Việc chính quyền Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, tuyên bố ủng hộ tạm thời đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 được xem là bước tiến dài của những người ủng hộ sáng kiến này, và là động lực cho quá trình đàm phán về vấn đề này giữa các nước trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Thế nhưng, Liên minh châu Âu (EU) hồi tuần trước vừa đề trình lên WTO một kế hoạch mà họ tin rằng sẽ mở rộng việc sản xuất vaccine hiệu quả hơn việc ngưng bảo hộ bản quyền.
Quyết định của chính phủ Mỹ cũng được coi là động thái làm đảo lộn cán cân lực lượng giữa phe phản đối và ủng hộ từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với sản phẩm y tế quan trọng bậc nhất này. Tuy nhiên, với thái độ mới nhất của EU, số phận của đề xuất này vẫn chưa rõ ràng trước phiên họp của các bộ trưởng thành viên WTO vào tháng 11 này.
Sau bản quyền còn là công nghệ
Clete Willems, cựu quan chức thương mại dưới thời các Tổng thống Barack Obama và Donald Trump, nói rằng dở bỏ bản quyền vaccine là một giải pháp không khả thi, và cũng không cần thiết.
“Nhiều quốc gia đã được cấp phép công nghệ và tự sản xuất vaccine. Do đó, tiếp cận công nghệ không phải là vấn đề. Vấn đề nằm ở cơ sở hạ tầng để sản xuất chúng", ông nói với Zing.
"Cuộc đàm phán tại WTO chỉ nhằm tiến tới xóa bỏ điều khoản buộc các quốc gia bảo vệ sở hữu trí tuệ vaccine. Nó không buộc công ty nào phải chia sẻ công nghệ của mình”, ông bày tỏ ý kiến.
Clete Willems, cựu quan chức thương mại dưới thời các Tổng thống Barack Obama và Donald Trump. Ảnh: Atlantic Council. |
“Trong trường hợp tốt nhất, các cơ sở chưa có công nghệ chỉ có thể bắt tay vào sản xuất sau năm nay. Đây là công nghệ mới, khó ai có thể sản xuất mà chưa có kinh nghiệm”, ông khẳng định. “Đến lúc đó, có thể chúng ta đã có đủ vaccine để tiêm cho toàn thế giới”.
Chuyên gia này cho rằng Mỹ cần đẩy mạnh xuất khẩu vaccine, và nước này có khả năng sản xuất đến 10 tỷ liều vaccine cho thế giới, tính đến cuối năm nay.
Ngược lại, ông Sudarshan Jain, Tổng thư ký Liên minh Dược phẩm Ấn Độ (IPA), cho rằng 10 tỷ liều vaccine là không đủ cho thế giới.
“Mỹ không thể sản xuất đủ vaccine cho toàn thế giới. Chúng ta cần tối ưu hóa sản lượng”, ông nói với Zing.
Chuyên gia Ấn Độ này đồng tình rằng việc dỡ bỏ bảo hộ bản quyền là không đủ, các công ty cần cả chuyển giao công nghệ, và có đủ nguyên liệu để làm vaccine. Tuy nhiên, theo ông, nếu WTO dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine, các công ty sẽ có động lực để tự nguyện chuyển giao công nghệ.
Ông Clete Willems, cựu quan chức thương mại dưới thời các Tổng thống Barack Obama và Donald Trump, cho rằng quyền sở hữu trí tuệ không ngăn cản sản xuất vaccine. Ảnh: Japan Times. |
“Chúng ta cần đàm phán với từng công ty để đẩy mạnh sản xuất vaccine trên toàn thế giới”, ông nói.
Một số công ty dược phẩm phương Tây đã chuyển giao công nghệ từ trước đó. AstraZeneca hợp tác với Viện Huyết thanh Ấn Độ, trong khi hãng dược phẩm Dr Reddy’s của Ấn Độ đã sản xuất vaccine Sputnik V của Nga. Thay vì dỡ bỏ bảo hộ bản quyền một cách bắt buộc, việc tự nguyện chuyển giao công nghệ như thế này đang đem lại hiệu quả.
Ông Sudarshan Jain. Ảnh: Economist Times. |
Ngày 10/4, quan chức y tế Trung Quốc khẳng định nước này có thể sản xuất đến 3 tỷ liều trong năm 2021. Giới chức y tế Ấn Độ cũng tính toán rằng nước này có thể sản xuất hơn hai tỷ liều vaccine từ tháng 8 đến tháng 12.
Navya Dasari, thành viên tổ chức Liên minh Sinh viên cho các loại thuốc thiết yếu (UAEM), cũng cho rằng động thái ủng hộ của Mỹ đối với đề xuất khuyến khích các công ty dược phẩm lớn như Moderna và Pfizer tự nguyện chia sẻ tri thức về vaccine và đẩy mạnh sản xuất.
Tuy vậy, điều này phụ thuộc vào áp lực của cộng đồng quốc tế và các tổ chức xã hội dân sự khi đàm phán diễn ra. Một số quốc gia, dưới tác động của các công ty dược phẩm lớn, sẽ cố gắng làm suy yếu thỏa thuận xuống dưới mức có hiệu quả thực tế, bà nhận định.
Các nước bắt đầu chia sẻ vaccine
Ông Willems cho rằng việc Mỹ ủng hộ việc dỡ bỏ sở hữu trí tuệ là một động thái ngoại giao nhiều hơn.
“Chính quyền của Tổng thống Joe Biden muốn chứng tỏ họ sẵn sàng hợp tác trong các tổ chức quốc tế hơn chính quyền tiền nhiệm", ông phân tích.
"Mỹ cũng muốn đưa ra tín hiệu rằng họ đang làm điều tốt cho thế giới, trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh 'ngoại giao vaccine'. Ngoài ra, Tổng thống Biden cũng chịu áp lực từ nhiều quốc gia khác, cũng như từ một số thành viên đảng Dân chủ”, ông Willems nhận xét.
Ngày 30/4, đa số thành viên đảng Dân chủ trong Hạ viện đã ký tên vào bức thư kêu gọi Tổng thống Biden tạm thời dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine để giúp các nước đang phát triển sản xuất được nhiều vaccine hơn.
Trong khi đó, chính quyền Mỹ nhiều lần tuyên bố rằng nước này không sử dụng vaccine để làm ngoại giao, hay tạo ra công cụ ràng buộc các nước.
Mỹ cam kết đến cuối tháng 6, nước này sẽ chia sẻ khoảng 80 triệu liều vaccine với thế giới. Tuần trước, Washington đã công bố đợt chia sẻ đầu tiên với 25 triệu liều, trong đó 75% được phân phối thông qua cơ chế COVAX.
"Quốc gia của chúng tôi sẽ trở thành kho dự trữ vaccine cho phần còn lại của thế giới", Tổng thống Joe Biden từng tuyên bố vào ngày 17/5.
So sánh Mỹ với Nga và Trung Quốc, ông Biden khẳng định: “Chúng tôi sẽ không lợi dụng vaccine để tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước khác”.
EU cũng đặt ra mục tiêu viện trợ thêm ít nhất 100 triệu liều cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trước khi kết thúc năm 2021.
Sản lượng vaccine của một số quốc gia trong năm 2021 có thể lên tới trên một tỷ liều. Ảnh: Los Angeles Times. |
Về lâu dài, bà Navya Dasari cho rằng việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ sẽ không gây thiệt hại cho các công ty dược phẩm hay làm giảm động cơ đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp này.
"Nhờ vào các hợp đồng béo bở và nguồn lực tài chính công cho việc nghiên cứu, các công ty dược phẩm lớn đang thu được nhiều lợi nhuận từ đại dịch. Họ vẫn sẽ hưởng lợi trong trường hợp các nước đang phát triển có thể tự sản xuất vaccine", bà nói.
Khảo sát gần đây của Data for Progress cho thấy 60% người Mỹ được hỏi ủng hộ dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với tất cả các loại thuốc được dùng để cứu mạng sống con người.
Việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine, chuyển giao công nghệ và gia tăng sản xuất ở các nước đang phát triển sẽ giúp thúc đẩy bình đẳng về y tế trên quy mô toàn cầu, cũng như tạo tiền lệ cho hợp tác quốc tế trong tương lai.
“Quyền sở hữu trí tuệ là điều căn bản trong ngành công nghiệp y tế. Nếu không có nó, các công ty sẽ không đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và tạo ra sản phẩm mới. Chúng ta cần công nhận và đánh giá cao điều này. Tuy vậy, quyền sở hữu trí tuệ cần phải cân bằng với khả năng tiếp cận vaccine. Các công ty cần có lợi nhuận. Nhưng họ cũng cần chia sẻ với người dân, thay vì chỉ hướng đến lợi nhuận”, ông Sudarshan Jain khẳng định.