Ngày 20/3, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng có buổi làm việc với Sở Giao thông Vận tải và các ngành chức năng để tìm giải pháp “gỡ rối” hệ thống giao thông công cộng.
'Thông được chỗ này tắc chỗ khác'
Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Đà Nẵng, cho biết do dân số tăng và du khách đến Đà Nẵng đông nên địa phương đã xảy ra tình trạng kẹt xe. Hạ tầng giao thông chịu áp lực lớn và chưa đáp ứng nhu cầu.
Ông Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị, HĐND TP Đà Nẵng cho biết thành phố đang bộc lộ nhiều bất cập về quy hoạch mạng lưới giao thông công cộng. Tình trạng thiếu bãi đỗ xe đang là vấn đề nan giải. Theo ông, một đô thị như Đà Nẵng phải có 20% diện tích đất cho giao thông. Với dân số hiện tại phải có 16 bãi đỗ xe mới đạt yêu cầu của một đô thị.
Ông Trương Quang Nghĩa. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Tuy nhiên, hiện nay cả TP Đà Nẵng mới “giành” đất để xây dựng 16 bãi đỗ xe. Ông cho rằng quỹ đất thành phố không còn nên bài toán về quy hoạch mạng lưới giao thông ở địa phương đang ở mức báo động.
“TP làm đô thị theo ô bàn cờ nhưng không phải cờ tướng mà là cờ vây. Thông được chỗ này tắc chỗ khác. Tổ chức giao thông phân luồng, phân làn chưa rõ ràng. Quản lý giao thông mà toàn cấm thì chưa hiệu quả”, ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Nho Trung, Phó chủ tịch phụ trách HĐND TP Đà Nẵng, cho rằng quy chuẩn của một đô thị như Đà Nẵng phải có 156 điểm giao thông tĩnh (tức bãi đỗ xe). Tuy nhiên, hiện nay địa phương mới có đất để xây 16 điểm đậu đỗ xe là quá ít.
“Thời gian qua Đà Nẵng tập trung phát triển kinh tế một cách quá “nóng” nhưng lại quên đi vấn đề hạ tầng giao thông. Hệ quả nhãn tiền là người dân và du khách bắt đầu kêu ca về tình trạng kẹt xe giống như Hà Nội và TP.HCM”, ông Trung thông tin.
Đừng để kẹt xe trở thành vấn nạn
Theo ông Trương Quang Nghĩa nhiều người nghe nói Đà Nẵng kẹt xe thì giật mình. “Nhưng tôi thấy nó đã diễn ra rồi đó. Phải quy hoạch lại chứ đừng để nó trở thành vấn nạn”, ông Nghĩa nói và cho hay việc hạn chế kẹt xe bằng cách cấm người dân mua sắm phương tiện cá nhân là không thể.
Ông cho rằng để giảm phương tiện cá nhân thì ít nhất phải có kế hoạch sớm hơn 5 năm. Việc này phải gắn với các đề án như phố đi bộ, chợ đêm thì lý do để giảm xe cá nhân hợp lý hơn.
Theo ông Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị, HĐND TP Đà Nẵng, thời gian qua Đà Nẵng tập trung phát triển kinh tế một cách quá “nóng” nhưng lại quên đi vấn đề hạ tầng giao thông. Ảnh: Minh Hoàng. |
“Giải pháp trước mắt là khuyến khích người dân sử dụng hệ thống giao thông công cộng. Muốn người dân đi xe buýt thì trước tiên ngành giao thông phải xây dựng hình ảnh của người lái xe trở thành “thương hiệu”. Bên cạnh đó, xe buýt phải đảm bảo chất lượng dịch vụ, phân tuyến đi cho thuận tiện”, ông Nghĩa nói.
Bí thư Đà Nẵng cũng đồng tình việc đầu tư xây dựng hai nút giao thông phía tây cầu Rồng và Trần Thị Lý, nhưng cần phân luồng giao thông tổng thể trước. Về lâu dài, ông Nghĩa yêu cầu Sở GTVT phối hợp với các chuyên gia nghiên cứu đề xuất xây thêm cầu bắc qua sông Hàn.
Khu vực ngoại đô phải quy hoạch vành đai giao thông, nối với các tuyến đường huyết mạch bắc – nam. Ở các tuyến ven biển, ông Nghĩa gợi ý ngành GTVT nghiên cứu phương án ngầm hóa các con đường.
“Quỹ đất không còn nên phải tính đến phương án xây các bãi đỗ xe ngầm. Tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Sở GTVT nghiên cứu xem có nên xây các tuyến đường hầm ra mép biển không. Dưới các đường hầm có thể làm thêm các điểm bán hàng lưu niện hoặc quán bar… Diện tích đất đã quy hoạch phải để xây dựng bãi đỗ xe, tuyệt đối không được bán”, ông Nghĩa gợi ý.