Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể mất 15 năm

Cố vấn hàng đầu của chính phủ Mỹ hoài nghi mục tiêu “phi hạt nhân hóa nhanh chóng” trong vấn đề Triều Tiên khi quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân nước này có thể kéo dài 15 năm.

Siegfried S. Hecker, giáo sư đại học Stanford, là cố vấn hàng đầu của chính phủ Mỹ trong vấn đề vũ khí hạt nhân, theo New York Times. Ông từng giữ chức giám đốc Phòng thí nghiệm Vũ khí Quốc gia Los Alamos ở New Mexico. Hecker có 4 lần tham quan cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên và là nhà khoa học duy nhất của Mỹ được đến cơ sở làm giàu uranium của nước này.

Hecker cho rằng việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ tốn rất nhiều thời gian và kịch bản tối ưu cho Mỹ là một lộ trình từng phần, trước tiên nhắm đến những yếu tố nguy hiểm nhất trong chương trình vũ khí hạt nhân.

“Chúng ta đang đề cập đến hàng chục bãi thử, hàng trăm tòa nhà và hàng nghìn con người”, ông nhấn mạnh mức độ phức tạp của nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

3 bước giải trừ hạt nhân Triều Tiên

Ngày 28/5, trên trang mạng của đại học Stanford, giáo sư Hecker công bố nghiên cứu đề xuất các bước giải trừ vũ khí và lộ trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Công trình còn có sự hợp tác 2 chuyên gia thuộc Trung tâm An ninh và Hợp tác Quốc tế (CISC) là Elliot A. Serbin, nhà nghiên cứu cấp cao của Stanford và Robert L. Carlin, cựu chuyên viên phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Bộ Ngoại giao Mỹ từng có 30 lần đến Triều Tiên.

Các chuyên gia chia lộ trình phi hạt nhân hóa làm 3 phần diễn ra song song với tổng thời gian hoàn thành là 10 năm.

hat nhan Trieu Tien anh 1
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Pukkuksong của Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Phần thứ nhất kéo dài 1 năm buộc Triều Tiên chấm dứt mọi hoạt động quân sự, sản xuất và nhân sự liên quan đến chương trình hạt nhân quốc gia. Phần thứ hai diễn ra trong 5 năm, Triều Tiên sẽ cắt giảm dần quy mô các cơ sở, điểm thử và kho vũ khí hạt nhân. Giai đoạn cuối cùng dự kiến hoàn thành trong 10 năm, phá hủy các nhà máy và kết thúc chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Ông Hecker cho biết mỗi lò phản ứng hạt nhân của Triều Tiên sẽ tốn khoảng 10 năm để chấm dứt hoạt động và khử phơi nhiễm phóng xạ. Ông dự đoán Triều Tiên và Mỹ sẽ còn phải giải quyết những khúc mắc về mặt chính trị và kỹ thuật cho thỏa thuận phi hạt nhân hóa, do vậy tổng thời gian để giải trừ vũ khí hạt nhân có thể kéo dài đến 15 năm.

New York Times tiết lộ đề xuất của nhóm các chuyên gia Stanford đã được một số quan chức chính phủ và thành viên lưỡng viện Mỹ tiếp cận.

Phi hạt nhân hóa vẫn còn xa

Khác với những mô tả của giới chính trị gia và những buổi bình luận trên truyền hình Mỹ, lộ trình đề xuất bởi Hecker và những cộng sự cho thấy “phần chìm của tảng băng” đàm phán hạt nhân Triều Tiên: Khối lượng công việc khổng lồ trong phá hủy những cơ sở hạt nhân và nhiều thập niên thanh sát quốc tế.

Chính phủ của Tổng thống Donald Trump chỉ đề cập khái quát về quá trình phi hạt nhân hóa phải diễn ra nhanh chóng, toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Một phái đoàn quan chức Mỹ đang có mặt tại Triều Tiên để bàn thảo về những nội dung có thể nằm trong chương trình nghị sự thượng đỉnh Singapore. Tuy nhiên, những chi tiết cụ thể về kế hoạch phi hạt nhân hóa vẫn chưa được Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ.

hat nhan Trieu Tien anh 2
Cơ sở nghiên cứu hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên. Ảnh: Yonhap.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John R. Bolton giữa tháng 5 từng đề cập đến khả năng vân dụng “mô hình Libya” vào thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên. Nếu đúng như đề xuất này, Bình Nhưỡng sẽ phải chuyển vũ khí và thiết bị hạt nhân đến Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge, bang Tennesse của Mỹ. Đây cũng là nơi tiếp nhận trang thiết bị làm giàu uranium của Libya năm 2004.

Nhóm chuyên gia của Stanford trong khi đó cho rằng chỉ có các nhà khoa học Triều Tiên mới có thể vô hiệu hóa vũ khí và cơ sở hạt nhân nước này một cách an toàn nhất.

Nhóm cũng đề xuất giám sát nghiêm ngặt lò phản ứng nước nhẹ tại Yongbyon, được cho là một nhà máy điện hạt nhân dân sự. “Triều Tiên sẽ không chấp nhận phá ủy tất cả . Nhiều cơ sở không phải mối đe dọa. Nhiều rủi ro vẫn nằm trong tầm kiểm soát”, ông Hecker nhận định.

hat nhan Trieu Tien anh 3
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) gặp ông Kim Jong Un tại Bình Nhưỡng ngày 9/5. Ảnh: KCNA.

Washington có thể đang để ngỏ số phận nhiều vấn đề trong chương trình hạt nhân Triều Tiên để đàm phán. Phi hạt nhân hóa hoàn toàn là một yêu cầu rất lớn đối với Bình Nhưỡng. Chương trình hạt nhân mang ý nghĩa then chốt đối với chiến lược quân sự và ngoại giao nước này trong nhiều năm qua.

Tại phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 24/5, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói ông cần thêm “không gian để đàm phán” đối với vấn đề năng lượng hạt nhân dân sự của Triều Tiên. Tổng thống Trump trong tuần qua cũng có 2 lần nhận định giải trừ hạt nhân ngay lập tức sẽ là bất khả thi đối với Triều Tiên.

Lộ trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên sẽ rõ hơn sau cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Hai nước đang ráo riết tổ chức những cuộc gặp cấp cao với hy vọng thượng đỉnh diễn ra đúng kế hoạch ban đầu, mở ra một chương mới trong quan hệ Mỹ - Triều.

Xây dựng thành công một mối quan hệ mới giữa 2 nước chính là yếu tố then chốt trong nỗ lực kết thúc toàn bộ chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên. Bình Nhưỡng chỉ cân nhắc phi hạt nhân hóa khi an ninh quốc gia không còn phụ thuộc vào bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Hecker nhận định.

18 giờ từ tàu hạng sang tới vụ nổ thổi bay bãi thử hạt nhân Đoàn phóng viên quốc tế di chuyển bằng tàu hạng sang và xe bus để tới bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Bãi thử hạt nhân chính của Triều Tiên bị thổi bay với vụ nổ rung chuyển mặt đất.

Trùm tình báo Triều Tiên đến Mỹ để chuẩn bị thượng đỉnh Trump - Kim

Phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol đang trên đường đến Mỹ, dự kiến thảo luận với quan chức cấp cao của chính quyền Trump về cuộc thượng đỉnh sắp tới.

Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm