Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tập đoàn truyền thông là xu hướng tất yếu của báo chí

Được nhìn nhận là xu hướng tất yếu nhưng quy định về tập đoàn, tổ hợp truyền thông đa phương tiện không được nhắc đến trong dự thảo Luật Báo chí sửa đổi.

Chiều 4/11, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trình Quốc hội dự thảo Luật Báo chí sửa đổi. Sau 16 năm thi hành, Luật Báo chí bộc lộ nhiều bất cập; cộng thêm quy định của Hiến pháp 2013, việc sửa đổi đạo luật này là cần thiết.

Dự thảo luật trình Quốc hội lần này gồm 6 chương, 59 điều trong đó có 30 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật hiện hành.

Cơ quan soạn thảo trình Quốc hội xem xét dự luật với nhiều quy định sửa đổi liên quan tới quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; các hành vi bị cấm, lãnh đạo cơ quan báo chí…

Ông Đào Trọng Thi. Ảnh: quochoi.vn.

Tán thành với cơ quan soạn thảo về tính cần thiết của việc sửa đổi, song, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội – cơ quan thẩm tra – đề nghị bổ sung, hoàn thiện nhiều nội dung.

Về mô hình hoạt động và kinh tế, cơ quan thẩm tra cho hay, hiện chỉ có 284/845 cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như các doanh nghiệp thuộc khối văn hóa. Đa số còn lại hoạt động dưới dạng bao cấp toàn bộ hoặc một phần, làm tăng gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

“Dự thảo Luật cần quy định theo hướng sắp xếp, tổ chức lại, đặc biệt là các cơ quan báo chí của cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách nhà nước nhằm nâng cao chất lượng và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước”, ông Đào Trọng Thi nói.

Nhắc đến mô hình tập đoàn/tổ hợp truyền thông đa phương tiện, cơ quan thẩm tra cho rằng, đây là xu hướng phát triển tất yếu của báo chí nước ta. Trong khi đó, dự luật chưa hề có quy định.

“Dự thảo luật sửa đổi cần quan tâm đến nội dung này để có những quy định phù hợp”, cơ quan thẩm tra để nghị.

Về cung cấp thông tin cho báo chí, Khoản 3 Điều 37 dự thảo quy định: “Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”.

Điều 26 của dự thảo luật quy định: Tuổi đảm nhiệm chức danh người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không quá tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về lao động. 

Đối với cơ quan báo chí thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tuổi đảm nhiệm chức danh người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu có thể cao hơn tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về lao động nhưng tối đa không quá 5 năm

Đa số ý kiến cho rằng, việc bảo vệ nguồn tin của báo chí là vô cùng quan trọng đối với người làm báo. Thực tế hiện nay, loại tội phạm nghiêm trọng rất phổ biến và đa dạng.

“Nếu quy định như dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Do đó, đề nghị chỉ nên yêu cầu việc tiết lộ nguồn tin đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”, Chủ nhiệm Đào Trọng Thi nói.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, luật sửa đổi cần thiết phải có quy định về các trường hợp cơ quan nhà nước được từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.

Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi sẽ trải qua phiên thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường ở kỳ họp Quốc hội lần này và được xem xét thông qua vào kỳ họp đầu năm 2016.

Khoản 1 Điều 10 với 12 điểm bổ sung các nội dung bị cấm thông tin trên báo chí:

+ Lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

+ Thông tin về những chuyện thần bí, các vấn đề khoa học mới mà chưa được kết luận, gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng.

+ Thông tin về thân nhân và các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực khi không có căn cứ cho rằng những thân nhân và các mối quan hệ đó liên quan đến vụ án, vụ việc tiêu cực hoặc chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, làm ảnh hưởng xấu đến đời tư của công dân.

+ Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em; thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án.

Nguyễn Hưng

Bạn có thể quan tâm