Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giảm điều kiện cấp thẻ nhà báo lần đầu

Luật Báo chí thông qua sáng 5/4 đã bổ sung quy định về việc bảo vệ phóng viên, người làm báo chưa có thẻ nhà báo; giảm điều kiện cấp thẻ lần đầu xuống còn 2 năm công tác liên tục.

Với 6 chương, 61 điều, Luật Báo chí sẽ chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2017.

Theo báo cáo tiếp thu, giải trình của cơ quan soạn thảo (sau đó được các đại biểu Quốc hội nhất trí), Luật Báo chí có một số thay đổi so với trước đây.

Luat bao chi anh 1

Luật quy định giảm điều kiện về thời gian công tác liên tục để được xét cấp thẻ lần đầu cho người làm báo từ 3 xuống 2 năm. Ảnh: 

Hoàng Hà.

Tăng cường bảo vệ người làm báo

Tiếp thu ý kiến đại biểu, ngoài những quy định về phóng viên đã có, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung chủ thể "phóng viên" tại khoản 12 Điều 9: cấm hành vi “Đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.

Điều 9 của Luật cũng quy định chi tiết hàng loạt các hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí.

Công tác 2 năm có thể được cấp thẻ nhà báo

Luật quy định với người được cấp thẻ lần đầu: là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam; tốt nghiệp đại học trở lên; phải có thời gian công tác liên tục tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ 2 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ, trừ tổng biên tập tạp chí khoa học và những trường hợp khác theo quy định của pháp luật; được cơ quan báo chí hoặc cơ quan công tác đề nghị cấp thẻ nhà báo.

Hiện, điều kiện về thời gian công tác liên tục để được xét cấp thẻ là 3 năm.

Riêng trường hợp là người dân tộc thiểu số đang thực hiện các ấn phẩm báo in, chương trình phát thanh, truyền hình, chuyên trang báo điện tử bằng tiếng dân tộc thiểu số phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên.

Cũng liên quan tới thẻ nhà báo, với trường hợp người được cấp thẻ nhà báo bị thu hồi thẻ vì bị khởi tố bị can, khi có kết luận không phạm tội của cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan quản lý nhà nước về báo chí phải “trả lại” thẻ thay vì làm thủ tục “cấp lại” thẻ.

Về đề nghị bổ sung quy định phóng viên, nhà báo không được sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền trái với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí: Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là quyền tự do ngôn luận của công dân đã được hiến định nên không thể đưa nội dung này vào dự thảo Luật. Trường hợp thấy cần thiết phải quản lý những hoạt động trên, cơ quan báo chí có thể quy định nội dung này tại quy chế hoạt động của cơ quan báo chí đó. 


Nguyễn Hưng

Bạn có thể quan tâm