Phát biểu tại cuộc họp tổ sáng 9/6, thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội chia sẻ nhiều suy nghĩ xung quanh việc cấp thẻ căn cước thay thế cho CMND hiện hành. Ông Chung đề nghị ban soạn thảo dự án Luật Căn cước công dân cần phải quy định rõ ràng hơn về việc cấp, quản lý cơ sở dữ liệu căn cước công dân, thẩm quyền cập nhật, khai thác, dữ liệu quốc gia về dân cư…
Theo vị Giám đốc công an, Hà Nội đã triển khai thực hiện một dự án thu thập dữ liệu dân cư từ năm 2007 nhưng đến tới năm 2009 mới được phê duyệt. Để thực hiện dự án này, Hà Nội đã đầu tư tới 60 tỷ đồng, thuê công ty NEC của Nhật Bản viết chương trình phần mềm và triển khai thí điểm ở 5 quận nội thành.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Người đứng đầu lực lượng Công an Hà Nội cũng dẫn chứng thêm rằng chương trình thu thập dữ liệu dân cư sử dụng công nghệ của Hungary mà Bộ Công an triển khai thực hiện ở TP Hải Phòng đến nay cũng chỉ mới thu thập được khoảng 300.000 người dân.
Còn tại Hà Nội, nơi đang thực hiện cấp CMND 12 số trên toàn bộ thành phố thì đã có ý kiến đại biểu nói rằng việc này gây phiền hà. Nếu khi Luật Căn cước công dân có hiệu lực (dự kiến từ tháng 7/2015) thì sẽ tồn tại 3 loại giấy tờ gồm CMND 9 số, CMND 12 số và thẻ căn cước công dân.
“Đến năm 2020-2022 thì mới thực hiện trên toàn quốc thì toàn bộ người dân trên cả nước mới có thể sử dụng thẻ căn cước”, tướng Chung nêu.
Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, để giảm phiền hà cho người dân khi tiến hành thực hiện các giao dịch dân sự, công an đã cấp những xác nhận thay đổi CMND từ 9 số lên 12 số để người dân ép plastic. Tuy nhiên, có thể người dân sẽ luôn phải mang theo tờ giấy ép plastic này khi thực hiện các giao dịch từ nay tới năm 2020.
Theo đại biểu Chung, CMND 9 số đã ăn sâu vào rất nhiều giấy tờ của người dân nên việc thay thế bằng thẻ căn cước sau này sẽ gây ra ảnh hưởng rất lớn. “Tôi nghĩ rằng để thay đổi hết các loại giấy tờ hiện nay liên quan đến CMND cũ thì người dân phải đi lại mấy tháng mới làm xong hết được. Chúng ta phải nghiên cứu kỹ, nếu không sau này sẽ rất rắc rối”, ông nói.
Là người làm đứng đầu ngành công an của thủ đô song chính ông Chung cũng không rõ dự án luật này có trùng với Đề án 896 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ công dân hay không. “Ban soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá tác động, nếu không đánh giá hết tác động của nó tới luật khác sẽ tạo ra tốn kém của người dân”, thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đề nghị.
Chia sẻ lo lắng này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng ban soạn thảo dự án Luật Căn cước công dân cần tính toán kỹ lưỡng và đánh giá hết những tác động của việc cấp căn cước công dân thay thế cho CMND.
“Phải tính toán phương án thay thế cho giấy tờ cũ một cách đơn giản, thuận thiện. Chừng nào chưa tính toán được hết những vấn đề này thì chưa vội làm”, ông Nghị nói.