình cần thiết để nâng tầm thương hiệu như "người anh em" Bitis.

Tổng tài sản của Giày Thượng Đình thời điểm cuối năm 2023 là 127 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm có UBND thành phố Hà Nội nắm 68,67% vốn, CTCP đầu tư thương mại Thái Bình sở hữu 10% và phần còn lại do các cổ đông khác nắm giữ.

Đến cuối năm 2023, công ty có 400 người lao động với thu nhập bình quân là 6,5 triệu đồng/tháng.

Theo quyết định số 908 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/6/2020, UBND TP Hà Nội sẽ phải thực hiện thoái vốn nhà nước tại 28 doanh nghiệp, hạn chót đến hết năm 2020. Theo đó, UBND TP Hà Nội buộc phải thoái toàn bộ 68,67% vốn tại Công ty CP Giày Thượng Đình trước ngày 31/12/2020, tuy nhiên đến nay việc thoái vốn vẫn chưa hoàn tất.

Lãnh đạo Giày Thượng Đình bị tạm hoãn xuất cảnh

Cơ quan chức năng đã có thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với Giám đốc Công ty CP Giầy Thượng Đình do doanh nghiệp bị cưỡng chế nợ thuế.

Sabeco, Giày Thượng Đình thoái hết vốn Nhà nước

Theo kế hoạch, Sabeco sẽ được chuyển giao về SCIC trước 31/8 để thực hiện thoái hết vốn Nhà nước. Trong khi đó, Giày Thượng Đình do UBND TP Hà Nội thực hiện thoái vốn đến hết 2020.

Năm tháng khó khăn của hãng giày 'vang bóng một thời'

Đã qua giai đoạn thương hiệu vang bóng một thời trên thị trường, hoạt động kinh doanh hiện tại của Giày Thượng Đình liên tục chìm trong thua lỗ.

Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Diệu Thanh

Bạn có thể quan tâm