Bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nói rõ hơn quan điểm của Chính phủ trước luồng ý kiến đề xuất cấp thẻ căn cước ngay khi khai sinh.
- Hiện có ý kiến khác nhau về việc cấp giấy khai sinh hay thẻ căn cước công dân cho trẻ em khi sinh. Quan điểm của Bộ trưởng?
- Quan điểm nhất quán của Chính phủ là trẻ em sinh ra được cấp giấy khai sinh và đến tuổi nhất định được cấp CMND hay sau này gọi là thẻ căn cước công dân. Tuy nhiên, trong quá trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có ý kiến cho rằng, để tiết kiệm hơn nữa cho người dân nên cấp thẻ căn cước cho trẻ em ngay từ khi sinh ra, thay vì làm giấy khai sinh. Như vậy, trong đời người cũng chỉ có duy nhất thẻ căn cước công dân.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ trình phương án để Quốc hội ra quyết định.
Thay mặt Chính phủ, tôi đã có báo cáo về việc này, theo đó trẻ em sinh ra được cấp giấy khai sinh cho đến khi đủ 14 tuổi vì quy định của Bộ Luật hình sự quy định 14 tuổi đã phải chịu trách nhiệm hình sự và quản lý con người phải chặt chẽ hơn quản lý trẻ em. Quan trọng hơn nữa là hình ảnh để nhận dạng - mà hình ảnh phải cố định tương đối. Trẻ em từ mới sinh đến 14 cơ bản hình ảnh có nhiều thay đổi nên Chính phủ đề nghị giữ như qui định hiện hành, đến 14 tuổi cấp CMND hay sau này gọi là thẻ căn cước công dân là phù hợp Bộ Luật hình sự.
- Quá trình chuyển đổi CMND từ 9 số sang 12 số vừa qua gây nhiều phức tạp, thời gian tới lại có
thêm cả thẻ căn cước công dân. Cơ quan soạn thảo đã lường hết những khó khăn cho người dân?
- Trong tờ trình của Chính phủ nói rõ, CMND hay căn cước công dân là giấy tờ rất quan trọng của mỗi công dân. Khi ban hành thẻ căn cước công dân sẽ thay thế CMND. Đến lúc luật có hiệu lực sẽ cấp một loại là thẻ căn cước công dân, thay thế CMND nên không có chồng chéo thẻ này với thẻ khác.
Theo dự thảo Luật Căn cước, CMND vẫn có hiệu lực, đúng hơn là thẻ căn cước công dân sẽ cấp cho những người đến tuổi. Đối với CMND còn hiệu lực (vào thời điểm cấp thẻ căn cước công dân) thì vẫn tiếp tục có giá trị và người dân vẫn sử dụng để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình cho đến khi ết hạn (hoặc mất) phải đổi sang thẻ căn cước công dân.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Việc có giai đoạn tồn tại đồng thời cả CMND và thẻ căn cước công dân sẽ được cơ quan quản lý giải quyết như thế nào?
- Đúng là có một giai đoạn chuyển tiếp sẽ lưu hành cả hai loại giấy tờ này nhưng mỗi người chỉ có một loại. Còn đương nhiên mỗi luật ban hành đều có thời kỳ chuyển tiếp, đòi hỏi thời gian nhất định để giải quyết những vấn đề đang tồn tại.
Tuy nhiên, nếu thực hiện một cách khoa học thì không có vấn đề gì lớn.
- Chứng minh thư mẫu mới với 12 số có thời hạn 15 năm, đang
được một số nơi triển khai. Trong khi đó nếu được thông qua, đến giữa năm 2015,
Luật Căn cước công dân mới có hiệu lực. Nhiều ý kiến đề nghị dừng việc cấp chứng minh thư mẫu mới để tránh lãng phí, chồng chéo, ông nghĩ sao?
- Câu hỏi đó nên dành cho Bộ trưởng Công an thì chính xác hơn. Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề đổi chứng minh thư từ 9 sang 12 số là thí điểm. Chính phủ đã yêu cầu sơ kết thí điểm mới cho triển khai rộng.
Tôi ở Bộ Tư pháp, tôi chưa thấy sơ kết nên không biết về chủ trương triển khai tiếp như thế nào. Song, trong lúc đang chờ Quốc hội thảo luận vấn đề tên gọi của nó thế nào thì nên dừng việc cấp đổi, còn vẫn cứ cấp bình thường cho người đến tuổi.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội vừa có đề nghị tạm dừng cấp CMND theo mẫu mới sau cuộc khảo sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về căn cước công dân”.
Thường trực Ủy ban này cho rằng, trong khi Chính phủ đang trình Quốc hội dự án Luật Căn cước công dân, trước mắt đề nghị chỉ đạo tạm dừng việc cấp CMND theo công nghệ mới, trong đó có số chứng minh nhân dân 12 số tại thành phố Hà Nội và một số địa phương để bảo đảm ổn định trong quản lý và sử dụng CMND của công dân.
Qua khảo sát của Ủy ban Quốc phòng An ninh tại một số địa phương, tuy được đa số người dân đồng tình, ủng hộ việc cấp CMND theo mẫu mới, song cũng còn nảy sinh những bất cập do việc thay đổi số CMND. Trong khi đó, các tổ chức kinh tế - xã hội chưa được phổ biến hoặc chưa sẵn sàng chấp nhận số chứng minh mới nên việc giao dịch của công dân gặp khó khăn.