Bộ Y tế Nhật Bản thừa nhận vaccine của AstraZeneca có hiệu quả 70,42% trong các thử nghiệm lâm sàng và bày tỏ hy vọng rằng nó sẽ hạn chế sự lây lan của coronavirus, nhưng lại chưa cho phép sử dụng nó trong tiêm chủng toàn dân, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.
Các thông điệp chồng chéo của Tokyo đã nhận nhiều chỉ trích, trong bối cảnh nước này đang tụt hậu so với các quốc gia như Mỹ trong việc tiêm chủng.
Nhật Bản đã ghi nhận khoảng 695.000 ca nhiễm virus corona chủng mới và 12.000 ca tử vong. Nước này đang đối diện làn sóng lây nhiễm mới trong bối cảnh Olympic Tokyo đến gần. Nhiều tỉnh của Nhật Bản vẫn đang ở trong tình trạng khẩn cấp để hạn chế sự lây lan.
Tokyo có hợp đồng với ba nhà cung cấp, theo đó nước này sẽ có 120 triệu liều AstraZeneca, 50 triệu liều Moderna (hoàn tất cung cấp vào cuối tháng 9) và đang thương thảo thêm 50 triệu liều, cùng với 194 liều Pfizer tính đến cuối năm nay. Với con số này, Nhật Bản sẽ dư vaccine để tiêm chủng cho toàn bộ dân số 126 triệu người, theo Japan Times.
Ngày 21/5, nước này đã cho phép sử dụng vaccine Moderna cho người từ 18 tuổi trở lên, nhưng AstraZeneca vẫn chưa được phê duyệt cho công chúng. Chương trình tiêm chủng của chính phủ Nhật đang sử dụng vaccine Pfizer, trong khi vaccine Moderna sẽ được triển khai từ tuần sau tại Tokyo và Osaka.
Nhiều lo ngại khi sử dụng vaccine
Rào cản lớn nhất đối với các liều vaccine mới có sẵn ở Nhật Bản là quá trình sàng lọc, nhằm đánh giá hiệu quả và độ an toàn dựa trên dữ liệu thử nghiệm lâm sàng.
Giống như các loại vaccine covid-19 khác, những liều AstraZeneca được xếp là biện pháp khẩn cấp trong ứng phó đại dịch tại Nhật Bản, chỉ được sử dụng khi Bộ Y tế cho phép chính quyền các thành phố.
Hành động cấp phép yêu cầu một quy trình phê duyệt riêng biệt, bao gồm một tiểu ban về vaccine của Bộ Y tế họp để thảo luận về việc sử dụng vaccine AstraZeneca ở Nhật Bản trong bối cảnh rộng hơn dựa trên các yếu tố: hiệu quả; các lựa chọn thay thế từ Pfizer và Moderna; tiến trình tiêm chủng của Nhật Bản và các tác dụng phụ tiềm ẩn.
Vaccine covid-19 của Pfizer được vận chuyển tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 16/2. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, con đường triển khai vaccine trên giới thực tế vẫn còn nhiều chông gai, do lo ngại về các tác dụng phụ tiềm ẩn của vaccine ngày càng lớn. Đã có báo cáo về việc một ít người được tiêm vaccine AstraZeneca xuất hiện các cục máu đông, trong đó có một số trường hợp tử vong. Tình trạng này thường xảy ra ở các nhóm tuổi trẻ hơn.
Vương quốc Anh đã báo cáo 79 trường hợp tiêm vaccine AstraZeneca gặp phản ứng phụ này vào cuối tháng 3, trên 20,2 triệu liều được sử dụng. Kết quả là 19 người chết, trong đó 11 người dưới 50 tuổi.
Điều này đã khiến một số quốc gia hạn chế tiêm vaccine cho những người lớn tuổi - một hướng đi có vẻ không khả thi đối với Nhật Bản.
Kế hoạch còn bỏ ngỏ
Nhật Bản đã tiêm vaccine Pfizer cho người lớn tuổi và sẽ bắt đầu cung cấp vaccine Moderna tại các điểm tiêm chủng đại trà vào ngày 24/5. Nước này đã đảm bảo đủ liều cho hơn 122 triệu người, trong đó hơn 110 triệu người từ 16 tuổi trở lên được phép tiêm vaccine.
Điểm tiêm chủng cho người từ 65 tuổi trở lên ở Otsu, tỉnh Shiga Nhật Bản ngày 12/4. Ảnh: Kyodo. |
Do Nhật Bản đã có đủ nguồn cung cho chiến dịch tiêm chủng cho người cao tuổi, với mục tiêu hoàn thành vào cuối tháng 7, việc sử dụng vaccine AstraZeneca cho nhóm tuổi này ở Nhật Bản khó có thể xảy ra.
Ngày 21/5, tiểu ban vaccine tiếp tục thảo luận về việc nên làm gì với vaccine AstraZeneca. Hiện vẫn chưa rõ thời điểm đưa ra quyết định cho vấn đề này, Bộ Y tế Nhật Bản cho biết.
Với tình trạng nhiều người đang chờ tiêm, một chuyên gia lập luận rằng chính phủ không nên bỏ qua loại vaccine nào.
Nếu không, công chúng Nhật Bản, ngoại trừ người già, sẽ không được tiêm bất kỳ loại vaccine nào cho đến mùa thu. “Chúng ta thậm chí có thể không đạt được điều đó vào cuối năm", giáo sư kinh tế Wataru Suzuki của Đại học Gakushuin viết trong bài bình luận cho Nikkei.
"Chắc chắn những người muốn được bảo vệ khỏi virus càng sớm càng tốt có nhu cầu được tiêm vaccine, tương tự với những người muốn có hộ chiếu vaccine để có thể đi công tác nước ngoài, và Bộ Y tế đang đi quá xa bằng cách loại bỏ các lựa chọn", ông lập luận.
120 triệu liều sẽ đi đâu?
Chính phủ Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận mua 120 triệu liều vaccine AstraZeneca, tất cả được sản xuất tại Nhật Bản, bằng cách sử dụng các dung dịch không pha loãng từ Mỹ. Trong số này, 30 triệu sẽ được sản xuất bởi Daiichi Sankyo và KM Biologics, 90 triệu liều được sản xuất bởi JCR Pharmaceuticals. Tuy nhiên, chưa rõ bao nhiêu vaccine trong số này đã được sản xuất, theo Nikkei Asia.
Việc nhập khẩu và sản xuất bắt đầu vào mùa xuân này. Daiichi Sankyo và KM đều đang chuẩn bị vận chuyển vaccine khi được chính phủ phê duyệt. Nhà sản xuất thuốc tầm trung đã bắt đầu sản xuất bằng thiết bị và công nghệ từ AstraZeneca. JCR đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy mới.
Mỹ và Nhật Bản sẽ phải tìm cách xử lý 120 triệu liều vaccine coronavirus được phát triển bởi Đại học Oxford và AstraZeneca khi chưa có kế hoạch sử dụng chúng. Ảnh: Reuters. |
AstraZeneca cho biết vaccine đã hoàn thành của họ có thể được bảo quản trong tủ lạnh ít nhất nửa năm ở nhiệt độ 2-8 độ C. Thời điểm này vẫn chưa chắc chắn có bao nhiêu vaccine đã sẵn sàng được sản xuất.
Nếu không có quyết định về nơi sử dụng vaccine trong sáu tháng tới, kho dự trữ có thể hết hạn.
Mỹ vẫn chưa bắt đầu triển khai với vaccine AstraZeneca. Tuy nhiên, quốc gia này đã đồng ý mua 300 triệu liều và đã có những lô hàng sẵn sàng để cung cấp. Hiện tại, Mỹ có kế hoạch vận chuyển vaccine chưa sử dụng đến nơi khác.