Giám đốc Quốc gia ADB khẳng định Việt Nam cần nhiều tập đoàn tư nhân lớn, từ đó cải thiện cuộc sống người dân, tạo "vòng tròn tăng trưởng" để đạt mục tiêu thành nước phát triển.
Chính phủ Việt Nam đề ra mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 khi nền kinh tế toàn cầu vẫn chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid-19. Trao đổi với Zing, ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam - nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia có thể tận dụng cơ hội từ đại dịch.
Ông nhấn mạnh Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư vào khu vực kinh tế tư nhân, tạo ra "vòng tròn tăng trưởng" để trở thành nước phát triển theo đúng kế hoạch.
- Theo ông, dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam?
- Dịch Covid-19 là một vấn đề lớn đối với mọi quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam. Nhưng có một số đất nước có thể tận dụng cơ hội từ đại dịch này, và Việt Nam cũng nằm trong số đó. Vì vậy, về lâu dài, tôi cho rằng dịch Covid-19 sẽ không còn ảnh hưởng tiêu cực mà thậm chí tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam.
Trên thực tế, Việt Nam đã xử lý dịch Covid-19 và hỗ trợ nền kinh tế chống đỡ đại dịch rất tốt. Điều này giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư và du lịch hấp dẫn khi dịch Covid-19 qua đi.
Báo cáo mới nhất của ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 1,8% trong năm 2020 và 6,3% vào năm 2021. Tuy nhiên, theo con số được Tổng cục Thống kê công bố hôm 29/9, tăng trưởng GDP quý III/2020 của Việt Nam đạt 2,62%, tăng mạnh so với mức 0,62% của quý II và cao hơn chúng tôi dự đoán.
Vì vậy, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay có thể nằm trong khoảng 2-3%, thấp hơn nhiều năm 2019 và năm 2021, nhưng rất cao so với các quốc gia khác.
- Theo ông, những lợi thế và khó khăn của Việt Nam trong việc duy trì tăng trưởng dương giữa đại dịch, và xa hơn trở thành một quốc gia phát triển trong tương lai, là gì?
- Lợi thế của Việt Nam là các bạn đã ngăn chặn dịch Covid-19 hiệu quả, giúp khu vực kinh tế phi chính thức sớm hoạt động trở lại. Các hoạt động kinh tế có thể chậm lại, thu nhập của người lao động sụt giảm. Tuy nhiên, để so sánh, nền kinh tế ở nhiều quốc gia khác thậm chí gần như tê liệt.
Một điểm mạnh khác là Việt Nam có một nền kinh tế vĩ mô ổn định và vững chắc. Các chỉ số như tỷ lệ lạm phát và tỷ giá hối đoái đều ổn định, dự trữ ngoại hối lớn.
Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, sự kết nối chặt chẽ với các quốc gia khác trở thành thách thức lớn. Đối với một quốc gia có nhiều mặt hàng xuất khẩu như Việt Nam, nếu dịch bệnh tiếp tục tàn phá những nền kinh tế khác, nhu cầu về hàng hóa xuất khẩu sẽ sụt giảm, dẫn đến doanh thu lao dốc, nhiều người lao động mất việc làm.
Khi các hộ gia đình và cá nhân bị giảm thu nhập, họ sẽ ít chi tiêu hơn. Cầu nội địa sụt giảm cũng là một rủi ro đáng chú ý.
Đối với mục tiêu trở thành nước phát triển trong dài hạn, Việt Nam đã có một lịch sử lâu đời đoàn kết vượt qua những thách thức lớn. Vì vậy, khi Chính phủ đặt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, tôi tin chắc chắn rằng các bạn sẽ đạt được điều đó.
Như tôi đã đề cập bên trên, Việt Nam có một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, một nền kinh tế đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu, năng lực sản xuất và thu hút nhiều đầu tư vào khu vực tư nhân hơn. Vì vậy, việc tiếp tục mở rộng cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như các cảng, hệ thống giao thông đường bộ để vận chuyển hàng hóa trong nước và xuất khẩu, là rất quan trọng.
Một yếu tố quan trọng khác là sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước, trong đó chú trọng đến doanh nghiệp tham gia vào xuất khẩu. Theo tôi, không chỉ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài mà đẩy mạnh đầu tư trong nước cũng là động lực quan trọng giúp Việt Nam trở thành nước phát triển.
- Vậy ông đánh giá ra sao về mục tiêu trở thành nước phát triển năm 2045 của Việt Nam?
- Việt Nam sở hữu tiềm năng rất mạnh vì có một môi trường chính trị ổn định và Chính phủ cam kết thực hiện mục tiêu trở thành nước phát triển năm 2045. Theo mục tiêu được đề ra, Việt Nam sẽ thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao năm 2045. Điều này đòi hỏi tốc độ tăng trưởng cao hàng năm. Tôi tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được điều đó.
Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến rất nhiều công ty đẩy mạnh rời dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc và đầu tư vào những khu vực khác, trong đó có Việt Nam. Theo tôi, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ xu hướng này.
Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ, kỹ thuật số, giáo dục và tay nghề của người lao động cũng là những động lực rất quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển.
- Ông có thể đưa ra một số giải pháp giúp Việt Nam thúc đẩy nền kinh tế trong năm 2020, năm 2021, cũng như đạt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045?
- Trong năm 2020, cả thế giới đang ở trong "trạng thái bình thường mới" vì đại dịch Covid-19. Vì vậy, tôi cho rằng việc cần thiết trước mắt đối với Chính phủ Việt Nam là tiếp tục đảm bảo an toàn cho người dân, hỗ trợ người lao động bị thất nghiệp và giảm thu nhập do đại dịch. Chính phủ đang làm tốt việc này.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh đầu tư công vì đầu tư tư nhân đã sụt giảm vì đại dịch. Dòng tiền đi vào đầu tư cơ sở vật chất và các hoạt động kinh tế sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế.
Trong năm 2021 và những năm tới, nền kinh tế toàn cầu được kỳ vọng phục hồi sau đại dịch. Các hoạt động thương mại của Việt Nam với các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc sẽ gia tăng. Việt Nam cũng phải chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt cơ hội này, chẳng hạn như tận dụng lợi thế từ hiệp định thương mại tự do mới được ký với Liên minh châu Âu.
Trong tương lai gần, Việt Nam cần hỗ trợ các công ty tư nhân trong nước tham gia vào hoạt động thương mại, kết nối mạnh mẽ hơn với những doanh nghiệp và thị trường nước ngoài, từ đó đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng của đất nước. Đây là một điều rất quan trọng.
Việt Nam mới đây đã đạt mức thu nhập trung bình. Bước tiếp theo là thu nhập trung bình cao, sau đó mới tới thu nhập cao. Để làm được điều này, yếu tố quan trọng hàng đầu là sự tăng trưởng của các công ty tư nhân.
Khu vực kinh tế tư nhân chỉ chiếm khoảng 10% nền kinh tế Việt Nam. Để trở thành một nền kinh tế phát triển, khu vực này cần dần dần đạt 20%, 30%, 40% rồi 50%. Điều đó sẽ tạo ra nhiều công việc có kỹ năng cao hơn, giúp người lao động có thu nhập tốt và chất lượng cuộc sống được cải thiện. Khi đó, họ sẵn sàng chi tiền cho những hoạt động như mua sắm, giải trí, chăm sóc y tế và nhất là giáo dục.
Nhờ vậy, các doanh nghiệp có thể nhận nhiều cơ hội hơn, chất lượng người lao động tiếp tục được cải thiện. Đó là một "vòng tròn tăng trưởng" giúp Việt Nam có thể trở thành nước phát triển theo như kế hoạch.
- Ông đánh giá thế nào về vai trò của các tập đoàn lớn đối với quá trình phát triển của Việt Nam?
- Các tập đoàn lớn, ở cả khu vực công và tư nhân, có vai trò rất lớn trong quá trình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Họ tạo ra công ăn việc làm ổn định cho người lao động, xây dựng những dự án lớn như giao thông, cao ốc văn phòng, cơ sở sản xuất, cầu cảng...
Tuy nhiên, một vài doanh nghiệp có nguồn tài chính khá mạnh và vững chắc, một số khác thì không. ADB đang làm việc với các công ty để giúp họ cải thiện xếp hạng tín nhiệm cũng như đáp ứng những tiêu chuẩn kế toán quốc tế. Nhờ đó, họ có thể tiếp cận nguồn vốn đa dạng hơn. Việt Nam cũng nên đẩy mạnh đầu tư trong nước để phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Quá trình phát triển kinh tế cần nhiều tập đoàn lớn hơn nữa.
- Ngoài đẩy mạnh đầu tư trong nước, Việt Nam cần lưu ý điều gì khi thu hút làn sóng FDI mới, thưa ông?
- Việt Nam đã xử lý tốt đại dịch hơn rất nhiều nước trong khu vực và thu hút sự chú ý từ quốc tế. Thêm vào đó, đất nước các bạn có lực lượng lao động trẻ và dân số một trăm triệu người. Tầng lớp trung lưu cũng ngày càng gia tăng và giàu có hơn. Điều này đem đến sức mạnh chi tiêu lớn cho thị trường Việt Nam, từ đó thu hút các công ty trên thế giới.
Bên cạnh đó, sự ổn định chính trị cũng là lợi thế lớn của Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực.
Tuy nhiên, làn sóng FDI mới cũng đem lại một số vấn đề. Chẳng hạn, các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu vật liệu, linh kiện và lắp ráp sản phẩm tại Việt Nam rồi xuất khẩu. Mặt tốt là nó mang lại nhiều việc làm hơn cho người Việt Nam. Tuy nhiên, phần còn lại của đất nước không nhận được nhiều lợi ích.
Vì vậy, tôi cho rằng điều quan trọng là gia tăng chất lượng và số lượng các nhà cung cấp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Ông nhận xét như thế nào về các chính sách kinh tế hiện tại của Chính phủ Việt Nam, thưa ông?
- Chính phủ Việt Nam đã rất nhanh chóng đưa ra các gói kích thích kinh tế để giúp nền kinh tế chống đỡ tác động tiêu cực từ đại dịch. Doanh nghiệp cần tiền cứu trợ và những chính sách như giãn nợ, giảm thuế để duy trì hoạt động vượt qua đại dịch. Tuy nhiên, việc giải ngân là một vấn đề. Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cứu trợ này một cách nhanh chóng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.
- Tuy nhiên, việc duy trì tăng trưởng kinh tế giữa đại dịch có gây ra một số rủi ro về kinh tế vĩ mô không?
- Trên thực tế, các yếu tố cơ bản như tỷ giá hối đoái và lạm phát của Việt Nam vẫn ổn định. Việt Nam cũng còn nhiều dư địa để thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế. Tôi cho rằng không có dấu hiệu nào cho thấy xu hướng rủi ro đối với nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Đất nước của các bạn có thể quản lý được những rủi ro này.
Khi nền kinh tế Việt Nam nói chung và toàn cầu nói riêng lao dốc vì dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế chậm lại, tiêu dùng sụt giảm, vấn đề lạm phát trở nên bớt đáng lo ngại hơn nhiều. Nếu Việt Nam vẫn ở mức tăng trưởng 7% như năm ngoái và Chính phủ đưa ra những biện pháp kích thích như vậy, lạm phát sẽ xảy ra. Nhưng khi tốc độ tăng trưởng kinh tế sụt giảm, Việt Nam có thể tránh được lạm phát trong ngắn hạn.
- ADB có thể hỗ trợ gì giúp Việt Nam vượt qua ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch và đạt mục tiêu trở thành nước phát triển trong tương lai?
- ADB có quan hệ hỗ trợ và hợp tác lâu dài với Việt Nam. Chúng tôi đã hỗ trợ và tài trợ giúp phát triển đô thị, ổn định tài chính, mở rộng mạng lưới điện và cải cách y tế, giáo dục thông qua các chương trình, dự án với tổng trị giá khoảng 16 tỷ USD.
Nhu cầu của Việt Nam đang thay đổi. Các doanh nghiệp Nhà nước đang tìm kiếm những nguồn tài trợ thương mại khác thay vì phụ thuộc vào Chính phủ. Điều này giúp giải phóng ngân sách của Chính phủ cho các ưu tiên khác. ADB có vị thế rất tốt để hỗ trợ Việt Nam thực hiện quá trình chuyển đổi này.
ADB đang tìm cách mở rộng hoạt động khu vực tư nhân tại Việt Nam, đầu tư để cung cấp vốn cho các công ty tư nhân hoặc doanh nghiệp Nhà nước không được Chính phủ bảo lãnh. Chúng tôi cũng giúp đỡ một số doanh nghiệp cải thiện xếp hạng tín nhiệm nhằm giúp họ có thể tiếp cận với nhiều nguồn vốn hơn.
- Ông suy nghĩ gì khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam vào thời điểm đại dịch gây nên biến động kinh tế toàn cầu?
- Chỉ có một số ít quốc gia trên toàn thế giới đạt tăng trưởng dương trong năm nay. Và Việt Nam là một trong số đó. Nhiều độc giả của Zing đang đọc bài viết này có thể cảm nhận sự khác biệt, có người mất việc làm, có người bị giảm thu nhập. Nhưng tôi muốn nói về nền kinh tế nói chung. Thiệt hại ở những quốc gia khác còn lớn hơn nhiều lần.
Tôi đến Việt Nam từ ngày 5/8 và phải thực hiện cách ly bắt buộc trước khi được bắt đầu vào công việc. Quá trình cách ly cực kỳ nghiêm ngặt. Tôi được đưa đến khách sạn để cách ly, chỉ ở trong phòng suốt quãng thời gian đó và được xét nghiệm Covid-19 đến bốn lần.
Khi kết thúc đợt cách ly, tôi cảm thấy rất an toàn vì Chính phủ Việt Nam đã thực hiện những biện pháp cực kỳ nghiêm ngặt. Việt Nam đã ghi nhận gần 30 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Những trường hợp nhiễm Covid-19 từ nước ngoài trở về được cách ly ngay lập tức.
Điều này khiến tôi cảm thấy an toàn và thoải mái. Tôi có thể làm việc, đi chơi và ăn uống ở nhà hàng như bình thường. Không giống như những nước khác từng đến, tôi thấy mình rất may mắn khi được sống và làm việc tại đây.