Chiều 13/6, Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội. Trước đó, Bộ Văn hoá đã có báo cáo về các vấn đề cử tri quan tâm.
Phát biểu trước khi nhận các câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thẳng thắn đề cập đến những sự việc gần đây tại Cục Nghệ thuật biểu diễn và Tổng cục Du lịch, với nhận thức đây là bài học sâu sắc. “Là Bộ trưởng tôi xin nhận trách nhiệm người đứng đầu”, ông Nguyễn Ngọc Thiện nói.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: Quochoi.vn. |
Báo cáo của ngành văn hoá chỉ ra một số giá trị đạo đức truyền thống, lối sống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đang có biểu hiện mai một. Các giá trị đạo đức mới chưa được quan tâm đúng mức. Hệ giá trị chuẩn về đạo đức, con người thời kỳ mới chưa được hình thành. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong xã hội và trong cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng.
Đạo đức nghề nghiệp sa sút cả trong những lĩnh vực được xã hội tôn vinh. Lối sống ích kỷ, thực dụng, hưởng lạc, vô cảm có chiều hướng lan rộng. Thói dối trá, đạo đức giả, gian lận trong học hành, bằng cấp; các thủ đoạn chạy chức, chạy quyền, chạy danh, chạy lợi, chạy tội, làm ăn phi pháp, bất chính còn phổ biến.
Trong khi đó, tình trạng bạo lực gia đình, nhất là bạo lực gia đình với người cao tuổi, bạo lực gia đình với trẻ em vẫn xảy ra với nhiều vụ việc nghiêm trọng. Tình trạng ly hôn ở vợ chồng trẻ tăng; mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình thiếu gắn kết, bền chặt.
Bộ Văn hoá cũng chỉ ra một bộ phận cán bộ, Đảng viên đã có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, lợi dụng vị trí lãnh đạo và quyền lực để mưu lợi cá nhân, lo thu vén cho cá nhân, gia đình, họ tộc, coi nhẹ lợi ích tập thể, cộng đồng.
-
Sau phần trả lời của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng "bán đảo Sơn Trà không phải của riêng Đà Nẵng do đó khi nó có vấn đề thì Chính phủ phải vào cuộc".
"Sơn Trà giống như Sơn Đoòng, Cát Bà, Hạ Long... bao nhiêu xương máu đã đổ để bảo vệ giao cho con cháu mai sau nên không thể nói chỉ giao Sơn Trà cho Đà Nẵng. Riêng tôi, vấn đề tại Sơn Trà nếu cần phải hỏi ý kiến rộng rãi hơn và Chính phủ phải vào cuộc. Cá nhân tôi cho rằng tại Sơn Trà xây dựng 300 phòng là nhiều vì số phòng tại Đà Nẵng đang dư, mà từ Đà Nẵng lên Sơn Trà chỉ hơn chục km thôi", đại biểu đoàn TP.HCM nói.
-
Phát triển Sơn Trà chủ yếu phục vụ người dân và TP Đà Nẵng
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Vấn đề Sơn Trà không chỉ đại biểu Quốc hội quan tâm. Tôi đi taxi, xe ôm, hàng nước cũng hỏi về cái này. Chưa có lúc nào các cơ quan Nhà nước có phát biểu đầy đủ chính thức. Về điểm này Bộ Văn hoá và TP Đà Nẵng phải rút kinh nghiệm khi làm việc gì mà xã hội quan tâm thì phải có thông tin chính thức, kịp thời.
Quy hoạch du lịch bán đảo Sơn Trà căn cứ vào Luật du lịch. Theo đó, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể du lịch cả nước, trong đó có các khu vực có khả năng thành lập khu du lịch quốc gia. Đà Nẵng được công nhận là đô thị du lịch, có hai khu du lịch quốc gia là Sơn Trà và Bà Nà. Quy hoạch được xây dựng cuối 2013, cuối 2016 trình phê duyệt và mới công bố gần đây tại Đà Nẵng.
Ngay sau đó có ý kiến của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng về quy hoạch. Thủ tướng và tôi đã yêu cầu trực tiếp bằng văn bản phải xem xét tiếp thu ý kiến cầu thị, khoa học, công khai. Tôi đã trực tiếp đến tận nơi, nhìn tận mắt những gì đã, đang, và cần phải xây dựng. Tôi cũng đọc mấy trăm trang tài liệu, mời kiến trúc sư đồ án lên hỏi. Từ đó, tôi đã đưa ra quyết định tạm dừng quy hoạch cho đến khi các bên tiếp thu ý kiến. Quy hoạch này chưa hề được triển khai.
Trước 2013, TP Đà Nẵng đã phê duyệt chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư cho 25 dự án, trong đó có 18 du lịch, 11 dự án có cơ sở lưu trú. Cụ thể, 1.400 phòng khách sạn, 1.920 căn biệt thự. Dự án nào trên bán đảo Sơn Trà, nếu có vi phạm phải được quản lý và xử lý bởi UBND TP Đà Nẵng.
Quy hoạch Sơn Trà được thực hiện bởi cơ quan tư vấn gồm các nhà chuyên môn vừa bảo tồn đa dạng sinh hoạc vừa đảm bảo quốc phòng an ninh. Con số 1.600 phòng không phải là ý chí hành chính. Kiến trúc sư trưởng nói tôi rằng đây là tính toán trên công thức mô hình trên ngành du lịch, có thể từ 1.600 đến 3.200 phòng. Sau đó, hội đồng của bộ ấn định lấy ngưỡng thấp 1.600 với tinh thần ưu tiên bảo tồn.
Ngay sau khi quy hoạch công bố thì có ý kiến của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, Chính phủ yêu cầu Đà Nẵng có ý kiến chính thức. Sau đó UBND TP Đà Nẵng có ý kiến không đồng ý với kiến nghị giữ nguyên hiện trạng bán đảo Sơn Trà của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng.
Tuy nhiên, tôi vẫn yêu cầu Đà Nẵng tiếp tục rà soát dự án trên cơ sở phát triển bền vững. Sơn Trà chỉ đóng góp một phần nhỏ cho du lịch cả nước. Vì thế, phát triển Sơn Trà chủ yếu phục vụ người dân và TP Đà Nẵng. Tôi cũng đã yêu cầu UBND TP Đà Nẵng làm việc với Hiệp hội du lịch để đi đến đồng thuận nhằm có quy hoạch tốt cho phát triển. Nếu kết quả làm việc đi đến thống nhất giảm quy mô đầu tư xuống thì Chính phủ sẽ đồng ý. Nếu Đà Nẵng thống nhất thấy chưa cần phải làm du lịch ở bán đảo Sơn Trà thì Chính phủ cũng hoan nghênh.
-
Có cơ sở trong việc thu tác quyền bài hát tại quán cà phê, khách sạn
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội): Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam gây bức xúc dư luận khi thu tiền tác quyền với quán cafe. Trước đó, trung tâm này đã thu tiền tác quyền theo đầu tivi. Cử tri bức xúc vì phải nộp hai lần vì cơ quan băng đĩa nhạc đã nộp phí tác quyền. Quan điểm của Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Thu phí tác quyền khi người sử dụng ca khúc của các nghệ sĩ vì mục đích thương mại. Đó là thực hiện theo Luật Sở hữu trí tuệ. Thu phí có cơ sở, cách thu hình thức thu còn một số vấn đề. Vừa qua, bộ yêu cầu trung tâm dừng thu để cùng nhau rà soát lại xem cách thu như vậy đã đúng pháp luật chưa. Đó là một trong những vấn đề quan trọng để xây dựng công nghiệp văn hoá.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở: Ý của đại biểu nói thu ở quán cà phê đã công bằng chưa?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ thì có thu ở khách sạn và quán cà phê. Vừa rồi chúng tôi yêu cầu trung tâm bảo đảm thu đúng theo quy định của pháp luật. Chúng tôi sẽ tiếp thu và có báo cáo giải trình cụ thể với Quốc hội.
-
Giảm tối đa số phòng lưu trú trong quy hoạch ở Sơn Trà
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng): Việc lập quy hoạch trên bán đảo Sơn Trà đã đúng chưa? Dựa vào tiêu chí nào đưa ra con số 1.600 phòng. Quan điểm của Bộ trưởng xử lý vấn đề hiện nay trên bán đảo Sơn Trà.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Quy hoạch bán đảo Sơn Trà là sự việc nóng. Cơ sở quy hoạch căn cứ vào Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị và Chiến lược quy hoạch phát triển khu du lịch phía nam tầm nhìn 2030. Năm 2014, bộ đã lập quy hoạch, đến 2016 trình Chính phủ phê duyệt. Trong quá trình thực hiện, bộ đã phối hợp chặt chẽ với TP Đà Nẵng.
Bộ cũng đã nhận được góp ý của 11 bộ ngành liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Xây dựng, Kế hoạch đầu tư...
Nội dung quy hoạch khu du lịch bán đảo Sơn Trà là 1.056 ha trong số 4.439 ha bán đảo. Quy hoạch tập trung phát triển sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm an ninh quốc phòng. Trước khi bộ lập quy hoạch thì Đà Nẵng đã cấp 25 dự án trong đó có 18 du lịch. 11 dự án được cấp phép với số lượng hơn 5.049 phòng. Khi làm quy hoạch chuyên gia yêu cầu cắt xuống từ hơn 5.000 xuống 1.600 phòng.
Vừa rồi có ý kiến của nhân dân, chỉ đạo của Thủ tướng, tôi luôn trăn trở. Chúng tôi cầu thị lắng nghe tất cả các ý kiến. Quan điểm của chúng tôi là phát triển bền vững, có trách nhiệm, ưu tiên bảo tồn. Theo đó, từ 1.600 phòng sẽ tiến hành giảm tối đa. Tối đa bao nhiêu căn cứ vào tình hình cụ thể. Trách nhiệm xử lý dự án đã cấp phép trên bán đảo Sơn Tra thuộc Đà Nẵng. Bộ sẽ phối hợp để xử lý.
-
Năng lực cán bộ quản lý văn hóa không tốt
Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) cho hay báo cáo của bộ trưởng có nếu hạn chế về năng lực cán bộ công chức, tư duy quản lý lạc hậu, nặng về xin cho. Tuy nhiên, 7 giải pháp chấn chỉnh lại không có nội dung nào hướng đến thanh lọc xử lý bất cập liên quan đến yếu tố con người. Xin bộ trưởng cho biết giải pháp của mình?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Sự việc xảy ra vừa rồi liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn là do năng lực cán bộ. Tôi xin khẳng định nếu năng lực cán bộ tốt thì không xảy ra việc như vậy. Như thu hồi 5 bài hát, sau đó cho lưu hành lại hay cập nhật hơn 300 bài hát lên website khi không có yêu cầu. Đó là những cái sai về mặt nghiệp vụ không đáng có. Sai nghiệp vụ sơ đẳng về quản lý nhà nước. Hay sự việc liên quan đến Tổng cục du lịch vừa qua cũng vậy.
"Chúng tôi đã nhận trách nhiệm và đề ra giải pháp, đồng thời tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, xác định nguyên nhân. Từ đó, sẽ có biện pháp bồi dưỡng nâng cao năng lực, thuyên chuyển cán bộ. Hiện nay chúng tôi đang làm", Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.
-
Cán bộ Cục Nghệ thuật biểu diễn sai rất sơ đẳng
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nêu câu chuyện hoạt động của bộ chủ yếu là "cho phép", "cấp phép", từ nghệ thuật biểu diễn đến điện ảnh..."Phải chăng vì vậy mà cơ quan quản lý của bộ đã làm những việc không cần làm, ví dụ như cấp phép cho cả bài Quốc ca vừa rồi? Bộ trưởng làm gì để khắc phục?", đại biểu đoàn Vĩnh Long hỏi.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết bộ đã nhận trách nhiệm và đã tiến hành kiểm điểm, kỷ luật những cán bộ có liên quan. Người đứng đầu ngành Văn hóa cũng thừa nhận trong việc cấp phép, cho phép các bài hát có những cái sai về nghiệp vụ không đáng có, có những cái sai rất sơ đẳng.
-
Di tích xuống cấp vì không còn nguồn đầu tư từ Trung ương
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về tình trạng hướng dẫn viên du lịch "chui" làm giảm vẻ đẹp văn hóa, làm hụt nguồn thu của nhà nước, di tích lịch sử xuống cấp, nghệ thuật truyền thống phai nhạt dần trong thế hệ trẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết sự việc hướng dẫn viên không được cấp thẻ nhưng vẫn hành nghề du lịch xuất hiện ở một số địa phương khi khách du lịch tăng đột biết hoặc xuất hiện những du khách đến từ những thị trường mà ngôn ngữ không phổ biến. Để xử lý tình trạng hướng dẫn viên chui, Bộ quản lý chặt chẽ và công khai việc cấp thẻ; phạt nặng các công ty lữ hành sử dụng hướng dẫn viên không được cấp thể; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng hướng dẫn viên; sửa đổi luật du lịch...
Về bảo tồn di tích, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thông tin trên cả nước có 3300 di tích quốc gia, gần 1 vạn di tích cấp tỉnh; đa số di tích làm bằng gỗ nên bị xuống cấp, cần được đầu tư nguồn lực để tôn tạo, trùng tu. Tuy nhiên, hiện nay do không còn nguồn đầu tư từ trung ương nên cần xã hội hóa công tác này trên cơ sở gắn bảo tồn với phát huy giá trị di tích lịch sử... -
54 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện
15h ngày 13/6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Chủ tịch Quốc hội cho biết đã có 54 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.
Là một trong những đại biểu chất vấn đầu tiên, bà Nguyễn Thị Kim Thúy nêu câu hỏi “việc lập quy hoạch khu du lịch Sơn Trà đã đúng chưa?”. Quan điểm của Bộ đối với các dự án trên bán đảo Sơn Trà?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt vấn đề Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch có giải pháp gì để xử lý tình trạng hướng dẫn viên du lịch "chui" làm giảm vẻ đẹp văn hóa, làm hụt nguồn thu của nhà nước?
Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) nêu việc Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói đến hạn chế của hoạt động văn hóa đều xoay quanh năng lực của cán bộ công chức.