Sau khi Zing.vn đăng bài "Cận cảnh vết khoan, giàn thép xâm hại tháp Bánh Ít", ngày 8/5, Giám đốc Bảo tàng Bình Định Đặng Hữu Thọ cho rằng những vết thủng lớn trên tường tháp Chăm nghìn tuổi là do trúng đạn pháo từ thời chiến tranh.
Khoan tháp cổ không xin phép vì đơn giản
"Tường tháp Chăm cổ có nhiều lổ thủng do trúng đạn pháo từ thời chiến tranh chống Mỹ. Chúng tôi từng kiến nghị phục hồi, trùng tu nhưng các chuyên gia Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đề xuất giữ nguyên trạng", ông Thọ nói.
Vết thủng lớn trên tường tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Ảnh: Minh Hoàng. |
Trong khi đó, hai ngày qua, hàng loạt tài khoản trên các trang mạng xã hội chia sẻ hình ảnh tháp Đôi (TP Quy Nhơn) và tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước) - di sản văn hóa lịch sử cấp quốc gia trong quần thể tháp Chăm cổ bị xâm hại.
Vị Giám đốc Bảo tàng Bình Định từng thừa nhận với các cơ quan báo chí biển quảng bá của ngành du lịch Bình Định trên các tháp Đôi và tháp Bánh Ít là do Ban Quản lý di tích tỉnh Bình Định (thuộc Bảo tàng Bình Định) thực hiện.
Ông Thọ cho rằng mục đích của việc gắn bảng quảng bá là để du khách có điểm chụp ảnh kỷ niệm, đồng thời giới thiệu cho du khách về tên tháp, giá trị mỹ thuật của tháp… Slogan gắn trên các tháp đã được Bảo tàng Bình Định xin ý kiến Sở Du lịch, Sở Ngoại vụ và Sở Văn hóa Thể thao. Nhưng việc khoan vào tháp lại không xin ý kiến vì "thấy đơn giản nên tự ý làm luôn".
"Chúng tôi gắn hai thanh giằng bằng thép, sau đó khoan 4 lỗ trên tường tháp Chăm, đính vít cho vừa con ốc 8 để gắn biển quảng bá du lịch. Sau khi du khách phản ứng, Sở Văn hóa Thể thao đã yêu cầu chúng tôi tháo dỡ xuống", ông Thọ phân trần.
Kẻ trộm khoét tường tháp tìm đồ cổ?
Trước đó, ngày 7/5, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay việc khoan, đục tường tháp Chăm cổ lắp đặt giàn sắt thép để gắn biển giới thiệu tên di tích, quảng bá du lịch là sai phạm trong quản lý di tích, vi phạm Luật Di sản.
Toàn cảnh cụm tháp Bánh Ít trên đỉnh đồi ở huyện Tuy Phước. Ảnh: Minh Hoàng. |
"Tỉnh hoàn toàn không đồng tình và yêu cầu cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, bảo tồn di tích, chấn chỉnh không lặp lại tình trạng này thời gian tới", ông Thanh nói.
Hàng chục năm nghiên cứu văn hóa Việt Nam, phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Văn Doanh, cho rằng thời kỳ chiến tranh, một số tháp Chăm cổ từng bị sụp đổ do trúng đạn pháo. Tuy nhiên, để xác định vết thủng trên tường tháp cổ có từ khi nào, nguyên nhân do đâu thì cần phải nghiên cứu cụ thể mới sáng tỏ.
"Quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học từng kết luận có tình trạng một số kẻ xấu từng đục, khoét để lại nhiều vết thủng trên tường tháp tìm trộm đồ cổ", ông Doanh nói.
Liên quan đến không gian thờ nữ thần Siva làm bằng đá thiêng liêng của tháp chính cụm tháp Bánh Ít bốc mùi phân chim, Giám đốc Bảo tàng Bình Định Đặng Hữu Thọ thừa nhận đơn vị đang "đau đầu" tình trạng này.
"Chúng tôi đã đặt xung điện từ lâu nhưng loài dơi (thông tin ban đầu là chim yến) bay đi rồi cũng quay về đây trú ngụ. Trên đỉnh tháp có lổ thông, nếu bịt cửa bên dưới thì phía trên dơi cũng bay vào trong lòng tháp chính Bánh Ít làm phân rơi vãi khắp nơi, chưa biết cách nào để xử lý triệt để", ông Thọ trần tình.