Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người đứng đầu tòa báo dễ mất ngủ vì tin nhắn lúc đêm khuya

"Người đứng đầu tòa báo rất dễ mất ngủ khi nhận tin nhắn chỉ đạo vào đêm khuya, khi những bài báo sắp qua nhà in", bà Đoàn Nguyễn Thùy Trang phát biểu sáng 26/11.

Dự thảo Luật báo chí có 30 điều mới và số điều sửa đổi nhiều tương đương. Tuy nhiên, nội dung dự thảo dù mang nhiều thay đổi vẫn chưa làm các đại biểu hết băn khoăn.

Đề nghị luật hóa quy chế phát ngôn

Theo đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ), với sự phát triển nhanh chóng, bên cạnh mặt tích cực, hoạt động báo chí đã bộc lộ nhiều hạn chế​, nhiều loại hình không còn còn phù hợp.

"Qua nghiên cứu, tôi thấy dự thảo chưa làm rõ nội dung, đặc biệt quyền tự do báo chí của công dân cũng như thực tiễn quản lý báo chí", bà Thắm nhận xét.

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang. Ảnh: quochoi.vn.
Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang. Ảnh: quochoi.vn.

Từ thực tiễn hoạt động, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang đề nghị giải thích cụ thể  hơn khái niệm tự do báo chí. Theo bà, luật cần quy định rõ để quy chế phát ngôn thực hiện nghiêm túc, cung cấp thông tin cho báo chí và "không để lại khoảng trống thông tin dẫn đến suy diễn, đồn đoán" như vừa qua.

"Một số địa phương, đơn vị né tránh hoặc tìm cách không cung cấp thông tin cho báo chí. Tôi đề nghị Luật hóa quy chế phát ngôn, bổ sung cụ thể vào luật", bà Trang nói.

Theo nữ đại biểu, quyền tự do báo chí còn thể hiện ở việc lãnh đạo chỉ đạo định hướng thông tin. Theo đó, các cơ quan chức năng cần chủ động tạo điều kiện hơn cho báo chí thực hiện nhiệm vụ của mình.

"​Các cơ quan báo chí không ngại khó nhưng thật lòng mà nói những người đứng đầu các tòa báo rất dễ mất ngủ khi nhận những tin nhắn chỉ đạo vào thời điểm đêm khuya, khi những bài báo sắp qua nhà in. Thiết nghĩ dự thảo luật cần có những quy định rõ ràng trong trách nhiệm của việc chỉ đạo định hướng thông tin trên báo chí", nữ đại biểu đang là Phó tổng biên tập một tờ báo ở TP HCM chia sẻ.

Bà còn đề nghị quy định cơ chế đảm bảo quyền tác nghiệp của nhà báo; bổ sung nội dung xử phạt hành chính hoặc hình sự với tổ chức cá nhân cản trở tác nghiệp của nhà báo.

Sửa đổi mang tính chất "bịt lỗ rò"

Không góp ý vào các điều luật cụ thể, song với thực tiễn hàng chục năm hoạt động báo chí, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, dự thảo luật sửa đổi lần này mang tính chất "bịt lỗ rò" nhiều hơn. Những điều cấm nên áp dụng theo Luật Hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ… thay vì dẫn chiếu vào Luật Báo chí. Dự thảo vì thế tưởng chừng như chặt chẽ nhưng thực ra lại hạn chế quyền tự do ngôn luận.

"Dự luật chỉ tập trung vào báo chí chính trị, xã hội mà bỏ quên những tầng nấc khác như giải trí, sức khỏe và không bao quát hết đời sống báo chí", ông bình luận.

Trên cương vị Tổng biên tập báo Nhân dân, đại biểu Nguyễn Hữu Thuận chia sẻ khó khăn khi vai trò của Hội Nhà báo được đề cập với nhiều nhiệm vụ song lại không quy định quyền để hoàn thành nhiệm vụ đó. Ông cũng cho rằng, trong tờ trình, việc giải thích tác nghiệp của nhà báo không phải là thi hành công vụ là không thỏa đáng.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) thì đề nghị không né tránh truyền thông xã hội trong dự thảo luật. Bởi, với mỗi người, hiện, chỉ cần một chiếc điện thoại là có thể trở thành một nhà báo, một tờ báo... gây ảnh hưởng lớn trong dư luận xã hội.

Bỏ quên đội ngũ nhà báo chưa được cấp thẻ

Góp ý về chủ thể người làm báo, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang nhắc lại, một người trước khi thành nhà báo được cấp thẻ cần ít nhất 3 năm là phóng viên. Tuy nhiên, dự thảo luật bỏ quên lực lượng phóng viên này.

"Chủ thể này cần được luật hóa để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của họ", bà nói.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị xem xét thời hạn 3 năm theo hướng linh hoạt hơn . "Có người 1 năm đã có tác phẩm được giải báo chí trong trong khi có người 5-10 năm làm báo nhưng ít tin bài. ​Hay người ra trường với học lực giỏi phải chờ 3 năm mới được cấp thẻ là không hợp lý", ông nói.

Theo dự kiến, dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) sẽ được thông qua vào kỳ họp đầu năm 2016.

Tập đoàn truyền thông là xu hướng tất yếu của báo chí

Được nhìn nhận là xu hướng tất yếu nhưng quy định về tập đoàn, tổ hợp truyền thông đa phương tiện không được nhắc đến trong dự thảo Luật Báo chí sửa đổi.

Nguyễn Hưng

Bạn có thể quan tâm