Hội thảo “Tận dụng không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa: Trường hợp của ngành chế biến xuất khẩu gỗ và ngành bán lẻ” đã được tổ chức ở Hà Nội ngày 6/10.
Báo cáo của Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy tính đến cuối năm 2015, cả nước có 1.735 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy. Tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,6 tỷ USD, đứng trong 6 ngành nghề thu hút vốn FDI lớn nhất.
Bán lẻ là 1 trong 6 ngành thu hút vốn FDI nhiều nhất. |
Giống như nhiều lĩnh vực khác, các doanh nghiệp bán lẻ có vốn FDI chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ nhưng lại có doanh thu và hiệu quả lớn hơn nhiều so với mặt bằng chung. Thống kê cho biết về doanh số bán lẻ của khối FDI chỉ chiếm khoảng 4% nhưng doanh số bán ra tại 1 điểm bán lẻ của khối FDI cao gấp 3-4 lần, thậm chí gấp 7-8 lần so với doanh số 1 siêu thị nội.
“Tôi thực sự giật mình với con số được đưa ra trong hội thảo là 1.750 dự án FDI vào Việt Nam là làm phân phối” - bà Chi Lan nói. Khi tham gia vào WTO, Việt Nam chưa mở của ngay cho các đại siêu thị tuy nhiên đấy chỉ là chính sách đối với những hệ thống siêu thị lớn, còn đối với hệ thống nhỏ thì đã “buông lỏng hoàn toàn”.
Chỉ có một chế độ duy nhất là định nghĩa không gian phải quá 50 m2 mới được mở một cửa hàng. Đây là một lỗ hổng chết người. Lợi dụng kẽ hở đó, các "ông lớn" nước ngoài đã mở các chuỗi cửa hàng nhỏ lẻ hay còn gọi là cửa hàng tiện ích với con số lên đến vài trăm, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm của Việt Nam, tạo thành thế tấn công toàn diện, dồn dập, mạnh mẽ. Đó là là đại siêu thị đối chọi với những siêu thị lớn nội địa, chuỗi cửa hàng tiện ích đối chọi với các chợ truyền thống khiến “chúng ta rất đau” - bà Lan phân tích thêm.
Cũng theo chuyên gia kinh tế này, hỏi doanh nghiệp nội có cần hỗ trợ hay không cũng giống như cách hỏi người đói có muốn ăn không. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã "phát khóc" vì chính sách bất cập hoặc ưu ái cho “người ngoài” trong lĩnh vực phân phối.
“Tôi lấy làm tiếc vì đến nay, nhiều người làm ở các cơ quan nhà nước chưa có được sự hiểu biết đầy đủ, ngộ nhận về chính sách. Báo chí không ít lần phản ánh khi doanh nghiệp đề xuất các vấn đề cụ thể thì công chức ở bộ ban ngành chỉ nói cái này chúng ta đã hội nhập rồi, không được làm vậy. Trong khi đó vẫn còn không gian chính sách để chúng ta tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp”, bà Lan chia sẻ.
Không gian chính sách, theo chuyên gia kinh tế này, là Việt Nam là một nước đang chuyển đổi nên mọi hiệp định của chúng ta vẫn được các nước khác nhân nhượng. Do đó Việt Nam nên chủ động thiết kế các chính sách cần thiết và có lợi cho doanh nghiệp hoặc các ngành sản xuất trong nước.
Tính đến nay, ngoài việc đã gia nhập WTO 10 năm nay thì Việt Nam đã ký kết được hiệp định FTA với 57 nước trên thế giới.