Mới đây, Zalo đã trình bày giải pháp ứng dụng Zalo trong nông nghiệp 4.0. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Hội nghị “Gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên với nông dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp” diễn ra tại thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) ngày 16/8.
Đây là lần đầu tiên Zalo giới thiệu giải pháp ứng dụng Zalo trong ngành nông nghiệp, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền tỉnh Phú Yên.
Giải pháp của Zalo tập trung vào việc tăng cường kết nối, tương tác. Các kỹ thuật nông nghiệp sẽ được phổ biến đến nông dân thông qua tương tác trực tiếp giữa nông dân với chuyên gia, cơ quan phụ trách nông nghiệp.
Tương tác cũng giúp Nhà nước, ngân hàng lắng nghe được mong muốn của nông dân để ban hành chính sách và nhu cầu vốn. Qua tương tác trực tiếp, Zalo muốn thắt chặt mối “liên kết 5 nhà”, gồm: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông và nhà băng (ngân hàng).
Nông dân có thể sử dụng tiện ích trên ứng dụng Zalo để tra cứu giá cả nông sản, thông tin nguyên liệu đầu vào của sản xuất và dự báo thời tiết. Các dữ liệu này được cập nhật theo thời gian thực và bảo đảm chính xác.
Nông dân cũng sẽ nhận được các thông tin về dịch bệnh, giống cây trồng, vật nuôi… từ cơ quan phụ trách nông nghiệp địa phương. Bằng nhiều phương thức liên lạc như gọi điện và nhắn tin, các cơ quan chức năng sẽ nắm bắt được tâm tư của nông dân để chủ động tư vấn, giải đáp thắc mắc.
Zalo của các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp, doanh nghiệp nông nghiệp sẽ là kênh thông tin tham khảo, hỗ trợ kỹ thuật đối với nông dân.
Zalo bảo đảm chỉ có một tài khoản duy nhất của các cơ quan phụ trách nông nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp… trên ứng dụng, tránh mạo danh, thông tin sai lệnh.
Giải pháp của Zalo nhằm phối hợp với tỉnh Phú Yên trong triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có hiệu quả, phát triển các sản phẩm với quy mô hàng hóa, đổi mới công nghệ và tổ chức sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị sản phẩm cho nông dân, doanh nghiệp phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, giải pháp thắt chặt mối liên kết 5 nhà của Zalo còn giúp nhân rộng các mô hình sản xuất tốt, kinh nghiệm hay trong sản xuất… hướng đến phổ biến nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0, nông nghiệp thông minh.
Giải pháp ứng dụng Zalo trong nông nghiệp 4.0. |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 24-25% tổng giá trị sản phẩm trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù, có sức cạnh tranh cao là nước mắm, cá ngừ đại dương, sò huyết Ô Loan, bò một nắng, muối Tuyết Diêm, bánh tráng Đông Bình, khóm Đồng Din, rượu Quán Đế, cà phê Huy Tùng…
Vấn đề hiện nay của ngành nông nghiệp Phú Yên là giá trị gia tăng chưa cao, chất lượng tăng trưởng chưa bền vững. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một hợp phần của chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhằm nâng cao thu nhập, phúc lợi cho đời sống của nông, ngư dân. Nhưng việc tái cơ cấu nông nghiệp lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, nên việc triển khai của tỉnh gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho rằng việc tăng cường tương tác đóng vai trò quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp.
“Thứ nhất, nếu sự tương tác tốt thì chúng tôi sẽ biết chính sách ban hành có hợp lý hay không và điều chỉnh kịp thời. Thứ hai là khi người dân có cơ hội để tham vấn ý kiến các chuyên gia thì chắc chắn họ sẽ canh tác tốt hơn để sản xuất ra những sản phẩm tốt hơn. Thứ ba, khi nông dân biết được thị trường đang cần cái gì thì họ sẽ tập trung sản xuất thứ đó, bảo đảm giá trị. Tương tác là điều tôi nghĩ những mạng như Zalo đang làm rất tốt và là cái mà Zalo và Phú Yên có thể hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nói.