Giáo hoàng Francis nói với các phóng viên trong chuyến bay tới Congo. Ảnh: Reuters. |
Ngay sau khi hạ cánh xuống Kinshasa ở Congo, Giáo hoàng Francis đã có một bài phát biểu lên án gay gắt việc bóc lột trong nhiều thế kỷ - không chỉ ở đất nước này mà còn cả lục địa châu Phi, theo BBC.
Trong buổi nói chuyện với các chức sắc tại dinh tổng thống, giáo hoàng lên án "những hình thức bóc lột khủng khiếp" ở Congo, nơi nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ đã châm ngòi cho chiến tranh, di cư và nạn đói, Reuters đưa tin.
"Hãy ngừng can thiệp vào Cộng hòa Dân chủ Congo. Hãy ngừng can thiệp vào châu Phi. Hãy ngừng bóp nghẹt châu Phi: Đó không phải là một khu mỏ để tước đoạt hay một vùng đất để bị cướp bóc", Giáo hoàng Francis nói.
Congo có một số mỏ kim cương, vàng, đồng, coban,... phong phú nhất thế giới. Tuy nhiên, chúng cũng gây ra xung đột giữa dân quân, quân đội chính phủ và lực lượng nước ngoài.
Khai thác mỏ cũng đang làm suy thoái môi trường và dẫn đến tình trạng bóc lột người lao động một cách vô nhân đạo, bao gồm cả trẻ em.
“Thật là một bi kịch khi những vùng đất này, và nói chung là toàn bộ lục địa châu Phi, tiếp tục phải chịu đựng nhiều hình thức bóc lột khác nhau”, vị giáo hoàng nói.
“Chất độc của lòng tham đã làm vấy bẩn những viên kim cương của nó bằng máu”, ông nói thêm, đặc biệt đề cập đến Congo.
Theo Liên Hợp Quốc, ước tính có khoảng 5,7 triệu người phải di tản trong nước ở Congo và 26 triệu người phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng, phần lớn là do tác động của xung đột vũ trang.
Bên cạnh đó, Giáo hoàng Francis đã chỉ trích các nước giàu vì làm ngơ trước những thảm kịch đang diễn ra ở Congo và những nơi khác ở châu Phi.
Ở Congo, thông điệp quan trọng nhất của ông là để người dân tự coi mình là "quý giá hơn bất kỳ kho báu nào" được tìm thấy ở đây và để các nhà lãnh đạo chính trị hành động vì lợi ích của họ.
Sách hay về bức tranh năng lượng thế giới
Để cung cấp cho độc giả những góc nhìn hay về tình hình năng lượng thế giới trong quá khứ, hiện tại và tương lai, Zing giới thiệu một số cuốn sách về chủ đề này, bao gồm: “Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực”, “Tham nhũng dầu mỏ - Thế lực nhiễu loạn thế giới” và “Năng lượng: Lịch sử nhân loại từ than củi tới hạt nhân”.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.