Ông Robert Redfield phản hồi câu hỏi của Thượng nghị sĩ Jack Reed, là liệu với việc phủ nhận tầm quan trọng của đeo khẩu trang nơi công cộng, Tổng thống Trump có phải đã phá hoại một trong những biện pháp quan trọng nhất để người Mỹ bảo vệ mình hay không.
“Tôi sẽ không bình luận trực tiếp về tổng thống, nhưng tôi xin nói với tư cách giám đốc CDC rằng khẩu trang là một trong những công cụ y tế cộng đồng hữu hiệu nhất mà chúng ta có”, ông Redfield nói.
“Tôi còn dám nói rằng khẩu trang còn bảo đảm hơn vaccine Covid-19 trong việc bảo vệ tôi, vì khả năng gây phản ứng miễn dịch (immunogenicity) của vaccine có thể chỉ là 70%. Và tôi là người không tạo được phản ứng miễn dịch, vaccine sẽ không bảo vệ được cho tôi, nhưng khẩu trang thì có”.
Giám đốc CDC Mỹ Robert Redfield đeo khẩu trang trong một cuộc điều trần ngày 31/7 ở Washington, D.C. Ảnh: Getty Images. |
Theo Business Insider, khả năng gây phản ứng miễn dịch là một khái niệm quan trọng của vaccine, và vaccine lý tưởng sẽ có khả năng tạo miễn dịch 100%, bảo vệ được mọi người tiêm vaccine khỏi virus. Nhưng đối với virus corona hiện tại, các nhà nghiên cứu không nhắm đến tỷ lệ 100%, ít ra là trong giai đoạn này. Họ chủ yếu tìm cách để giảm lây lan.
Chẳng hạn, vaccine thử nghiệm giai đoạn 3 (giai đoạn cuối thử nghiệm trên người trước khi được cấp phép) của công ty Moderna chỉ đặt mục tiêu chứng tỏ có độ hiệu quả phòng Covid-19 là 60%.
Thậm chí, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết sẽ cấp phép cho vaccine mà độ hiệu quả thấp hơn nữa. Ứng viên vaccine chỉ cần hiệu quả hơn giả dược (placebo) ít nhất là 50%.
Vì nguyên nhân này, các vaccine đợt đầu sẽ không thể giúp cuộc sống trở lại bình thường ngay lập tức, và cũng chưa thể khiến khẩu trang trở nên vô dụng, theo Maria Elena Bottazzi, nhà nghiên cứu vaccine tại Trường Y Baylor ở Houston, Texas.
“Lúc mà bạn có vaccine không có nghĩa là bạn có thể vứt khẩu trang đi”, bà Bottazzi nói với Business Insider. “Tôi hy vọng mọi người không coi đây là giải pháp màu nhiệm cho tất cả”.
Trên thực tế, khẩu trang không phải là thứ có thể kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể, vì vậy không thể so sánh trực tiếp hiệu quả của khẩu trang với vaccine, theo Business Insider.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã cho thấy khẩu trang có hiệu quả trong việc giảm lây lan virus corona.
Nghiên cứu tháng 6 đăng trên tạp chí Health Affairs, cho thấy ở 15 bang tại Mỹ, việc bắt buộc đeo khẩu trang khiến tỷ lệ lây lan giảm. Ba tuần sau khi bắt buộc đeo khẩu trang, tốc độ tăng số ca nhiễm chỉ dưới 2%.
Ngoài ra, một phân tích ban đầu trên 194 nước cho thấy những nước có thói quen hay có hướng dẫn đeo khẩu trang chỉ ghi nhận mức tăng 7% về số ca tử vong trên đầu người sau ca nhiễm đầu tiên, so với 55% ở các nước không có khuyến cáo khẩu trang.
Một nghiên cứu cụ thể ở Missouri cho thấy hai thợ cắt tóc tiếp xúc với 140 khách sau khi đã nhiễm Covid-19. Hai thợ cắt tóc này đeo khẩu trang, và trong các khách mà nghiên cứu này liên lạc được, không ai dương tính với virus corona.
CDC Mỹ hiện khuyến cáo mọi người đeo khẩu trang ở nơi công cộng và khi ở gần những người không cùng hộ gia đình với mình.
Bản thân Giám đốc Redfield từ trước cũng là người ủng hộ đeo khẩu trang diện rộng. “Nếu mọi người đeo khẩu trang ngay bây giờ, tôi thực sự nghĩ chỉ trong 4 tuần, 5 tuần, hay 8 tuần nữa... chúng ta có thể kiểm soát được dịch bệnh”, ông Redfield nói trong một cuộc phỏng vấn.