Khuya 4/8, đích thân thiếu tướng Mai Văn Hà, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế và đại tá Lê Quốc Hùng, phó giám đốc, đã có mặt tại trạm cân để chỉ đạo kiểm tra, xử lý.
Vây ráp xe quá tải
Khoảng 20h ngày 4/8, có mặt tại Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động (TC008) tỉnh Thừa Thiên - Huế đóng trên Quốc lộ 1A (đoạn qua xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy), phóng viên nhận thấy rất nhiều xe tải mang biển kiểm soát của các tỉnh Bình Định, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị… đậu gần trạm cân chờ cơ hội vượt trạm.
Ở phía Bắc trạm cân, các xe quá tải chở gỗ tràm xuất phát từ Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị nằm án binh bất động. Cánh tài xế đã bỏ xe lân la tới gần trạm cân quan sát lực lượng chức năng và liên tục điện thoại báo tình hình cho nhau.
Đến khoảng 21h, thấy cán bộ trạm cân không chặn xe từ hướng Bắc vào Nam nên ngay lập tức, rất nhiều xe chở gỗ tràm đánh liều vượt trạm. Mỗi đợt có 3-4 chiếc nối đuôi nhau, nép sau các xe container chạy qua trạm với tốc độ cao.
Xe quá tải phóng nhanh sau khi vượt Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh Thừa Thiên - Huế. |
Từ 21h35, lượng xe chở gỗ tràm án ngữ phía Bắc (cách trạm chưa tới 50 m) lên đến hàng chục chiếc, kéo dài vài cây số khiến nhiều phương tiện khác lưu thông qua đây rất khó khăn. Lúc này, một xe chở gỗ tràm tăng tốc định vượt trạm, các xe khác được đà rồ ga chạy theo. Vừa đến trạm cân, chiếc xe này bất ngờ bị chặn lại khiến tài xế các xe chạy phía sau hoảng loạn tấp vào lề ở khu vực trạm cân. Các xe quá tải rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, phải dàn hàng hai, hàng ba.
Gần 23h cùng ngày, thiếu tướng Mai Văn Hà và đại tá Lê Quốc Hùng có mặt tại trạm cân để chỉ đạo kiểm tra, xử lý. Ngay lập tức, hàng chục CSGT, cảnh sát cơ động, Công an thị xã Hương Thủy cùng với 2 xe cẩu của CSGT… được điều động tới hiện trường.
Lực lượng chức năng liền triển khai tới các địa điểm xe quá tải đậu né trạm, áp tải đưa về trạm kiểm tra. Quá lo sợ trước sự quyết liệt của lực lượng chức năng, cánh tài xế đánh liều quay đầu bỏ chạy vào các trạm xăng dầu hoặc lên đường tránh TP Huế.
Cùng thời điểm này, tại phía Bắc trạm cân, lực lượng CSGT bố trí nhiều xe tuần lưu chốt chặn và áp tải các xe quá tải né dọc đường về trạm. Sau khi chỉ đạo tại trạm cân, thiếu tướng Mai Văn Hà và đại tá Lê Quốc Hùng đến các cây xăng, khu vực xe né trạm để kiểm tra, vận động và áp tải xe về trạm cân.
Chấn chỉnh cán bộ, xử lý cò xe
Theo báo cáo của Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ 22h ngày 4/8 đến 6h ngày 5/8, tổng cộng 65 xe đã được đưa vào kiểm tra, trong đó có 25 xe bị nhắc nhở, 40 xe bị lập biên bản chở quá tải từ 50%-60%.
Đến sáng 5/8, ở khu vực quanh các cây xăng, đường tránh còn rất ít xe chở gỗ tràm đậu. Lực lượng CSGT vẫn kiểm tra dọc đường, áp tải xe quá tải về trạm. Trong sáng cùng ngày có thêm 12 xe (chủ yếu chở gỗ tràm) bị lập biên bản vì quá tải trọng từ 30%-50%.
Trong tổng số 52 xe bị xử phạt có đến 45 xe mang biển số của tỉnh Thừa Thiên - Huế (chiếm trên 86,5% xe vi phạm). Nhiều người dân sống tại trạm cân cho biết đây là lần đầu tiên họ chứng kiến số lượng xe bị đưa vào kiểm tra và xử phạt nhiều đến vậy.
Nhóm cò xe ở quán cà phê Thắng Hải luôn giám sát mọi động tĩnh ở trạm cân trọng tải tỉnh Bình Thuận. |
Đại tá Lê Quốc Hùng cho biết việc kiểm tra, chỉ đạo trực tiếp của ban giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế vào tối 4/8 và rạng sáng 5/8 nhằm chấn chỉnh một số vướng mắc sau khi trạm cân chuyển về Phú Bài.
Theo đại tá Hùng, trong hơn 2 tuần chuyển trạm cân về vị trí mới, tài xế lợi dụng khu vực này đang thi công đường nên đậu xe gây ách tắc nhằm tạo áp lực lên lực lượng chức năng. Vì vậy, trong một vài thời điểm, lực lượng CSGT không thể tiến hành kiểm tra tải trọng xe vì sợ tắc đường, tai nạn giao thông khiến xe lọt trạm.
Công an tỉnh đã triển khai chiến dịch đồng bộ nhằm xử lý xe né trạm, dừng đậu tại các cây xăng, trục đường giao thông, khu vực tiếp giáp. Bước đầu, quá trình kiểm tra dọc tuyến đã ghi nhận hàng trăm xe dừng đậu, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý, chứng minh vi phạm, vận động tài xế đưa xe về trạm kiểm tra.
“Chúng tôi không phân biệt xe địa phương hay ngoại tỉnh và sẽ luôn bố trí lực lượng CSGT, công an địa phương, xe cẩu... để xử lý xe né trạm” - đại tá Lê Quốc Hùng nói.
Đại tá Lê Quốc Hùng cho biết thêm chiến dịch này cũng nhằm kiểm tra, xác minh thông tin xuất hiện cò bảo kê, lừa tài xế tại trạm cân. Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo nghiêm cấm lực lượng công an ăn cơm trong khi làm nhiệm vụ tại trạm cân nhằm tránh sơ hở để xe lọt trạm. Đồng thời đã kiến nghị Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên - Huế cắm các bảng dừng đậu 2 đầu trạm cân (5 km về mỗi phía); thống nhất xử lý tải trọng theo thiết kế xe, không xử phạt nếu xe vi phạm dưới 10%.
Bất lực trước cò xe
Trạm cân trọng tải ở tỉnh Bình Thuận được coi là một trong những cửa ải khó qua nhất của cánh tài xế lái xe quá tải bởi không thực hiện việc đóng chốt, kiểm tra một chỗ mà cho 2 ô tô liên tục đi tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ trên quốc lộ. Nếu phát hiện xe có dấu hiệu chở quá tải, lực lượng chức năng sẽ đuổi theo, yêu cầu đưa vào trạm cân kiểm tra. Tuy vậy, sau 2 ngày đêm theo dõi, chúng tôi nhận thấy vẫn còn một số xe có dấu hiệu quá tải lách được trạm cân này vào những giờ cao điểm từ 18h đến 20h và 22h đến 3h.
Lúc 18h ngày 31/7, tại trạm cân này, nhiều xe tải chủ động kéo bạt phủ phía sau lên cao, lộ phần thùng trống hoặc hàng hóa nhẹ để chạy qua trạm, khỏi bị kiểm tra. Nhân cơ hội xe tuần tra vừa rời khỏi trạm đi tuần, 1 xe tải có dấu hiệu chở quá tải đã luồn qua trạm.
Khoảng 20 phút sau, một chiếc xe nữa cũng vượt trạm bằng cách này. Từ 18h đến 20h ngày 31/7, thêm vài xe có dấu hiệu quá tải len lỏi giữa dòng xe container và xe khách đông đúc vượt trạm. Đến 3h ngày 1/8, xe lưu thông qua trạm khá nhiều. Hai chiếc xe tuần tra của trạm cân thay nhau đi tuần liên tục trên đường theo 2 hướng của trạm cân. Từ 3h đến 5h, dù lưu lượng xe tải và container qua trạm có dấu hiệu quá tải khá nhiều nhưng chỉ có 3 xe được đưa vào kiểm tra.Tình trạng tương tự cũng xảy ra vào chiều tối 1/8.
Ở trạm cân Bình Thuận có gần 50 cò xe túc trực suốt đêm ngày. Nhiều nhất là ở khu vực quán cà phê Thắng Hải (cách trạm cân chừng 100 m), một nhóm khoảng 7 người ẩn nấp, chia nhau theo dõi xe tuần tra và chỉ đạo, dẫn đường cho xe vượt trạm. Ở các khu vực đối diện trạm cân, chốt xe ôm, đường dẫn vào Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận… lúc nào cũng có hàng chục cò theo dõi mọi động tĩnh của trạm cân.
Xem những hình ảnh do chúng tôi cung cấp, ông Huỳnh Ninh Thạch, Chánh Thanh tra giao thông tỉnh Bình Thuận, cho hay thanh tra giao thông đi tuần chỉ cần nghe tiếng xe chạy ì ạch, nhìn độ lún bánh xe để nhận định xe quá tải hay không rồi mới đưa vào kiểm tra, chứ thấy xe nào cũng bắt vào sẽ gây phiền hà cho dân. “Tuy kiểm tra, nhận định bằng mắt thường nhưng khả năng phán đoán của anh em rất chính xác. Có thể những xe qua trạm do anh em cho rằng không quá tải nên không yêu cầu vào kiểm tra” - ông Thạch giải thích.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Long, Trạm trưởng Trạm Kiểm tra tải trọng lưu động tỉnh Bình Thuận, khẳng định: “Nếu đi trên Quốc lộ 1 thì khó có xe quá tải vượt trạm. Nhiều xe tải phủ bạt kín mít và nhô cao lên, nhìn bên ngoài có vẻ rất lớn, trông như quá tải nhưng thực tế lại rất nhẹ, khi đưa vào trạm kiểm tra thì không hề vượt tải”.
“Chúng tôi không thể làm gì được cò. Mọi động tĩnh của chúng tôi đều bị giám sát” - ông Thạch nói và cho hay đã có văn bản yêu cầu công an điều tra, xử lý nạn cò dẫn đường xe quá tải nhưng đến nay vẫn chưa thấy công an TP Phan Thiết hồi âm.