Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giáo sư ĐH Cambridge nói về sứ mệnh của giải thưởng VinFuture

Theo giáo sư Vật lý Sir Richard Friend, các giải thưởng như VinFuture sẽ nâng cao đột phá trong khoa học và công nghệ, đồng thời truyền cảm hứng cho tương lai.

The Independent - tờ báo uy tín của Anh - vừa đăng tải nguyên văn bài viết của Richard Friend, giáo sư Vật lý, Đại học Cambridge (Anh). Bài viết thể hiện góc nhìn về đổi mới trong khoa học và công nghệ. Đáng chú ý, hơn một nửa bài viết được vị giáo sư dành để phân tích về VinFuture - giải thưởng trị giá 4,5 triệu USD do người Việt khởi xướng.

Tôn vinh những người có thể mang lại thay đổi cho thế giới

Bài viết của GS Richard Friend được đăng tải tại chuyên mục Góc nhìn của tờ báo có hàng chục triệu độc giả trên khắp thế giới. Bài viết có tiêu đề Khoa học và công nghệ là chìa khóa của một tương lai bền vững - chúng ta cần khuyến khích sự đổi mới.

Mở đầu bằng việc đề cập tới những cam kết tích cực tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc - COP26, GS Richard Friend cho rằng: “Sự sáng tạo và khám phá của mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng để giải quyết các thách thức toàn cầu. Khoa học - công nghệ chính là chìa khóa để mang lại một tương lai bền vững và trao quyền vào tay mọi người”.

GS Sir Richard Friend,  khoa hoc cong nghe anh 1

Trích bài viết của GS Richard Friend trên The Independent.

Vấn đề là làm sao để con người thực sự nắm giữ chìa khóa quan trọng ấy. Theo vị giáo sư Đại học Cambridge, cải thiện kinh phí nghiên cứu là chưa đủ. Quan trọng hơn là khuyến khích sự đổi mới mang tính đột phá, tạo nên nền tảng cho những sáng kiến ít được biết đến tại các lĩnh vực mới. Đặc biệt, ông nhắc tới sự cần thiết của việc tôn vinh những người có thể mang lại thay đổi tích cực cho mọi người trên thế giới.

Vị giáo sư lấy ví dụ về giải thưởng toàn cầu VinFuture trị giá 4,5 triệu USD được công bố lần đầu vào tháng 12/2020, dành cho các nghiên cứu khoa học và đổi mới mang tính đột phá. Giải thưởng giúp tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày của con người trên khắp thế giới. Đây cũng là điểm khác biệt của giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu do người Việt Nam khởi xướng.

“Các giải thưởng uy tín tồn tại nhưng vẫn chưa có nhiều giải tập trung rõ ràng vào cách khoa học và công nghệ có thể tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người”, bài viết trên The Independent nhận định.

VinFuture - nơi “trau đồi và nuôi dưỡng sự đổi mới”

Giải thích thêm về sức tác động của những giải thưởng như VinFuture, GS Richard Friend khẳng định VinFuture rõ ràng đã giải quyết hai vấn đề lớn là “trau dồi và nuôi dưỡng sự đổi mới”.

Điều ý nghĩa trước hết được ông chỉ ra là: “Thông qua việc nâng cao nhận thức về những đột phá trong khoa học và công nghệ, chúng ta có thể phá bỏ các rào cản, tạo sự chú ý cho những phát triển mới và truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai”.

Điều này có thể hiểu rằng, việc ghi nhận những thành tựu khoa học sẽ giúp thúc đẩy sự đa dạng trong cộng đồng khoa học, mở rộng cơ hội tiếp cận của nhiều đối tượng trong ngành.

GS Sir Richard Friend,  khoa hoc cong nghe anh 2

Giáo sư Vật lý Richard Friend.

Với VinFuture, ngoài giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD, điều khác biệt còn ở 3 giải đặc biệt (trị giá 500.000 USD/giải) dành cho nhà khoa học nữ, nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực mới.

Đó có lẽ là nguồn cảm hứng để GS Richard Friend nhắc tới việc cần khuyến khích các nhà khoa học từ nhiều nhóm hoặc quốc gia khác nhau. Theo ông, phụ nữ thực tế vẫn ít được vinh danh tại nhiều lễ trao giải danh giá trên thế giới, gồm cả lĩnh vực khoa học công nghệ. Vị giáo sư dẫn thống kê tại Anh, phụ nữ chỉ chiếm 20% lực lượng lao động trong các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học).

“Chúng ta không thể bỏ lỡ việc huy động các tài năng nữ trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu và các thách thức toàn cầu khác”, ông nhận định.

Tương tự, vị giáo sư nhắc tới tình trạng tiếng nói của nhà khoa học từ các nước đang phát triển thường “không được lắng nghe rộng rãi như những gì họ xứng đáng được có”. Khẳng định sự bất bình đẳng có thể rất nguy hiểm, ông lấy ví dụ về việc phân bổ vaccine không đồng đều cho thấy sự chênh lệch giữa quốc gia giàu và nghèo, có thể đe dọa an ninh toàn cầu ra sao.

Nói về tương lai, ông cho rằng tuy con người đã có những tiến bộ vượt bậc nhưng những đổi mới có thể giải quyết các thách thức toàn cầu vẫn chưa được chú trọng. “Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để tiếp thêm sinh lực, động lực và truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo của các nhà khoa học và kỹ sư - những người sẽ tạo ra những đổi mới này”, giáo sư nhấn mạnh.

GS Sir Richard Friend,  khoa hoc cong nghe anh 3

VinFuture ra mắt ngày 20/12/2020. Đây là một trong các giải thưởng khoa học công nghệ thường niên có giá trị lớn nhất thế giới. Người sáng lập giải thưởng VinFuture là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và phu nhân - bà Phạm Thu Hương. Trong năm đầu tiên, VinFuture tiếp nhận gần 600 dự án từ hơn 60 quốc gia và 6 châu lục. Theo công bố mới nhất, VinFuture hoàn tất thẩm định và thống nhất tôn vinh 4 công trình khoa học kiệt xuất. Chủ nhân 4 giải thưởng VinFuture lần thứ nhất sẽ được công bố tại lễ trao giải diễn ra vào ngày 20/1/2022 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.

GS Richard Friend hiện đang là Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture. Ông là một trong các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới với hơn 20 bằng sáng chế, 164.623 trích dẫn khoa học trong các công bố khoa học uy tín trên thế giới, là tác giả/đồng tác giả của hơn 1.000 ấn phẩm khoa học.

Thái Trà

Bình luận

Bạn có thể quan tâm