Sáng 13/6, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là người đăng đàn mở đầu.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường sẽ trả lời 3 nhóm chủ đề: Giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới; Biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững; Công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên. Ảnh: Quochoi.vn. |
Đặc biệt, câu chuyện giải cứu thịt lợn, tàu vỏ thép hư hỏng nằm bờ gần đây liên quan tới chủ trương lớn của nhà nước giúp ngư dân vươn khơi bám biển đặt ra cho ngành nông nghiệp những vấn đề cần giải quyết trong quá trình thực thi.
-
Tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp
Theo báo cáo trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định 8 giải pháp đột phá nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020.
Trong đó Bộ Nông nghiệp sẽ tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo điều kiện để nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn và thị trường để mở rộng sản xuất hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Bộ Nông nghiệp, để tạo được chuyển biến rõ rệt trong thực tế, cần triển khai đồng bộ cả 8 giải pháp trên, trong đó trọng tâm là hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất để tạo “đột phá” trong cơ cấu lại nông nghiệp.
Cùng tham gia trả lời chất vấn ở nội dung này, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, thay mặt Thủ tướng trả lời các nội dung thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ. Các bộ trưởng, trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ.
Bên cạnh đó, các bộ trưởng, trưởng ngành khác trả lời về những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của mình (nếu có).
-
68 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.
Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Bình Phước) đề nghị Bộ trưởng Nông nghiệp giải quyết bất cập để doanh nghiệp và hợp tác xã tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ; giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa".
Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Nông nghiệp trong việc ngành chăn nuôi "vỡ trận", giải pháp căn cơ để khắc phục vấn đề này.
-
Đưa nông sản vươn ra thế giới là chặng đường gian khổ
Trả lời về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng khẳng định không có cơ chế xin cho trong lĩnh vực này, nơi nào, địa phương nào đáp đáp ứng đủ điều kiện thì đều có thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Bộ trưởng Nông nghiệp cũng cho biết sức sản xuất của ngành nông nghiệp Việt Nam là rất lớn nhưng từ sản xuất tiêu thụ trong gia đình để vươn ra thị trường thế giới là một quãng. Vì vậy trong thời gian ngắn khi chưa thể tổ chức ngay các ngành hàng thì không thể tránh khỏi tình trạng nơi này thừa, nơi kia thiếu.
Chia sẻ với bà con nông dân về tình hình nuôi lợn vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là sức sản xuất tăng từ 3,4 triệu tấn lên 5,6 triệu tấn thịt, cá nuôi tăng 1,8 lên 3,4 triệu tấn, cùng với 1 tỷ quả trứng. Riêng về việc nuôi lợn, cách đây 10 năm, Việt Nam thấp nhất ASEAN.
"Sức tăng trưởng của thực phẩm Việt Nam tăng quá nhu cầu trong một thời điểm", Bộ trưởng Nông nghiệp nói.
-
Nhận trách nhiệm về yếu kém của ngành chăn nuôi
Về việc tổ chức ngành hàng, Bộ trưởng Nông nghiệp đánh giá đây là vấn đề cần thời gian dài để đầu tư phát triển, cũng như chấn chỉnh những bất cập...
Bộ trưởng cho hay cho tới nay còn 3 triệu hộ chăn nuôi. Đó cũng là tồn tại của chúng ta, vì với quy mô nhỏ thì sản xuất giá thành cao, khó kiểm soát.
Việc chế biến cũng tách lìa với sản xuất. Khâu liên kết giữa sản xuất và chế biến thịt lợn chỉ có hơn 20%, còn chế biến sâu (giống, chăn nuôi, giết mổ) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy 90% việc tiêu thụ vẫn theo kiểu truyền thống (sử dụng thịt lợn tươi).
Khâu tổ chức trong chăn nuôi vẫn là khâu yếu nhất. Về ngoại thương chủ yếu vẫn là thị trường Trung Quốc, các thị trường khác chúng ta vẫn chưa mở cửa được.
Nhìn nhận các khâu sản xuất, tổ chức, thị trường còn yếu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cương cho biết vào tháng 4 vừa qua khi bắt đầu mùa nóng, sức tiêu thụ của thị trường giảm đi nên đã dẫn tới tình trạng thừa thịt lợn.
Sau khi đưa ra các hạn chế của ngành chăn nuôi, Bộ trưởng Nông nghiệp nhận trách nhiệm về vấn đề này.
-
Bao nhiêu luận án tiến sĩ nông nghiệp được ứng dụng?
Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) đặt vấn đề Bộ và Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp về đảm bảo an toàn thực phẩm, Bộ trưởng có nghĩ đến đất, nước ngầm bị ô nhiễm. Nếu việc này không được đánh giá đúng và xử lý thì có thể giải quyết tận gốc vấn đề an toàn thực phẩm không? Việt Nam có đủ trình độ xử lý ô nhiễm đất nông nghiệp không?
Đại biểu đoàn Hà Nội cho biết trong 4000 luận án tiến sĩ được lưu trữ trong Thư viện Quốc gia thì luận án tiến sĩ liên quan tới ngành nông nghiệp được chấm điểm xuất sắc có bao nhiêu cái được đưa ra ứng dụng thực tiễn?
-
'Bộ trưởng trả lời chưa thuyết phục'
Là người giành quyền tranh luận đầu tiên trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng bộ trưởng Nông nghiệp trả lời chưa thuyết phục trong việc 'giải cứu lợn'. Khi chúng ta cho rằng người sản xuất tự phát thì chưa thấy vai trò quản lý Nhà nước như dự báo, định hướng, điều chỉnh, cảnh báo... cho nhà sản xuất như thế nào. Khi bộ trưởng nói nhà sản xuất phải thông minh thì đại biểu nói rằng nhà quản lý phải thông minh.
Đại biểu đoàn Bình Dương dự đoán sắp tới lại phải giải cứu cam, quýt, bưởi vì nơi ông ứng cử nông dân đang trồng rất nhiều.
Đại biểu Mai Sĩ Diễn (Thanh Hóa) cho rằng việc phát triển chăn nuôi lợn thời gian vừa qua có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên khi nông dân gia tăng quy mô chăn nuôi thì nhà quản lý chưa hề có cảnh báo và đã để xảy ra việc thừa lợn.
Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đặt vấn đề khi thị trường vẫn bán thịt lợn 80.000 đồng/kg thì nông dân bán 20.000 đồng/kg, vậy ngoài vai trò của Bộ Nông nghiệp thì Bộ Công Thương ở đâu?
-
Mong nhà khoa học giúp sức cho ngành nông nghiệp
Nguyễn Xuân Cường trả lời xử lý môi trường nông nghiệp sạch là vấn đề rất lớn, nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp bị ô nhiễm môi trường. Muốn có nông sản sạch thì chúng ta phải đi từ gốc như đất nước. Phải phối hợp các bộ ngành mới giải quyết được vấn đề.
Trước câu hỏi tiến sĩ nông nghiệp, ông Cường nói: “Chúng tôi rất mong muốn các nhà khoa học phối hợp cũng bộ để nghiên cứu giúp sức cho ngành nông nghiệp”. Ông cũng mong muốn các doanh nghiệp ngồi cùng các nhà khoa học để nghiên cứu các sản phẩm nông nghiệp tốt nhất, đưa ra giải pháp gỡ khó cho ngành.
“Trung tâm đầu ngành nông nghiệp rất cần thiết để xây dựng, liên kết, xã hội hóa sản xuất nông nghiệp tốt nhất, hiệu quả nhất”, Bộ trưởng Cường nói.
-
Đình chỉ 2 doanh nghiệp đóng tàu thép bị han gỉ
Về khắc phục bất cập trong đóng tàu 67, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết đã đóng được 666 tàu (vỏ sắt, gỗ, composit), trong đó 297 tàu sắt, hầu hết là công suất lớn.
Theo phản ánh của bà con ngư dân, cơ bản các tàu đã phát huy tác dụng cả về hiệu quả và độ an toàn. Tuy nhiên, vừa qua xuất hiện một số tàu hư hỏng, nằm bờ (Bình Định, Phú Yên), trong đó Bình Định có tới 19 tàu hư hỏng,...
Bộ đã yêu cầu 27 tỉnh thành rà soát lại toàn bộ, cử Tổng cục Thủy sản vào làm việc với tỉnh để khắc phục sự cố trên cơ sở minh bạch, trách nhiệm. Bộ cũng trực tiếp tổ chức 1 hội nghị với lãnh đạo 27 tỉnh thành, ngư dân, doanh nghiệp đóng tàu,.. qua đó thống nhất các giải pháp khắc phục sự cố. Bộ cũng cho biết, tàu hư hỏng thuộc 2 công ty Đại Nguyên Dương, Nam Triệu.
"Chúng tôi đã yêu cầu đình chỉ 2 đơn vị này không được đóng tàu nữa, yêu cầu thay máy mới, các tàu hỏng về sắt phải thay sắt đúng chất lượng. Tàu chưa sử dụng doanh nghiệp phải có trách nhiệm thu lại, không để người dân nhận số tàu này. Tỉnh Bình Định phải thẩm định các tàu hư hỏng, mời công an vào cuộc điều tra làm rõ. Tổ tư vấn sẽ có trách nhiệm tìm nguyên nhân làm rõ”, ông Cường nói.
-
Kỷ luật cán bộ sai phạm trong quản lý phân bón
Trươc vấn đề mà đại biểu Nguyễn Sỹ Cương chất vấn về giải pháp quản lý phân bón, ngăn chặn, xử lý tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết đang phối hợp với Bộ Công Thương đề sửa đổi lại các quy định hiện hành để chuyển toàn bộ chức năng quản lý phân bón về Bộ Nông nghiệp; đồng thời đẩy nhanh việc sửa đổi Nghị định về quản lý phân bón; xây dựng Nghị định xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón,..
Về xử lý tổ chức, cá nhân sai phạm trong quản lý phân bón, Bộ đã thu hồi hoạt động cấp giấy phép của các đơn vị vi phạm; kỷ luật các cán bộ sai phạm... Bộ cũng thống nhất 1 đầu mối quản lý phân bón là Cục Bảo vệ thực vật.
-
Bộ trưởng Công Thương nói về việc 'giải cứu' thị trường lợn
Làm rõ thêm các chất vấn của cử tri về thị trường cho nông sản, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằngkhâu quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp là phải căn cứ vào nhu cầu và tín hiệu của thị trường, kể cả trong và ngoài nước, để xây dựng các quy hoạch và tổ chức các quy hoạch đó cho tốt.
Theo Bộ trưởng, việc đàn lợn có tốc độ tăng trưởng nhanh cho thấy năng lực, tiềm năng của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn có thể phát triển tốt nếu làm tốt công tác thị trường.
Liên quan đến công tác thị trường phải giải quyết được 2 vấn đề. Một là, mở cửa thị trường về mặt thương mại, tức là các vấn đề liên quan thuế suất, thuế nhập khẩu. Hai là, phải mở cửa về mặt thủ tục hành chính và các hàng rào kỹ thuật. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, chúng ta đã làm tốt khâu đầu, tức là mở cửa thị trường, nhiều thuế suất thậm chí về 0%. Chúng ta có dư địa để sản xuất rất nhiều sản phẩm, trong đó có thịt lợn. Nhưng còn hàng rào kỹ thuật là vấn đề cơ bản thì lại chưa bảo đảm theo quy chuẩn của các nước nhập khẩu, cụ thể như Trung Quốc.
“Từ năm 2016, hai Bộ đã liên tục phối hợp với nhau triển khai các hoạt động với phía Trung Quốc. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là để thông qua được hàng rào kỹ thuật với Trung Quốc thì việc đầu tiên phải được công nhận vùng chăn nuôi của Việt Nam không có dịch bệnh lở mồm long móng. Đây là yêu cầu tối thiểu cần có thông qua hàng rào kỹ thuật. Do đó, công tác quy hoạch phải tính toán lại và tổ chức sản xuất phải bảo đảm chất lượng, giá thành”, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết.
-
Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung gắn với chế biến
Cuối giờ sáng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giải trình một số nội dung về nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.
Phó thủ tướng nhấn mạnh, chất lượng quy hoạch sản phẩm nông nghiệp thời gian qua còn hạn chế, chưa gắn với thực tế thị trường, đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước;... Bên cạnh đó, công tác điều chỉnh quy hoạch chậm; công tác thực hiện quy hoạch còn hạn chế, tình trạng đầu tư theo phong trào (vượt quy hoạch) còn phổ biến; việc đầu tư hệ thống hạ tậng phục vụ cho quy hoạch chưa đạt yêu cầu đề ra; tổ chức sản xuất nông nghiệp còn bất cập; đầu tư chế biến hạn chế;...
Phó thủ tướng nhấn mạnh các giải pháp cả về hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các điểm nghẽn về tiếp cận nguồn lực,... nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm sức cạnh tranh; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường; rà soát điều chỉnh lại các quy hoạch, kế hoạch để phát huy tiềm năng lợi thế của quốc gia, vùng, địa phương; gắn quy hoạch với nhu cầu diễn biến của thị trường