Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao lại gọi là thẻ căn cước, thay vì CMND?

"Công dân khi sinh ra có quyền được khai sinh, còn Nhà nước có quyền cấp giấy khai sinh hoặc thẻ căn cước và điều này sẽ được Quốc hội quyết định...", Đại tá Dung nói.

Giải thích thông tin thẻ căn cước không khác gì giấy chứng minh nhân dân nhưng thẻ căn cước sẽ được cấp cho công dân ngay từ khi sinh ra, đại tá Vũ Xuân Dung - cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an - cho biết thẻ căn cước có các nội dung cơ bản như chứng minh nhân dân (CMND) hiện nay và cũng chính là CMND. Tuy nhiên, CMND chỉ cấp cho những người từ đủ 14 tuổi trở lên, còn thẻ căn cước được Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyết định mở rộng diện cấp cho công dân dưới 15 tuổi, từ khi bắt đầu khai sinh.

Vì thế nên trong dự thảo quy định thẻ căn cước đối với người dưới 15 tuổi sẽ không có vân tay, ảnh, đặc điểm nhân dạng vì ở độ tuổi này những đặc điểm trên chưa ổn định. Khi công dân đủ từ 14 tuổi trở lên sẽ bổ sung các thông tin này. Các nội dung khác thì trong dự thảo luật vẫn giữ nguyên như CMND hiện nay mà chỉ có thay đổi tên CMND thành thẻ căn cước theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Với bản chất thẻ căn cước và CMND là một thì tại sao chúng ta không giữ lại tên gọi CMND cho đỡ tốn kém khi cấp lại, thưa ông?

- Khi soạn thảo luật, Bộ Công an cũng như Chính phủ kiến nghị với Quốc hội tên là Luật căn cước nhưng vẫn sử dụng tên thẻ là CMND. Bởi vì CMND là cái tên đã đi vào tiềm thức của chúng ta, được sử dụng từ năm 1976. Thứ hai là trong các văn bản, giấy tờ đều đang sử dụng là CMND, do đó để tận dụng hạ tầng thì chúng tôi có kiến nghị giữ nguyên tên gọi CMND trong Luật căn cước.

đại tá Vũ Xuân Dung - cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an.
Đại tá Vũ Xuân Dung - cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an.

Cũng tương tự như Luật cư trú nhưng sổ quản lý vẫn gọi là sổ hộ khẩu chứ không phải sổ cư trú. Khi ra thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì có nhiều thành viên đề nghị nên lấy tên thẻ căn cước cho phù hợp với tên gọi của luật nên chúng tôi phải thực hiện thay đổi theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thẩm định lần thứ nhất. Tên gọi cuối cùng còn phải chờ Quốc hội quyết định.

- Thẻ căn cước ra đời sẽ được sử dụng thay những loại giấy tờ nào?

- Thẻ căn cước công dân khi được cấp và tạo lập cơ sở dữ liệu sẽ liên kết với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tạo thành một hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử chính xác, thông suốt. Khi có cơ sở dữ liệu điện tử này thì trước hết sẽ bỏ được hộ khẩu và nếu như Quốc hội quyết định cấp thẻ căn cước từ khi công dân làm thủ tục khai sinh thì sẽ thay thế luôn được giấy khai sinh.

Công dân khi sinh ra có quyền được khai sinh, còn Nhà nước có quyền cấp giấy khai sinh hoặc thẻ căn cước và điều này sẽ được Quốc hội quyết định. Với thẻ căn cước được sử dụng thay thế giấy khai sinh, khi công dân sử dụng đối với những nơi đã có hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử sẽ nhanh chóng, thuận tiện hơn; đối với nơi còn dùng phương pháp thủ công thì chỉ cần đưa thẻ căn cước ra sẽ sử dụng như giấy khai sinh.

- Thưa ông, khi Luật căn cước có hiệu lực thì việc triển khai cấp thẻ căn cước thay thế CMND sẽ được thực hiện như thế nào và tốn kém hơn so với hiện nay hay không, nhất là khi chúng ta đã đầu tư hệ thống và đang thực hiện việc cấp giấy CMND theo mẫu mới?

- Theo dự thảo luật có đề nghị luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, nhưng để đảm bảo lộ trình triển khai và các công nghệ mới thì trong luật phải có chuyển tiếp cấp cho công dân theo quy định hiện hành và chậm nhất đến ngày 1/1/2020 sẽ phải triển khai theo quy định của Luật căn cước đồng bộ trên cả nước. Ở đây chúng ta phải hiểu rằng Bộ Công an đang triển khai hệ thống cấp CMND trên toàn quốc và khi cấp thẻ căn cước sẽ tận dụng luôn được hệ thống này.

Bản chất là toàn bộ thông tin được thu thập như CMND, lấy vân tay, chụp ảnh vẫn theo quy trình và đến khi cấp số thẻ căn cước chính là số CMND và số định danh hiện nay. Chỉ có thay đổi là tên thẻ căn cước thay cho CMND và chỉ cần thay đổi trên phôi thẻ nên không tốn kém gì. Về việc đổi CMND sang thẻ căn cước thì không bắt buộc đối với công dân đang sử dụng CMND còn thời hạn. Cụ thể, các trường hợp cấp mới sẽ cấp thẻ căn cước, các trường hợp đang sử dụng CMND còn thời hạn thì cứ sử dụng cho đến khi hết hạn xin cấp lại sẽ cấp thẻ căn cước. Cơ quan công an không có quyền bắt buộc công dân đổi sang thẻ căn cước.

Về kinh phí, dự án trước đây Bộ Công an đã trình, được Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 1 triển khai cấp 24 triệu CMND được cấp 467 tỷ đồng. Nếu chỉ cấp 24 triệu thẻ căn cước cũng không có ảnh hưởng gì, không phải đầu tư thêm nhiều nữa. Nếu theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì sẽ phải cấp 90 triệu thẻ căn cước cho 90 triệu dân nên sẽ cần thêm kinh phí. Thủ tướng đã cho phép thu lệ phí để đầu tư trở lại cho đến khi hoàn thành dự án nên sẽ đảm bảo việc cấp này. Trong trường hợp thiếu sẽ báo cáo Chính phủ hoặc lấy từ lệ phí để đầu tư thêm.

http://tuoitre.vn/ban-doc/604786/the-can-cuoc-se-thay-giay-khai-sinh-ho-khau.html

Theo Tuổi Trẻ

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm