Thời gian gần đây trên mạng xã hội nổi sóng với hai hiện tượng, đó là ông Lê Anh Tú bộ hành xuyên Việt với danh xưng “pháp danh Minh Tuệ” và những nội dung tự suy luận tương quan nhân - quả được cho là của Thượng tọa Thích Chân Quang (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi ngắn với Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN, về quan điểm của Giáo hội trước các hiện tượng trên.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN. |
- Thưa Thượng tọa, Giáo hội vừa phát hành thông báo liên quan tới hiện tượng một công dân Việt Nam Lê Anh Tú (sinh năm 1981 tại Hà Tĩnh, ngụ tại tỉnh Gia Lai) bộ hành xuyên Việt, cho biết là thực hành một trong những pháp môn của đạo Phật là khổ hạnh (hạnh đầu-đà), Thượng tọa có thể chia sẻ thêm về mục đích chính của thông báo trên?
- Thượng tọa Thích Đức Thiện: GHPGVN luôn luôn hướng dẫn, cổ vũ, khuyến tấn và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Tăng Ni, Phật tử và mọi người trong xã hội bày tỏ niềm tin, thực hành giáo pháp, kính ngưỡng, phụng hành lời dạy của Đức Phật, tu tập các pháp môn của đạo Phật theo đúng Chính pháp, giới luật Phật chế, cũng như phải tuân thủ theo pháp luật Nhà nước.
Giáo hội tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; cũng như quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo của tất cả người dân. Đồng thời, Giáo hội có trách nhiệm xử lý các tổ chức, cá nhân có những phát ngôn, thông tin truyền thông có nội dung xuyên tạc, thiếu chính xác, thiếu khách quan liên quan đến Phật giáo và GHPGVN.
Tu tập theo hạnh đầu-đà là một trong số các pháp môn mà người tu học Phật pháp thực hành. Hiện nay có những Tăng Ni GHPGVN đang thực hành hạnh đầu-đà, tu khổ hạnh tại các chùa, cơ sở tự viện theo đúng Chánh pháp và các quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp bộ hành của ông Lê Anh Tú đã bị các Tiktokers, Youtubers lợi dụng đẩy hình ảnh câu views và đưa ra nhiều bình luận xúc phạm tới đạo Phật và GHPGVN. Đây đang là vấn nạn câu views lợi dụng hình ảnh Phật giáo rất cần chấn chỉnh hiện nay. Do đó, Giáo hội có thông báo để tránh biến tướng đồng hóa với Phật giáo, như một vài trường hợp đáng tiếc: “5 chú tiểu”, các “nhà sư” ở Long An tham gia các trò chơi giải trí "Thách thức danh hài", ca hát… nổi sóng dư luận trong thời gian dài.
- Hiện mạng xã hội còn có một hiện tượng, đó là những trích dẫn liên quan tới các phát ngôn được cho là xuất phát từ Thượng tọa Thích Chân Quang và một hai cá nhân khác. Thượng tọa có thể cho biết hiện Thượng tọa Thích Chân Quang có tham gia vào hệ thống tổ chức của GHPGVN hay không và nhận định của Giáo hội về hiện tượng này như thế nào?
- Thượng tọa Thích Đức Thiện: Về những phát ngôn của Thượng tọa Chân Quang trong một số clips mà dư luận phản ánh, việc này Giáo hội đã giao Ban Hoằng pháp T.Ư và Văn phòng II Trung ương Giáo hội tổ chức buổi làm việc vào ngày 19-4-2024 tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM) để kiểm điểm, chấn chỉnh các nội dung dẫn dụ theo luật nhân quả trong giáo lý Phật giáo làm hoang mang xã hội, không đúng với tôn chỉ.
Chúng tôi xác nhận Thượng tọa Thích Chân Quang chỉ là trụ trì ngôi chùa Phật Quang thuộc quản lý của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thượng tọa Chân Quang không còn tham gia các ban ngành của Trung ương Giáo hội cũng như Ban Trị sự địa phương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Giáo hội cũng đang tập hợp thông tin, sẽ xử lý theo quy định Tăng sự khi có đủ cơ sở. Văn phòng Trung ương Giáo hội sẵn sàng tiếp nhận các phản ánh bằng văn bản chính thức liên quan vấn đề trên.
Tới đây Giáo hội tiếp tục làm việc và chấn chỉnh việc thuyết giảng của Tăng Ni, nhất là trên không gian mạng xã hội.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.