New York Times miêu tả trong khi 20.000 lá cờ Mỹ nhỏ đang vẫy trong gió bên ngoài Đài tưởng niệm Washington để tưởng niệm 200.000 người Mỹ tử vong vì Covid-19, hàng dài người đợi để tưởng niệm Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg. Bà qua đời cuối tuần qua, quan tài được đặt trang trọng bên ngoài Tòa án Tối cao tuần này, sau đó được đưa đến Điện Capitol.
Nhưng điều trớ trêu thay, trong lúc nước Mỹ thống nhất tưởng niệm cuộc đời của bà Ginsburg, họ cũng ngay lập tức lao vào cuộc chiến về người kế nhiệm bà. Cái chết của bà làm đảo lộn cuộc bầu cử Mỹ đang trong giai đoạn tranh đấu căng thẳng. Các thượng nghị sĩ Cộng hòa nhanh chóng tuyên bố sẽ chấp thuận thẩm phán mới mà Tổng thống Trump đề cử, khiến cử tri Dân chủ phẫn nộ.
Đồng thời, Tổng thống Trump lại lên Twitter để công kích gia đình McCain. Phe Cộng hòa công bố một báo cáo về hoạt động của Hunter Biden, con trai ông Joe Biden ở Ukraine.
Quan tài của bà Ruth Bader Ginsburg trước Tòa án Tối cao Mỹ ngày 23/9. Ảnh: New York Times. |
Một tuần buồn ở Washington
Như New York Times bình luận, Washington có thể khiến người ta chóng mặt với những tranh cãi và giọng điệu liên tục thay đổi.
Thủ đô nước Mỹ có thể chuyển từ mô phạm sang xúc phạm “chỉ trong vài giây”, các đả kích có thể hết sức cá nhân, cũng có thể chứa đầy toan tính chính trị.
Sự mâu thuẫn và đối lập có ở khắp nơi. Giữa lúc Nhà thờ Chính tòa Washington đánh 200 hồi chuông, mỗi hồi tượng trưng cho 1.000 bệnh nhân Covid-19 tử vong, thì Tổng thống Trump lại đăng ảnh buổi vận động đông người của mình ở Pennsylvania.
Còn có sự đối lập giữa người tưởng niệm và người biểu tình, giữa nghi thức hậu sự trọng thể và cãi cọ chính trị gay gắt, giữa thực tế kinh hoàng của dịch bệnh và sự bất trắc hoàn toàn về tương lai.
20.000 lá cờ Mỹ để tưởng niệm 200.000 người Mỹ tử vong vì đại dịch. Ảnh: New York Times. |
Việc Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg qua đời như một cú sốc làm Washington chìm trong tâm trạng thương tiếc, pha lẫn sự giận dữ. Bản thân Washington là thành phố đa phần ủng hộ đảng Dân chủ, và đối với Washington, đây là nỗi mất mát lớn. Người ra đi là một tượng đài từng đấu tranh bền bỉ cho quyền của phụ nữ.
Việc bà Ginsburg qua đời có thể khiến thế đa số ở Tòa án Tối cao nghiêng hẳn về phía bảo thủ (6 trên 9 thẩm phán) trong nhiều thập kỷ tới, nếu thẩm phán mới được chấp thuận. (Thẩm phán Tòa Tối cao được bổ nhiệm trọn đời).
Trước đó, năm 2020 đã là một năm với khó khăn chồng chất: mùa tranh cử đầy chia rẽ, một tổng thống ngày càng gây bất bình, một đại dịch chưa được kiểm soát, biểu tình vì cái chết của George Floyd, nguy cơ xảy ra tranh chấp và bạo loạn sau bầu cử.
Ngay cả những người từng “chinh chiến” lâu năm ở Washington cũng ngần ngại sự bất trắc chưa từng có này.
Tưởng chừng tình hình khó có thể tệ hơn, thì tối 18/9, trên khắp Washington có những tiếng thở dài “ôi không!”, khi điện thoại hiện lên bản tin Thẩm phán Ginsburg đã qua đời ở tuổi 87 do biến chứng ung thư tụy.
Một người đến Tòa án Tối cao để tưởng niệm Thẩm phán Ginsburg. Ảnh: New York Times. |
Dù khả năng bà Ginsburg qua đời đã được những người theo dõi chính trị nhắc đến từ lâu, nhưng ở thời điểm này vẫn “như một cơn ác mộng”, khi bầu cử chỉ còn dưới 40 ngày và Tổng thống Trump vẫn còn quyền hạn chọn thẩm phán mới, New York Times bình luận.
“Bạn có thể cảm thấy sự bối rối hiển hiện ở đây”, Jim Doherty, luật sư môi trường nói với New York Times khi đang đứng giữa một “biển” gồm nến, biển hiệu cờ, hoa và người tưởng niệm đã tập trung ở bậc thềm bên ngoài Tòa án Tối cao.
“Chúng tôi biết ngày này sẽ đến, nhưng vẫn rất khó chấp nhận”, Talya Bock, một nhà tư vấn tài chính cá nhân, nói với New York Times. “Nếu họ (đảng Cộng hòa) có chút lương tâm - tôi nghĩ là không - họ sẽ không làm chuyện này (chọn thẩm phán mới)”.
Trẻ em viết thông điệp lên vỉa hè, châm nến và diễu hành trong yên lặng xung quanh địa điểm tưởng niệm.
Rõ ràng, người dân Washington tới đây để tưởng nhớ bà Ginsburg, nhưng có thể họ đang thương tiếc một thứ gì đó vượt trên cả một nhân vật cụ thể.
Bà Ginsburg được coi là tượng đài đấu tranh cho quyền của phụ nữ ở Mỹ. Ảnh: New York Times. |
Trận chiến khổng lồ
Cái chết của bà Ginsburg đẩy nước Mỹ vào một trận chiến thẩm phán vừa mang tính chính trị vừa có chiều sâu về văn hóa. Liệu thế đa số 6-3 của phe bảo thủ ở Tòa án Tối cao có đảo ngược luật bảo vệ quyền phá thai của phụ nữ ở Mỹ? Liệu các đạo luật cấp tiến khác tồn tại nhiều thập niên nay có bị thay đổi?
Tất cả diễn ra giữa lúc Washington dường như đang quá tải, đang sắp “sập nguồn”, theo ví von của New York Times. Liệu một đất nước có thể đủ tâm trí để cùng lúc nhìn lại mình về nhiều vấn đề đến vậy? Từ phân biệt chủng tộc, công lý cho người da đen, tới y tế cộng đồng, thượng tôn pháp luật và Hiến pháp (ông Trump vẫn chưa cam kết sẽ rời chức vụ nếu thất cử), chưa kể đến quyền bỏ phiếu của người dân.
Các nguồn tin đến lúc này đều đang chỉ vì Amy Coney Barrett như lựa chọn của Tổng thống Trump cho vị trí thay thế bà Ginsburg, dù tổng thống có thể thay đổi lựa chọn vào phút chót. Ông Trump cũng được cho sẽ sớm công bố đề cử.
Có người phải xếp hàng nhiều giờ để tưởng niệm Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg. Ảnh: New York Times. |
Có lẽ điều duy nhất mà hai đảng có chung lúc này là sự mệt mỏi.
Thượng viện trở lại họp vào đầu tuần, và các thượng nghị sĩ nhanh chóng đi theo lập trường của ông Mitch McConnell, lãnh đạo Phe đa số Thượng viện, là sẽ chấp thuận thẩm phán mới. Đảng Dân chủ đồng loạt phản ứng một cách giận dữ.
Chỉ có hai thượng nghị sĩ Cộng hòa đã phản đối việc bỏ phiếu chấp thuận một cách vội vàng. Bà Lisa Murkowski, bang Alaska, nói không nên bỏ phiếu trước bầu cử, còn bà Susan Collins của bang Maine thì nói thẩm phán mới nên do người giành được Nhà Trắng vào tháng 11 tới đề cử.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa cuối cùng được phía Dân chủ kỳ vọng là ông Mitt Romney, người thường xuyên chỉ trích Tổng thống Trump. Nhưng cuối cùng vị thượng nghị sĩ bang Utah tuyên bố sẽ ủng hộ lập trường của ông McConnell.
Khi rời phòng họp, không nghị sĩ nào của đảng Cộng hòa giải thích nổi vì sao năm 2016, chính họ chặn Thẩm phán Merrick Garland, đề cử của Tổng thống Obama vào Tòa án Tối cao, với lý do còn 8 tháng nữa tới bầu cử, còn bây giờ lại quyết tâm có thẩm phán mới dù chỉ còn vài tuần.
Các thượng nghị sĩ Cộng hòa đều đi theo ông Mitch McConnell (đứng trước camera) trong vấn đề chấp thuận thẩm phán mới, trừ các đại diện của bang Alaska và Maine. Ảnh: New York Times. |
Từng người một, các thượng nghị sĩ Cộng hòa rảo bước qua khoảng 20 phóng viên đang đợi.
“Thượng nghị sĩ Lankford?”, các phóng viên gọi.
“Thượng nghị sĩ Cruz?”
“Thượng nghị sĩ Scott?”
“Thượng nghị sĩ Perdue?”
Không ai trả lời.
“Này, Thượng nghị sĩ Susan Collins kìa”, một phóng viên nói. Một người hỏi liệu bà có đang vui vẻ với công việc không.
Cuối cùng cũng có một câu trả lời. “Vui vẻ... chắc tôi không dám nói vậy đâu”, bà Collins nói.