Ginger Sherry quá quen thuộc với Moshing - phong cách khiêu vũ cực đoan - trong đó những người tham gia đẩy hoặc đâm vào nhau trên nền nhạc heavy metal và punk rock. Là người thích xem hòa nhạc, Sherry hiểu rằng đôi khi những pha phạm lỗi trong show nhạc, ví dụ làm đổ bia vào người khác, sẽ xảy ra.
Nhưng tại các buổi biểu diễn ngày nay, cô gái 25 tuổi nhận thấy khán giả đã hung hăng hơn. Sherry từng chứng kiến trong khu vực được gọi là "hố" (Moshpit) ngay gần sân khấu, những bạn trẻ xô đẩy nhau quá mức, ném đồ đạc tứ tung. Cảnh tượng trở nên cực kỳ hỗn loạn.
"Văn hóa Moshing thay đổi nhiều sau đại dịch Covid-19. Nhìn chung, tôi cảm thấy mọi người không còn hiểu về nghi thức hòa nhạc nữa", Sherry nói.
Sự hỗn loạn trên sân khấu ca nhạc
Trên mạng xã hội, Sherry và hàng loạt khán giả khác chia sẻ trải nghiệm của họ tại một số concert gần đây. Có người kể đã nhìn thấy nhiều nhóm khán giả đánh nhau, hoặc từng bị người khác làm cho xấu hổ bởi hành vi la hét, cố tình gây sự.
Theo chuyên gia văn hóa Kalhan Rosenblatt của NBC News, môi trường hòa nhạc vốn thân thiện đã bị xáo trộn khi số đông bỏ qua các chuẩn mực cư xử trong xã hội.
Hiện trạng xấu xí này khiến Sherry mở kênh tư vấn cách cư xử khi đi xem ca nhạc. Trong đó, cô khuyên mọi người không mang bia vào khu vực Moshpit.
Sherry chia sẻ: "Tôi muốn làm video hướng dẫn nghi thức thích hợp trong concert hoặc trong một đám đông và làm thế nào để được tôn trọng. Năng lượng đám đông rất dễ lây lan. Mọi người có thể mất kiểm soát và bộc phát hành động nguy hiểm khi ở cùng nhiều người khác".
Tình trạng hỗn loạn phía dưới sân khấu đe dọa sự thành công của show nhạc. Ảnh: Revolvermag. |
Cuộc thảo luận xung quanh vấn đề này lan rộng khi Taylor Swift và Beyoncé bắt đầu chuyến lưu diễn khắp thế giới. NBC News cho rằng hành vi xấu trong show nhạc bắt nguồn từ việc fan muốn cạnh tranh với nhau để quay được video đẹp nhất hoặc chiếm vị trí đứng gần thần tượng nhất.
"Họ bất chấp mọi thứ để có video chất lượng vì cơ hội viral trên mạng sẽ cao hơn. Tôi tin dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi xã hội của nhiều người", một khán giả phát biểu.
Hannah Hawthorne, 27 tuổi, kể rằng khi dự các show nhạc trước đại dịch, cô thấy mọi người đều thể hiện chừng mực và xem đây là không gian an toàn để giải trí, chia sẻ tình yêu âm nhạc. Nhưng sau hơn hai năm giãn cách, mọi thứ trong mắt Hawthorne đã thay đổi theo hướng tiêu cực.
Chờ đợi nhiều tháng để xem The Eras Tour của Taylor Swift, cuối cùng Erin Dihn cũng đặt chân tới show diễn ở Glendale, Arizona hồi tháng 3. Cô gái 27 tuổi này bị tàn tật, gặp vấn đề hô hấp nên được nhân viên nhà thi đấu đẩy xe lăn vào trong.
Khán giả bắt đầu tràn vào, đông quá sức tưởng tượng của Dihn, khiến cô choáng ngợp. Dihn sau đó dùng điện thoại ghi lại video trải nghiệm, cả những khoảnh khắc đẹp và xấu xí. Một trong những clip của Dihn cho thấy nhóm người cười cợt, chế giễu một cô gái đang ngồi mệt lả vì cạn kiệt năng lượng.
"Thành thật mà nói, dù bất kỳ lý do gì, việc cô ấy ngồi xuống chẳng có gì nghiêm trọng cả. Các bạn không cần phải quay phim cô ấy và cố tình làm cho cô ấy xấu hổ", Dihn bức xúc nói.
Nghệ sĩ cũng cần được bảo vệ
Phát biểu trên NBC News, David Thomas - giáo sư nghiên cứu pháp y tại Florida Gulf Coast University - nhận định các địa điểm tổ chức show nhạc tương đồng với mạng xã hội ở chỗ khán giả/người dùng có thể ẩn danh. Điều này cho phép họ thoải mái thể hiện những hành động tệ nhất.
Giáo sư xem cảnh hàng nghìn người hâm mộ uống rượu say và tranh giành nhau quay video về thần tượng chẳng khác nào "quả bom đang chờ phát nổ".
"Những điều bạn nghĩ người bình thường không làm, hoặc những điều đi ngược giá trị xã hội, lại hoàn toàn được nhìn thấy trong đám đông. Bạn sẽ có cảm giác không còn là chính mình trong đám đông ấy", Thomas, cựu sĩ quan cảnh sát có chuyên môn về tâm lý đám đông, cho biết.
Lễ hội âm nhạc Astroworld của Travis Scott hồi năm 2021 là ví dụ điển hình nhất cho hậu quả của sự hỗn loạn và bạo lực trong show nhạc. Theo People, niềm vui ở công viên NRG ở Houston bỗng chốc biến thành thảm kịch giẫm đạp lên nhau, khiến 10 người tử vong, hơn 4.900 người trong tổng số 50.000 khán giả bị thương.
Là người yêu thích Scott nhưng may mắn không dính vào lễ hội âm nhạc tai tiếng, khán giả tên Sherry nói: "Biện pháp giữ an toàn phải được ưu tiên hàng đầu vì chẳng ai muốn thấy cảnh hàng dài người gục xuống trong một show nhạc đầy niềm vui cả".
Sự nghiệp của Travis Scott điêu đứng sau lễ hội âm nhạc Astroworld tháng 11/2021. Ảnh: Page Six. |
Bản thân nghệ sĩ cũng cần được bảo vệ tuyệt đối trước hành vi xấu, theo NBC News.
Hồi tháng 3, Page Six đưa tin Harry Styles bị ném chai nhựa vào vùng nhạy cảm trong lúc biểu diễn ở United Center (Chicago, Mỹ). Vụ việc tương tự xảy ra với cựu thành viên One Direction vào năm 2015, khiến anh phải nằm xuống sàn vì đau đớn.
Nhiều năm trước, Justin Bieber bị antifan ném chai nước vào người khi đang hát ở Brazil, và chẳng may nó đáp trúng tay khiến mirco của anh văng xuống đất. Nam ca sĩ khựng lại vài giây rồi quyết định bỏ thẳng vào cánh gà.
Beyoncé, Lady Gaga, Tyler the Creator, Robbie Williams, XXXTentacion... cũng từng là nạn nhân của những vụ tấn công. Họ yêu cầu khán giả dừng ngay việc này lại.
Theo Hollywood Reporter, thực trạng hiện này làm dấy lên hồi chuông cảnh báo mối nguy hiểm tiềm tàng và nỗi sợ hãi, lo lắng của cả nghệ sĩ và khán giả về độ an toàn ở sự kiện đông người. Thảm kịch chết chóc, nghệ sĩ bị tấn công... là dấu hiệu cho thấy ban tổ chức các show nhạc đang ưu tiên lợi nhuận hơn tính mạng con người.
Thế giới âm nhạc qua những cuốn sách
Năm 1981, nhóm nhạc ở Anh gồm hai thành viên Andrew Ridgeley và George Michael được thành lập với tên gọi Wham!. Chỉ trong thời gian 1982-1986, Wham! đã vang danh vì bán được hơn 28 triệu bản thu trên toàn thế giới.
Ký ức đầy cảm động về ban nhạc huyền thoại ngày ấy được kể lại trong cuốn hồi ký của Andrew Ridgeley. Mới đây, bản tiếng Việt của sách với tiêu đề Wham! - George & tôi: Hồi kí có mặt tại Việt Nam nhân dịp 5 năm ngày mất George Michael và 37 năm ngày phát hành bản nhạc Last Christmas nổi tiếng của ban nhạc này.