Cầm đồ, hay cho vay cầm cố, đã xuất hiện từ rất lâu, khoảng 3.000 năm và không còn xa lạ với mọi người. Chức năng chính của cửa hàng cầm đồ là nhận cầm cố các loại tài sản làm thế chấp để cho vay vốn.
Theo ước tính của Bộ Công an, đến cuối năm 2022, cả nước có 27.000 cửa hàng cầm đồ đang hoạt động, cho thấy tín dụng cá nhân là nhu cầu thiết yếu của đa số người dân, đặc biệt với nhóm khách dưới chuẩn ngân hàng.
Mô hình triển vọng lớn
Theo Tiến sĩ Bùi Lê Minh - giảng viên Tài chính Kế toán ĐH FPT, Giám đốc Vận hành Trung tâm khởi nghiệp ĐH FPT - không giống những mô hình kinh doanh hoạt động khác, quy mô thị trường cầm đồ, hay số lượng người vay cầm đồ, rất khó để xác định cụ thể, bởi các chuỗi hoạt động dưới dạng công ty tư nhân hoặc cho vay nhỏ lẻ, hộ gia đình.
Tuy nhiên, nếu nhìn từ quy mô của các thị trường cầm đồ trong khu vực Đông Nam Á với nền kinh tế và thói quen tiêu dùng tương tự Việt Nam, tiềm năng của cầm đồ tại nước ta là rất lớn.
Mô hình cho vay cầm đồ có triển vọng và dư địa phát triển lớn. |
Lấy ví dụ, Tập đoàn Cầm đồ Muang Thai Capital của Thái Lan ghi nhận doanh thu hơn 20 tỷ baht (khoảng 13.350 tỷ đồng), lợi nhuận 5,1 tỷ baht (3.400 tỷ đồng) vào năm 2022, tương đương tăng trưởng CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) là 12% trong vòng 5 năm. Tương tự, Tập đoàn Moneymax Financial Service Ltd chuyên cầm cố sản phẩm cao cấp, cho vay tiêu dùng của Singapore cũng báo cáo doanh thu đạt hơn 253 triệu SGD (4.400 tỷ đồng), lợi nhuận gần 30 triệu SGD (522 tỷ đồng), tương ứng tốc độ tăng trưởng CAGR là 11,5% trong 5 năm.
“Xu hướng phát triển của lĩnh vực cầm đồ là tất yếu, bên cạnh những nguồn cung vốn khác”.
Tiến sĩ Bùi Lê Minh - giảng viên Tài chính Kế toán ĐH FPT
Tiến sĩ Bùi Lê Minh nhận xét quy mô dân số vượt trội và tốc độ phát triển kinh tế ở mức cao của Việt Nam là những thành tố dự báo sự tăng trưởng tương đương hoặc nhanh hơn so với mức 11-12%/năm trong lĩnh vực cầm đồ của khu vực. Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư nước ngoài như Vietnam-Oman, Mekong Enterprise Fund IV, CLSA Capital Partners Ltd, Probus Opportunities, Digi Ventures, Dunearn Singapore Fund, G Capital đầu tư vào những công ty vận hành dịch vụ cầm đồ cũng phần nào xác nhận thêm tiềm năng của thị trường này.
Không phải đối thủ trực tiếp với ngân hàng
Theo tiến sĩ Bùi Lê Minh, ưu điểm của loại hình cầm đồ là thủ tục thẩm định, giải ngân nhanh chóng, cầm cố đa dạng tài sản và thuận tiện trong giao dịch. Tuy nhiên, vì cửa hàng chịu rủi ro cao khi cho vay, loại hình này đi kèm lãi suất cao hơn so với vay ngân hàng.
“Rủi ro ở đây đến từ nhiều lý do, chẳng hạn rủi ro vỡ nợ của người vay, sự mất giá của tài sản cầm cố theo thời gian do những vật cầm cố này thường là tiêu sản, hay khó khăn trong công tác xác minh và thu hồi nợ. Thống kê cho thấy nợ xấu đối với hoạt động cầm đồ, cho vay tiêu dùng có thể đến 20-25% trên tổng dư nợ cho vay”, chuyên gia cho biết.
Nếu ngân hàng có mảng bán lẻ và cho vay tiêu dùng, hệ thống cầm đồ hiện đại cũng cung cấp những dịch vụ, lợi ích tương tự cho người dùng. Tuy nhiên, tệp khách hàng của các cửa tiệm cầm đồ phần lớn là những người lao động phổ thông, lao động tự do hoặc cá nhân không đạt chuẩn vay vốn từ ngân hàng. Là lao động tự do, thu nhập không cố định, nhưng họ lại có nhu cầu vay vốn trong thời gian ngắn, chấp nhận trả mức phí cao hơn ngân hàng và công ty tài chính để được giải ngân sớm.
Do sự khác biệt về tệp khách hàng nêu trên, mô hình này không cạnh tranh trực tiếp cũng như gây ảnh hưởng tới thị phần của các ngân hàng.
Dịch vụ cầm đồ có đối tượng khách hàng mục tiêu riêng. |
Hiện nay, khoảng 25% số người trưởng thành tại Việt Nam không có tài khoản ngân hàng. Mặt khác, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cuối năm 2022, 4,3 triệu người là lao động tự sản tự tiêu, trong đó 2,2 triệu người ở độ tuổi lao động (chiếm 51,7%). Theo tiến sĩ Minh, nhóm này khó đạt chuẩn cho vay của ngân hàng vì không chứng minh được thu nhập và tài sản đảm bảo chất lượng thấp.
Mặt khác, hệ thống cho vay cầm đồ có độ phủ cao ở các vị trí đắc địa, đi cùng lợi thế trong quá trình thẩm định và phê duyệt khiến kênh này có súc hút lớn với người đi vay. Nếu có cơ chế phù hợp để quản lý và thúc đẩy sự minh bạch của hình thức này, bên cạnh kênh ngân hàng, nước ta có thể đẩy lùi tín dụng đen hiệu quả hơn. Khi đó, chúng ta sẽ giải quyết được nhu cầu vay vốn của người dân bằng cách cung cấp giải pháp thay vì cấm đoán, chuyên gia nhận xét.
Cải thiện lòng tin xã hội từ mô hình chuẩn hóa
Nói về tiềm năng phát triển của loại hình vay cầm cố trong tương lai, tiến sĩ Bùi Lê Minh cho biết có hai khía cạnh cần cải thiện. Đầu tiên là “danh tiếng” của vay cầm đồ trong người dân; thứ hai là sự chuẩn hóa, hoàn thiện hệ thống để đưa đến dịch vụ minh bạch, chuyên nghiệp.
Chuyên gia chia sẻ lãi suất cho vay dân sự hiện nay theo quy định của pháp luật không vượt quá 20%, nhưng được phép thỏa thuận thu thêm các khoản phí khác như thẩm định, đăng ký, quản lý tài sản và những khoản phạt trả chậm đi kèm khiến mức nợ phải trả cao hơn nhiều lần. Đây cũng là điểm yếu của các cửa hàng cầm đồ trong quá trình vận hành, khi người đi vay hiểu nhầm hoặc không có nền tảng tài chính để tính toán những khoản phí, dẫn đến vỡ nợ và để lại danh tiếng không tốt cho mô hình cầm đồ.
Người vay nên hiểu rõ các rủi ro, lãi suất và tính toán chi phí trước khi quyết định vay vốn. |
Từ những góc nhìn trên, có thể thấy vay cầm đồ là một loại hình dịch vụ cho vay với nhiều ưu điểm và phù hợp người lao động phổ thông hoặc có tín dụng dưới ngưỡng ngân hàng. Do đó, người dân nên có cái nhìn cởi mở hơn đối với hoạt động cầm đồ, nhưng cũng cần hiểu rõ các rủi ro và phí, lãi trước khi quyết định tham gia.
Trước khi cầm cố tài sản, người vay nên đọc kỹ những điều khoản và tính toán cụ thể các khoản phải trả. Nếu có điểm nào chưa rõ ràng hoặc không hiểu trọn vẹn, người đi vay hoàn toàn có thể nhờ chuyên viên tư vấn giải đáp thắc mắc để tránh việc hiểu sai, tính hụt, mất tiền trong quá trình đi vay.
Chuyên gia nhận xét: “Để cải thiện lòng tin của xã hội, các cửa hàng cầm đồ nên đào tạo chuyên viên tư vấn đầy đủ, không chỉ kỹ năng giao tiếp bán hàng mà còn cả kiến thức tài chính tốt. Việc trực quan hóa dòng tiền và liệt kê các khoản phí giúp người vay có góc nhìn chính xác hơn, hỗ trợ cho công ty cầm đồ giảm rủi ro nợ xấu cũng như nâng cao uy tín, sức cạnh tranh, tính lành mạnh trên thị trường này”.
“Việc trực quan hóa dòng tiền và liệt kê các khoản phí giúp người vay có góc nhìn chính xác hơn, hỗ trợ công ty cầm đồ giảm rủi ro nợ xấu cũng như nâng cao uy tín, sức cạnh tranh, tính lành mạnh trên thị trường này”.
Tiến sĩ Bùi Lê Minh - giảng viên Tài chính Kế toán ĐH FPT
Trong xu thế phát triển của những loại hình cung cấp nguồn vốn vay đa dạng, nhiều mô hình cho vay cầm đồ hiện nay cũng được chuyên nghiệp hóa và hoàn thiện hơn trong khâu vận hành. Đây sẽ là bước đệm để tiến tới lấy lại lòng tin của người dân khi nhắc đến vay cầm đồ, cũng như cung cấp một giải pháp vay vốn nhanh chóng, thuận tiện và mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.
Hiện nay, bên cạnh hoạt động cầm cố tài sản, các cửa hàng đang hướng đến trở thành điểm tích hợp đa mục đích liên quan đến tài chính. Người đến các chuỗi cửa hàng này có thể chi trả hóa đơn, mua bảo hiểm, sử dụng những dịch vụ tiện ích, gửi hàng thương mại điện tử, vay tiêu dùng... Chuyên gia nhận định đây là xu hướng tất yếu để các cửa hàng cầm đồ tận dụng vị trí thuận lợi, tệp khách hàng sẵn có và mở rộng mô hình kinh doanh.
Ví dụ, với hơn 800 cửa hàng và nguồn vốn từ các quỹ nước ngoài, F88 là doanh nghiệp hàng đầu trong chuỗi hệ thống cầm đồ Việt hiện nay. Hệ thống có nghiệp vụ tư vấn và cho vay bài bản, mức lãi suất minh bạch, chỉ số tín nhiệm cao, là lựa chọn cho nhiều người dân khi có nhu cầu vay vốn gấp, giải ngân nhanh.
“Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ tổ chức tài chính nào, việc kiểm soát nợ xấu và minh bạch thông tin, chuẩn hóa quy trình là cần thiết cho sự phát triển của F88 nói riêng cũng như các tổ chức tín dụng, cầm cố tài sản nói chung, nhằm mang lại chất lượng dịch vụ tốt nhất cho người dùng”, tiến sĩ Bùi Lê Minh cho biết.
F88 là công ty cung cấp các dịch vụ tài chính tiện ích như cho vay cầm cố, phân phối bảo hiểm, tiện ích tài chính cho nhân viên văn phòng, công nhân, lao động tự do, tiểu thương... với hơn 800 cửa hàng giao dịch trên toàn quốc. Định mức vay dao động 3-500 triệu đồng, tùy theo loại đăng ký xe cầm cố. Ngoài ra, F88 phân phối các sản phẩm bảo hiểm vi mô (sức khỏe, nằm viện, bảo hiểm tai nạn) phù hợp người lao động với mức phí từ 200.000 đồng/năm và hỗ trợ, bồi thường nhanh trong vòng 24h. Độc giả có thể tham khảo thêm các dịch vụ của F88 tại đây.