Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giãn cách kéo dài, vì sao TP.HCM vẫn có hàng nghìn ca nhiễm mỗi ngày?

TP.HCM liên tục ghi nhận 4.000-6.000 ca nhiễm SARS-CoV-2 dù tăng cường giãn cách xã hội. Nguyên nhân là thành phố đang lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để bóc hết F0 khỏi cộng đồng.

TP.HCM đã trải qua hơn 3 tuần tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội (từ 23/8 đến 15/9) nhưng số ca nhiễm vẫn ở mức cao.

Lý giải điều này tại cuộc họp báo chiều 16/9, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thời gian qua, TP thực hiện chiến dịch thần tốc xét nghiệm. Nhiều vùng nguy cơ đã xét nghiệm tới 7-8 vòng; vùng xanh đã làm 3 vòng, có nơi 4 vòng xét nghiệm.

Do xét nghiệm tầm soát diện rộng nên số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng, hiện dao động 4.000-6.000 ca mỗi ngày.


Sau chiến dịch xét nghiệm, Sở Y tế nhận thấy tỷ lệ nhiễm giảm đáng kể. Cụ thể, đợt 1 từ 23/8 đến 27/8, tỷ lệ dương tính vùng đỏ, cam là 3,6%. Đến đợt 2 còn 2,7% và sau khi kết thúc đợt 3 chỉ còn 1,1%.

"Tức là dù số tuyệt đối lớn nhưng tỷ lệ giảm rất đáng kể", ông nói.

Thời gian tới, thành phố tiếp tục rà soát, xét nghiệm tối thiểu 2-3 vòng tại vùng nguy cơ nhằm bóc tách hoàn toàn F0 khỏi cộng đồng.

Mới đây, Sở Y tế có đề xuất gửi Bộ Y tế về việc rút ngắn thời gian tiêm 2 mũi vaccine AstraZeneca từ 8 đến 12 tuần xuống 6 tuần. Báo chí đặt câu hỏi về lý do Sở Y tế TP.HCM đưa ra đề xuất này.

Ông Nam cho biết mỗi loại vaccine có thời gian tiêm 2 mũi khác nhau. Đa số dao động 3-4 tuần, riêng AstraZeneca là 8-12 tuần.

Thời gian qua, TP.HCM đã thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, nhiều hướng dẫn và nghiên cứu cho thấy trong tình huống đặc biệt, có thể rút ngắn thời gian tiêm mũi 2 AstraZeneca xuống 6 tuần.

Ông Nam cho biết thực tế giai đoạn đầu dịch, một số đơn vị đã áp dụng rút ngắn thời gian tiêm 2 mũi. Ví dụ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, có trường hợp tiêm mũi 1 khoảng tháng 2 và cách 6 tuần tiêm mũi 2. Việc rút ngắn này cho thấy hiệu quả.

"Đề xuất này nhằm giúp TP.HCM nhanh chóng phủ mũi 2 để đáp ứng miễn dịch nhanh nhất. Mục tiêu là TP mau chóng ổn định tình hình dịch", ông Nam nói.

so ca nhiem tai TP.HCM anh 1

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng.

Về tỷ lệ tiêm vaccine tại quận 3, 4, Tân Bình tương đối thấp, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết trong phương pháp tính tỷ lệ tiêm chủng, dân số (phần mẫu số) của TP.HCM được lấy theo số liệu thống kê từ ngày 30/6, thời điểm này dân cư tại TP còn đông đúc. Nhưng sau đó, một lượng lớn người dân ngoại tỉnh đã di chuyển về quê.

"Điều này cho thấy mẫu số (số liệu dân số - PV) trước đây so với bây giờ không phù hợp với thực tế. TP.HCM đã cơ bản tiêm xong hết mũi 1 cho tất cả người có thể tiêm tại TP. Con số hiện thời không phản ánh chính xác tình hình tiêm chủng hiện nay", ông Tâm nói.

Bên cạnh đó, công tác nhập liệu còn chậm trễ tại một số địa phương khiến dữ liệu trên cổng thông tin tiêm chủng chưa chính xác.

Kết thúc chiến dịch xét nghiệm diện rộng từ 15/8 đến 15/9, TP.HCM tiếp tục thực hiện xét nghiệm "thần tốc" theo Công điện 1409 của Bộ Y tế.

Theo đó, địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao phải xét nghiệm toàn bộ người dân 3 lần trong 7 ngày. Địa bàn còn lại xét nghiệm 5-7 ngày/lần, gộp mẫu theo điều kiện thực tiễn, theo hộ gia đình, phòng ở và các hộ liền kề.


Số ca tử vong ở TP.HCM giảm mạnh trong thời gian siết chặt giãn cách

Chiều 16/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tiếp tục tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch trong 24 giờ qua.

Thu Hằng - Thư Trần

Bạn có thể quan tâm