Sáng 13/6, bên hành lang Quốc hội, trả lời Zing.vn, đại biểu Dương Trung Quốc nhận định quyết định của Thủ tướng sau cuộc họp chiều 12/6 về sân bay Tân Sơn Nhất thể hiện cách nhìn toàn diện, đáp ứng được yêu cầu bức xúc của xã hội, đồng thời hướng tới giải pháp căn bản, lâu dài.
Tiếng nói khách quan
"Giải pháp của Thủ tướng rất đáng hoan nghênh. Đó là cho tư vấn, thẩm định độc lập kể cả thẩm định nước ngoài. Thẩm định nước ngoài không bị ràng buộc bởi bất cứ lợi ích nào cả. Họ nói tiếng nói khách quan nhất làm cơ sở cho những người lãnh đạo có quyết định cuối cùng", ông Quốc bình luận.
Đại biểu Dương Trung Quốc. Ảnh: Hà Hương. |
Nhưng giải pháp cụ thể là như thế nào? Tại sao một người có trách nhiệm như Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải lại nói rằng khai thác khu vực phía bắc không thích hợp với quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất? Theo ông Quốc, những câu hỏi đó phải được trả lời bằng con số, lập luận khoa học.
Cũng theo ông Quốc, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và xây dựng sân bay Long Thành không có gì mâu thuẫn. Bởi chúng ta phải cùng lúc làm hai việc, vừa ứng phó trước mắt, vừa ứng phó lâu dài nếu không muốn luôn luôn rơi vào thế bị động.
"Chắc chắn với sân bay Long Thành nếu chuẩn bị tốt hơn, triển khai sớm hơn thì mọi chuyện sẽ đỡ hơn rất nhiều. Đương nhiên, nó còn phụ thuộc vào yếu tố rất khách quan nữa là nguồn lực của chúng ta", đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Không chỉ sân bay Tân Sơn Nhất mà sân golf cũng mọc lên tại sân bay Gia Lâm. Ảnh: Lê Quân. |
Còn theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc thuê tư vấn độc lập về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là để mổ xẻ vấn đề cho khách quan. Thủ tướng đã nhiều lần nghe báo cáo từ tư vấn trong nước nhưng vẫn băn khoăn, chưa quyết định được. Việc cấp bách bây giờ là phải xử lý để giải quyết tình trạng ùn tắc, quá tải tại Tân Sơn Nhất.
"Muốn ra được phương án tối ưu thì cần có sự so sánh, đối chiếu, để đảm bảo tiêu chí dự án phải tiết kiệm về tiền của, thời gian, mang lại hiệu quả từ việc sử dụng đất, hiệu quả kinh tế - xã hội”, ông Dũng nói.
Chính phủ đã lắng nghe
Trong khi đó, nhiều đại biểu đoàn TP.HCM bày tỏ sự vui mừng sau quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Theo Phó bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chính phủ đã lắng nghe ý kiến của đoàn đại biểu TP.HCM. Việc mời tư vấn độc lập nước ngoài, Chính phủ đã có cân nhắn vì họ có kinh nghiêm, năng lực đặc biệt khách quan để giúp có quyết định hợp lý nhất.
“Trong 7 phương án tư vấn đưa ra trước đó, tôi không am hiểu sâu kỹ thuật nhưng về tư tưởng mà nói khi mở rộng phải dựa trên những cơ sở lý luận xác đáng. Những người tâm huyết làm ở sân bay họ hiểu mọi ngóc ngách ở đó và có những tư vấn cần thiết cần lắng nghe, cầu thị”, đại biểu TP.HCM chia sẻ.
Nữ đại biểu cũng thông tin các chuyên gia nói có khả năng sẽ mở được đường băng mới trong khu sân golf, nếu không có hoạt động sân golf. Nhiều nước đã làm được những sân bay trên dưới 2.500 m và hoạt động tốt.
“Đó là lòng dân, người ta đang bất bình việc sử dụng đất không hợp lý. Người ta mong muốn làm sao trong thời gian ngắn thực hiện được mục đích phục vụ hành khách tốt nhất nên phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là tối ưu”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.
Còn Phó đoàn Phan Nguyễn Như Khuê thì đánh giá đây là quyết định kịp thời, là tín hiệu hết sức tốt đẹp. Chính phủ đã ghi nhận trăn trở của cử tri về sự phát triển của quốc gia cũng như vai trò của TP.HCM đi trước, về trước góp phần tăng trưởng quốc gia.
"Bước 2 giao cho các đơn vị tư vấn, rà soát, xem xét, báo cáo phương án cho bước mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là hết sức cần thiết. Chúng ta không nên vội vàng, biết rằng khó khăn nhưng cần đi các bước hết sức chặt chẽ trên cơ sở khoa học để có phương án hợp lý", ông Khuê nói.
"Chắc chắn rằng phải mở rộng sân bay, chắc chắn phải đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cho đến khi sân bay Long Thành có khả năng đưa vào sử dụng năm 2025", đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích.
Đại biểu Dương Trung Quốc: Đất quốc phòng phải được bảo vệ chặt chẽ
- Với tư cách là nhà sử học, ông bình luận thế nào khi quỹ đất của sân bay Tân Sơn Nhất năm 1975 là 3.600 ha nhưng sau 40 năm chỉ còn 1.500 ha?
- Đó là kết quả của cả quá trình lâu dài. Chúng ta không có quy hoạch, không có tư duy dự trữ lâu dài nhưng lại bị ảnh hưởng bởi những nhu cầu của đời sống trước mắt và cái lỏng lẻo trong quản lý.
Liên quan đến câu chuyện Đồng Tâm, tôi cho rằng đã đến lúc phải nhận thức đất quốc phòng là gì. Đất quốc phòng là đất Nhà nước giao cho Bộ Quốc phòng để thực hiện chức năng quốc phòng. Bộ Quốc phòng có thể có nhu cầu như mọi bộ khác, kể cả nhu cầu về dân sinh và phát triển kinh tế. Vì thế, đã đến lúc những gì được coi là đất quốc phòng phải được bảo vệ một cách chặt chẽ.
Tôi cho rằng với đất quốc phòng thì chúng ta trồng cây. Đó là chỉ dấu để khi nào cần cho mục đích quốc phòng thì có mặt bằng để thực hiện. Điều đó sẽ dẫn đến việc không có sự lẫn lộn nào cả và người dân có thể giám sát được. Câu chuyện liên quan đến Tân Sơn Nhất cách đây 40 năm và đến bây giờ rõ ràng là hệ quả của một quá trình mà bây giờ chúng ta phải chấp nhận nó như một sự đã rồi.
- Những vùng đất thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng nhưng hiện giờ không cần thiết cho an ninh quốc gia nữa thì nên quản lý như thế nào? Liệu rằng, Bộ Quốc phòng có nên trả lại cho Nhà nước để phục vụ nhu cầu dân sinh hay không?
- Điều đó là một tính toán lớn. Với câu chuyện này, tôi xin nhắc lại một sự thực. Thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ tại miền Bắc, người dân đã sẵn sàng hi sinh rất nhiều đất đai để xây dựng các bãi pháo, bãi tên lửa. Lẽ ra kết thúc chiến tranh thì trả lại cho dân, để rồi khi có động sự, dân lại đóng góp.
Nhưng ngay sau chiến tranh, nó lại biến thành đất quốc phòng và được sử dụng một cách tuỳ tiện, biến thành đất ở, phân lô, chia nền... Tự nhiên, nó phản cảm và người dân mất lòng tin.