Lễ trao giải VinFuture lần I là sự kiện quốc tế tôn vinh những công trình khoa học kiệt xuất, thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo, phụng sự nhân loại năm 2021. Sự kiện được tổ chức vào tối 20/1/2022 với sự tham gia của các nhà khoa học hàng đầu thế giới, các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo những tập đoàn công nghệ và chủ nhân của giải thưởng.
4 hạng mục trao giải gồm giải thưởng chính - VinFuture Grand Prize, cùng 3 giải đặc biệt dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ những nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu những lĩnh vực mới.
Các thành viên thuộc Hội đồng Giải thưởng VinFuture. |
Bên cạnh lễ trao giải, VinFuture cũng tổ chức Tuần lễ khoa học - công nghệ dành cho cộng đồng nghiên cứu khoa học, lãnh đạo các doanh nghiệp và startup trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp. Thông qua chuỗi hoạt động, BTC kỳ vọng kết nối trí tuệ của giới khoa học công nghệ Việt Nam với thế giới, giới hàn lâm với doanh nhân khởi nghiệp, góp phần đưa khoa học công nghệ đi vào cuộc sống một cách thiết thực và hiệu quả.
Chia sẻ về chuỗi sự kiện sắp tới, giáo sư Sir Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, chủ nhân giải thưởng Công nghệ Thiên niên kỷ - Millennium Prize năm 2010, cho biết: "Khoa học công nghệ cần mang đến lợi ích cho tất cả dân tộc và quốc gia. Giải thưởng VinFuture vinh danh những người có thành tựu khoa học - kỹ thuật đột phá, tạo tác động tích cực đến cuộc sống của hàng triệu người trên hành tinh".
VinFuture được sáng lập bởi ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và phu nhân - bà Phạm Thu Hương, với tầm nhìn tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên Trái đất.
Ngay trong năm đầu tiên phát động, Hội đồng giám khảo đã nhận được 599 dự án chất lượng từ hơn 60 quốc gia tại 6 châu lục. Trong đó, gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong top 2% được trích dẫn nhiều nhất thế giới. Nhiều người trong số này từng nhận các giải thưởng cao quý như Nobel, Breakthrough, Tang, Japan Prize,… Các dự án đã trải qua nhiều vòng xét duyệt bởi 12 thành viên của Hội đồng sơ khảo và 11 thành viên của Hội đồng giải thưởng.
Hội đồng giải thưởng họp phiên toàn thể lần I, thống nhất các đề cử sẽ được tìm kiếm từ mọi quốc gia trên toàn cầu. |
Với số lượng, chất lượng dự án vượt trội cùng sự thẩm định nghiêm túc của các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng trong giới học thuật, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trên toàn cầu, giải thưởng VinFuture 2021 được kỳ vọng mang tới những phát minh, sáng chế có khả năng ứng dụng và hiệu quả rõ rệt.
Đặc biệt, sự hiện diện của những bộ óc kiệt xuất trong giới khoa học - công nghệ toàn cầu tại lễ trao giải và tuần lễ VinFuture lần I hứa hẹn góp phần định vị Việt Nam là điểm đến mới tiềm năng của khoa học - công nghệ thế giới. Sự kiện đồng thời mở ra cơ hội kết nối đa chiều giữa những nhà khoa học và giới doanh nhân, thúc đẩy quá trình thương mại hóa, đưa các ý tưởng nghiên cứu ứng dụng nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đêm công bố và lễ trao giải, chuỗi sự kiện giải thưởng VinFuture lần I, diễn ra từ 18/1/2022 đến 21/1/2022, còn bao gồm các hoạt động học thuật: Giao lưu cùng Hội đồng giải thưởng, tọa đàm khoa học và cuộc sống, giao lưu và đối thoại khoa học cùng chủ nhân giải thưởng.
Quỹ VinFuture, ra mắt vào 20/12/2020 nhân ngày Quốc tế Đoàn kết Nhân loại, là một quỹ hoạt động độc lập, phi lợi nhuận tại Việt Nam. Quỹ được thành lập với tầm nhìn tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người thông qua tôn vinh những đổi mới công nghệ có tầm vóc toàn cầu.
Hoạt động cốt lõi của quỹ là trao giải thưởng VinFuture hàng năm cho các phát minh khoa học công nghệ đột phá, đã, đang hoặc có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa. Ngoài ra, quỹ dự kiến tiến hành nhiều hoạt động như tài trợ nghiên cứu, hợp tác phát triển học thuật, thúc đẩy giáo dục STEMM,... để hiện thực hóa sứ mệnh.
Hàng năm, quỹ sẽ trao 4 giải thưởng. Giải thưởng chính - VinFuture Grand Prize trị giá 3 triệu USD là một trong những giải thưởng thường niên có giá trị lớn nhất thế giới. VinFuture cũng trao 3 giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ những nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu những lĩnh vực mới.