Giáo hoàng Francis rời Vatican vào trưa 15/3, không thông báo lịch trình từ trước. Người đứng đầu Giáo hội Công giáo đã đến dự buổi lễ tại Thánh đường Santa Maria, cầu nguyện đại dịch chấm dứt.
Ông sau đó đi dọc theo một trong những tuyến đường chính của thủ đô Rome, Italy, từ Thánh đường Santa Maria đến thăm Nhà thờ St. Marcello.
Tại đây, giáo hoàng đã cầu nguyện trước thánh giá từng được dùng trong một thánh lễ năm 1522 khi dịch bệnh bùng phát ở Rome, theo Reuters.
Giáo hoàng đi trên tuyến đường Via del Corso của Rome, nơi bình thường vốn tấp nập với nhiều cửa hiệu nhưng nay đã chỉ có người đi lại thưa thớt vì lệnh phong tỏa. Ảnh: AFP. |
Giáo hoàng Fracis cũng dành lời cầu nguyện cho người bệnh, gia đình họ, nhân viên y tế, cùng với người lao động đang nỗ lực để các hiệu thuốc và cửa hàng thực phẩm khắp Italy duy trì hoạt động, theo thông báo của Vatican.
Trong hình ảnh được công bố, Giáo hoàng Francis đi trên tuyến đường Via del Corso vắng người vì lệnh phong tỏa toàn quốc. Tháp tùng ông chỉ có nhóm vệ sĩ nhỏ. Mọi người đều đi bộ.
Trước đó, Giáo hội Công giáo Roma thông báo các thánh lễ Phục sinh và Tuần Thánh của Giáo hoàng Francis trong tháng 4 sẽ được tổ chức kín. Động thái được đánh giá là chưa từng có tiền lệ ở Vatican trong lịch sử hiện đại.
Theo nhiều nguồn thạo tin, phía Vatican dự tính tổ chức các sự kiện trong một số địa điểm như Thánh đường St. Peter hoặc Điện thờ Sistine. Chỉ có một nhóm đại diện tham dự các thánh lễ.
Giáo hoàng Francis cầu nguyện trước cây thánh giá lịch sử tại Nhà thờ St. Marcello. Ảnh: AFP. |
Các hoạt động trong Tuần Thánh sẽ bắt đầu từ ngày Chúa Nhật Lễ lá, nhằm ngày chủ nhật 5/4. Lễ diễn ra đúng một tuần trước lễ Phục sinh, năm nay rơi vào ngày 12/4. Đây là ngày lễ quan trọng nhất đối với 1,3 tỷ tín đồ Công giáo trên toàn thế giới.
Giáo hoàng Francis, Vatican và nhà thờ Công giáo tại Italy thời gian qua phải điều chỉnh nhiều truyền thống hàng trăm năm tuổi vì tình hình dịch virus corona tại Italy.
Tính đến ngày 15/3, số ca tử vong ở nước này đã lên đến 1.809 trường hợp với tổng số bệnh nhân dương tính là 24.747 người. Ở Italy và nhiều nước khác, các thánh lễ buộc phải hủy tổ chức tại nhà thờ để hạn chế tụ tập đông người và ngăn nguy cơ lây nhiễm.