Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giàn khoan tự nâng đầu tiên của Việt Nam

Cuối tháng 3, tại TP Vũng Tàu, giàn khoan tự nâng 90 m nước – giàn Tam Đảo 03 đã được Công ty PV Shipyard bàn giao cho Liên doanh Việt – Nga.

 

Giàn khoan tự nâng đầu tiên của Việt Nam

Cuối tháng 3, tại TP Vũng Tàu, giàn khoan tự nâng 90 m nước – giàn Tam Đảo 03 đã được Công ty PV Shipyard bàn giao cho Liên doanh Việt – Nga.

>> Phát hiện dầu khí ngoài khơi Hải Phòng

Đây là kết quả sau 24 tháng nỗ lực thi công, vượt 2 tháng so với kế hoạch cam kết và không phát sinh chi phí so với hợp đồng.

Đến dự lễ bàn giao và cắt băng khánh thành giàn khoan tự nâng 90 m nước có đồng chí Hồ Thị Kim Thoa – Thứ trưởng Bộ Công Thương; đồng chí Trần Minh Sanh – Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành trung ương và địa phương.

Về phía lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) có đồng chí Phùng Đình Thực, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên, đồng chí Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc cùng các đồng chí lãnh đạo trong Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn và lãnh đạo các đơn vị thành viên Tập đoàn.

Giàn khoan tự nâng 90 m nước là công trình cơ khí trọng điểm quốc gia, là giàn khoan tự nâng đầu tiên được chế tạo hoàn toàn tại Việt Nam do PVN làm chủ đầu tư và PV Shipyard làm tổng thầu chế tạo. Sự kiện này đã chính thức đưa Việt Nam trở thành một trong số rất ít các nước trên thế giới có thể chế tạo được giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đông đảo các đồng chí lãnh đạo cơ quan ban, ngành trung ương, địa phương và PVN đến chứng kiến lễ bàn giao giàn khoan Tam Đảo 03.

Đây là dự án có khối lượng chế tạo cơ khí chính xác lớn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật và công nghệ cao với khối lượng thi công khoảng 9.685 tấn kết cấu, 950 tấn đường ống công nghệ, 1.748 tấn thiết bị bao gồm các hạng mục như điện, điện tự động, kiến trúc nội thất. Giàn tự nâng có trọng lượng gần 12.000 tấn với chiều cao chân giàn là 145m, Giàn khoan có thể hoạt động ở các khu vực nước sâu đến 90m cùng hệ thống khoan có thể khoan sâu đến 6.100m dưới đáy biển.

Công trình đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam (VR) và Cơ quan đăng kiểm Hàng hải Hoa Kỳ – ABS cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế, khẳng định chất lượng của giàn khoan Tam Đảo 03 đạt tiêu chuẩn quốc tế và tương đương giàn khoan do các nước Mỹ, Singapore, Hàn Quốc chế tạo.

Nhớ lại năm 2007, khi có chủ trương thành lập Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí nhằm mục đích thiết kế, chế tạo đóng mới, sửa chữa các loại giàn khoan, phương tiện nổi dầu khí, hầu hết các chuyên gia am hiểu về lĩnh vực cơ khí chế tạo giàn khoan dầu khí biển đều thận trọng cho rằng Việt Nam chưa thể chế tạo được giàn khoan tự nâng. Những băn khoăn đó hoàn toàn có cơ sở, bởi vì đây là sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, phức tạp với các tiêu chuẩn khắt khe, phải chịu được các điều kiện khắc nghiệt như sóng, gió, dòng chảy, ăn mòn, động đất… mà không nhiều quốc gia trên thế giới có thể thực hiện được (chỉ khoảng 02 quốc gia có thể thiết kế cơ sở và 10 quốc gia có thể thiết kế chi tiết, thi công).

Trong khi đó, Việt Nam còn thiếu nhiều điều kiện và kinh nghiệm để chế tạo được giàn khoan tự nâng và PV Shipyard thì khởi đầu từ con số không: không nhân lực, không cơ sở vật chất và không kinh nghiệm, kể cả trong việc thực hiện các dự án tương tự với quy mô nhỏ hơn.

Quang cảnh lễ bàn giao

Những khó khăn, thách thức hiển hiện khiến quyết định nhận nhiệm vụ chế tạo Giàn khoan tự nâng đầu tiên tại Việt Nam của tập thể CBCNV PV Shipyard thực sự là một quyết định mạo hiểm. PV Shipyard đã phải thận trọng trong từng quyết định, linh hoạt trong mọi tình huống để vừa chuẩn bị cơ sở vật chất, vừa nghiên cứu khoa học, vừa tổ chức sản xuất thi công.

Với sự quan tâm hỗ trợ to lớn về chủ trương và chính sách của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành và đặc biệt là của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sản phẩm đầu tay của ngành Dầu khí Việt Nam đã thành công rực rỡ, được quốc tế công nhận, là một minh chứng rõ nét nhất thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, là niềm tự hào của Trí tuệ Việt Nam, của bản lĩnh con người Dầu khí.

Toàn cảnh giàn khoan Tam Đảo 03 nay đã được PVN chuyển giao cho Vietsovpetro sử dụng.

Dự án đóng mới giàn khoan đã trở thành bước ngoặt lớn đưa ngành công nghiệp cơ khí chế tạo lên một tầm cao mới, mở ra cơ hội, tiền đề để mang các loại giàn khoan do Việt Nam chế tạo vươn ra cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới. Thành công của dự án đầu tiên đã giúp PV Shipyard có được sự tín nhiệm của các đơn vị trong và ngoài nước, từ đó tạo nên uy tín và kinh nghiệm cho PV Shipyard tham gia đấu thầu quốc tế, mang về cho Việt Nam cơ hội thực hiện những dự án lớn với khả năng tạo thêm việc làm và nguồn thu nhập cao cho hàng nghìn lao động.

Sau khi tổ chức bàn giao giàn khoan tự nâng đầu tiên, trong năm nay PV Shipyard sẽ tiếp tục đóng mới giàn khoan tự nâng thứ 2 cho Vietsovpetro với khả năng hoạt động ở các khu vực nước sâu đến 130m, cao hơn so với độ sâu 90m của giàn khoan tự nâng đầu tiên. Cùng lúc đó, 01 sà lan tiếp trợ khoan hoạt động ở độ sâu 250 m, chiều sâu khoan 10.000m cũng đã được Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) tin tưởng và giao cho PV Shipyard thực hiện.

Theo Petro Times

 

Theo Petro Times

Bạn có thể quan tâm